Cần giải pháp chiến lược để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra

Trong vòng 10 năm trở lại nay, Hà Tĩnh luôn phải hứng chịu nhiều đợt bão lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nguyên nhân gây ra lũ lớn và ngập úng kéo dài chủ yếu từ hoạt động kinh tế của con người. Vì vậy, cần có giải pháp chiến lược nhằm khắc phục góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Thiệt hại khôn lường

Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai. Hết hạn hán lại đến bão tố, lốc xoáy, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ tính giai đoạn 2002 - 2010, Hà Tĩnh phải hứng chịu 4 đợt lũ lớn vào các năm 2002, 2006, 2007, 2010.

Trận lũ quét năm 2002 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở tất cả các huyện trên hệ thống sông La, sông Lam. Trận lũ này làm 53 người chết, 11 người bị thương và hơn 60.000 ngôi nhà bị ngập trôi và hư hỏng nặng. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông - thủy lợi và kết cấu hạ tầng khác cũng bị phá hủy. Ước tính thiệt hại khoảng 824 tỷ đồng.

Hai trận lũ lịch sử trong tháng 10/2010 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân Hà Tĩnh
Hai trận lũ lịch sử trong tháng 10/2010 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân Hà Tĩnh

Kinh hoàng nhất vẫn là hai trận lũ lịch sử trong năm 2010 với tổng thiệt hại ước tính 6.800 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển KT-XH, XĐGN của tỉnh. Hai trận lũ làm chết 55 người, bị thương 191 người; tài sản của nhân dân, của nhà nước bị thiệt hại nghiêm trọng. Hiện nay, tỉnh vẫn đang tích cực khắc phục những về cơ sở hạ tầng nhằm sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng bị thiệt hại.

Đâu là nguyên nhân?

Trước hết, nguyên nhân gây ra lũ lớn trong 4 năm gần đây tại Hà Tĩnh là do cường độ mưa lớn trên diện rộng. Sự phát triển theo hướng Đông Tây của dãy Trường Sơn tạo thành địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và thung lũng thấp, hẹp chạy dài theo dòng chảy các sông. Các địa phương có thung lũng thấp như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… giống như những túi đựng nước “khổng lồ” trước khi thoát ra biển; đây cũng là nơi cộng đồng dân cư sinh sống và các hoạt động kinh tế nên khi xẩy ra lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tàn phá rừng đầu nguồn đã làm gia tăng tốc độ dòng chảy, gây lũ lớn
Tàn phá rừng đầu nguồn đã làm gia tăng tốc độ dòng chảy, gây lũ lớn

Mặt khác, do địa hình dốc nên các sông ở Hà Tĩnh đều ngắn, lòng sông hẹp, khả năng tiêu thoát lũ kém, khi lũ lớn không thoát kịp gây ứ tắc làm ngập sâu và lâu, nhất là ở vùng đồng bằng sông Ngàn Sâu và sông Nghèn. Hà Tĩnh ta có 5 hệ thống sông La, sông nghèn, sông Rào Cái; sông Rác và sông Rào Trổ. Tuy nhiên, khi xẩy ra lũ lớn các triền sông này đã bị lũ nhỏ trước đó chiếm chỗ nên mực nước cao, gây cản trở cho việc thoát lũ…

Hoạt động kinh tế của con người cũng là nguyên nhân căn cơ gây nên lũ lớn. Tình trạng chặt phá rừng, thảm thực vật bị suy kiệt, một số diện tích được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang rừng sản xuất nên mất khả năng giữ nước đã làm gia tăng tốc độ dòng chảy, gây nên cường suất lũ lớn, đỉnh lũ cao. Trong khi đó, công tác quy hoạch trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các ngành, địa phương chưa đồng bộ làm gia tăng mức độ khốc liệt. Mật độ xây dựng hạ tầng ngày càng cao, nhiều ao hồ bị san lấp, tôn cao… cũng làm mất dần các khu chứa lũ tạm thời. Việc khai thác cát sỏi ở các dòng sông làm nhiều đoạn bờ sông bị sụt lở nghiêm trọng và bồi lấp các cửa sông, gây cản trở việc thoát lũ, làm cho lũ lụt lớn hơn và lâu hơn.

Mặc dù công tác cứu hộ cứu nạn được các BCH phòng chống bão lụt từ T.Ư đến tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân nhưng do phương tiện vừa thiếu và yếu nên gặp không ít khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu trợ. Bên cạnh đó, thông tin liên lạc chưa đáp ứng yêu cầu; các kho bãi vật tư, lương thực dự trữ đều không phù hợp khi lũ lụt xẩy ra….

Giải pháp chiến lược

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam thì để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra cần tập trung vào giải pháp công trình. Trong đó, đối với các vùng ngập lũ như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, cần xây dựng các hồ chứa đã được xác định trong quy hoạch nguồn nước sông Cả và hồ Chúc A trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu; hồ Trại Dơi trên sông Tiêm, đồng thời kết hợp phát điện và bổ sung nước cho đập sông Triêm. Có thể nghiên cứu phát triển nguồn nước thay thế cho nhiệm vụ tưới của hồ Ngàn Trươi huy động 900 triệu m3 vào cắt lũ để giảm lũ cho Vũ Quang và Hương Khê.

Xây dựng nhà sàn tránh lũ sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra
Xây dựng nhà sàn tránh lũ sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra

Cùng đó, cần đánh giá lại mức độ an toàn của toàn bộ hồ chứa trên địa bàn. Những hồ chứa có sự cố cần tiến hành làm ngay. Đối với những công trình không xây dựng được tràn sự cố, cần mở rộng khoang tràn lớn hơn so với tiêu chuẩn thiết kế; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tuyến đường Hà Tĩnh – Hương Khê đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ.

Đối với vùng Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, cần mở rộng các cầu có mặt cắt co hẹp và tính toán nạo vét đoạn sông dẫn từ sau tràn Kẻ Gỗ đến cầu Hộ Độ đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế 1.050 m3/s; xây dựng tuyến đường cứu hộ từ Kẻ Gỗ đến Quốc lộ 1A theo bờ kênh chính của hồ dài 10 km và xây dựng đê đảm bảo an toàn cho TP. Hà Tĩnh.

Để có thông tin kịp thời chỉ đạo chống lũ lụt có hiệu quả thì phải xây dựng mạng lưới quan trắc phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo như trạm đo mưa tự ghi trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố thượng nguồn các hồ chứa nhằm cung cấp sớm tình hình mưa lũ trên địa bàn. Đặc biệt là quy hoạch và thực hiện quy hoạch rừng, đồng thời kiên quyết xử lý những vi phạm phá rừng đầu nguồn. Mặt khác, tuyên truyền khuyến khích người dân trồng rừng và bảo vệ rừng; đầu tư trang thiết bị cứu hộ cứu nạn cho BCH phòng chống lụt bão và người dân.

Những vùng ngập lũ thường xuyên như: Phương Điền, Phương Mỹ, Phúc Đồng (Hương Khê) và các xã nằm trong vùng nguy hiểm do lũ lụt gây ra, cần quy hoạch lại theo hướng xây dựng nông thôn mới. Tiến hành điều chỉnh, sắp xếp lại dân cư và cơ sơ hạ tầng như: di dời các công trình xây dựng, các tụ điểm dân cư nằm trên đường thoát lũ để tránh sự phá hoại của lũ. Đặc biệt, cần quan tâm đẩu tư kinh phí xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng có sàn chống lũ, khuyến khích xây dựng nhà sàn chống lũ ngay tại mỗi gia đình…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast