Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học

Hội nghị lần thứ 8, BCH T.Ư Đảng khóa XI vừa qua đã ban hành Nghị quyết (NQ) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Điểm cốt yếu là cùng với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là chú trọng phát triển năng lực công dân và nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành. Chuyển mạnh từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Đổi mới GD&ĐT theo tinh thần NQ T.Ư 8:

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Trường cho rằng: “Việc dạy và học hiện còn mang tính cung cấp kiến thức chứ chưa quan tâm đến giúp học sinh (HS) tiếp cận kiến thức nhằm nâng cao năng lực và phẩm chất người học. Vì thế, trong quan điểm đổi mới hiện nay sẽ giải quyết được hạn chế nói trên, giúp HS tiếp thu, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, học đi đôi với hành. Muốn làm được điều đó cần phải đổi mới một cách đồng bộ về nội dung, chương trình, sách giáo khoa, đổi mới hoạt động của người thầy để tiến tới hình thức thầy chỉ là người tổ chức, hướng dẫn và trò là người trực tiếp thực hiện. Thầy và trò đều phải cố gắng”.

Giờ thực hành bộ môn của học sinh Trường THCS Lưu - Vĩnh – Bắc Sơn.
Giờ thực hành bộ môn của học sinh Trường THCS Lưu - Vĩnh – Bắc Sơn.

Để làm được điều đó, thời gian qua, với sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt thể hiện rõ nét qua tinh thần NQ 05 của Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT đến năm 2015 và những năm tiếp theo, qua việc thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, những chính sách quan tâm đến đời sống giáo viên (GV), ngành GD&ĐT cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy và học. Đặc biệt, mô hình trường học mới (VNEN) lần đầu tiên thực hiện thí điểm ở Trường Tiểu học Cẩm Quan (Cẩm Xuyên).

Từ hiệu quả mô hình, năm học 2012-2013 và những năm tiếp theo, ngành đã chỉ đạo nhân rộng ở một số trường học các huyện, thành, thị. Thực tế cho thấy, ở các trường thực hiện mô hình mới đã tiến hành trang trí lớp học, xây dựng góc cộng đồng, góc học tập theo đúng quy định. Một số trường trang trí khoa học, sáng tạo, tiện sử dụng và có tính giáo dục cao như các trường tiểu học: Thạch Bằng (Lộc Hà), Thạch Tân (Thạch Hà), Hương Trà (Hương Khê)…

Ông Trường cho biết thêm: “Về nguyên tắc của mô hình trường học mới này, HS nhìn thì quên, nghe thì nhớ nhưng phải thực hành thì các em mới có thể hiểu được. VNEN đã thực sự phát huy tính tự lực, chủ động của cả thầy và trò. Tại các trường áp dụng mô hình mới này, cơ bản GV đã tổ chức cho HS hoạt động theo đúng các bước học tập và đã tổ chức khá tốt việc học nhóm cho HS...”.

Cùng với mô hình trường học mới, việc dạy Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục đã được triển khai tại một số trường. Mục đích của việc dạy và học này là đổi mới hoạt động của người thầy, tiến tới hình thức thầy thiết kế, trò thực hiện và trò sẽ nắm chắc ngữ âm (phát âm, cấu tạo âm, vần). Như thế, hiện tượng tái mù chữ trong HS, đặc biệt là HS ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… sẽ được hạn chế tối đa.

Thực tế cho thấy, GV lên lớp đúng quy trình, HS chiếm lĩnh ngữ âm khá tốt, viết đẹp. Ngoài ra, sự sáng tạo trong việc sử dụng sách thiết kế, trò chơi học tập của một số GV cũng đã tạo nên không khí học tập tích cực, hứng thú cho các HS. Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Lạc cho biết: Khối THPT cũng đã triển khai phương pháp “bàn tay nặn bột”, thí điểm mô hình nhà trường đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Những năm gần đây, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên đã được các trường tham gia tích cực, nhiều HS đạt giải cao trong nước và quốc tế.

Điều đáng nói, cùng với sự xuất hiện của mô hình trường học mới, phương pháp dạy Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, phương pháp “bàn tay nặn bột”… công tác huy động nguồn lực xã hội, củng cố cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, bãi tập, tăng cường các thiết bị dạy và học cho các trường cũng đã được ngành, các địa phương hết sức quan tâm. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện cũng được các trường áp dụng để động viên, khuyến khích HS tự học, tự rèn luyện, đồng thời giảm áp lực cho HS sau những giờ học căng thẳng.

Hà Tĩnh đã và đang đi đúng hướng trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Tuy nhiên, việc đổi mới không chỉ xuất phát từ mỗi thầy, cô giáo, mỗi nhà trường mà còn phải có sự quan tâm, vào cuộc thực sự của toàn xã hội và phải có nguồn lực nhất định.

Nhà giáo ưu tú Đinh Lê Báu - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT: Tất cả các ngành học, cấp học nên tập trung về một mối

Sự ra đời của NQ về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT không chỉ là thời cơ thuận lợi cho sự phát triển của nền giáo dục mà còn là lợi ích chung của toàn dân tộc. Việc đổi mới là cần thiết, nhưng theo tôi, cần phải giữ lại những thành tựu, truyền thống tốt đẹp đã có để từ đó phát huy. Tôi rất mừng khi trong quá trình đổi mới, đã có một số chính sách hợp lý được áp dụng trở lại như trước đây. Đó là vấn đề thâm niên nhà giáo, sự ưu tiên cho HS giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào đại học…

Tuy nhiên, đối với vấn đề quản lý giáo dục, từ T.Ư đến các địa phương cũng cần có cách làm phù hợp. Ai chịu trách nhiệm về chất lượng phải được quản lý về nhân lực và ngân sách, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu GV. Và đối với giáo dục thì tất cả các ngành học, cấp học nên tập trung về một mối (kể cả lĩnh vực đào tạo nghề), bởi điều quan trọng của con người không chỉ là vấn đề nghề nghiệp mà còn phải chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống.

Cô Hoàng Thị Diệu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh): Hy vọng Nghị quyết sẽ tạo động lực lớn cho người dạy

Hy vọng, NQ về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐTsẽ thay đổi tư duy trong công tác giáo dục, mọi hoạt động như: việc đề ra chiến lược, triển khai chính sách, quy định, các văn bản pháp lý… đều hướng về người học, lấy người học làm trung tâm. Việc đánh giá chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục có hoàn thành nhiệm vụ hay không sẽ bắt đầu từ việc đánh giá chất lượng đầu ra, phải xem người học có thỏa mãn với nhu cầu và đòi hỏi của xã hội, của chính bản thân người học hay không, người học có được phát triển năng lực không?

Để làm được điều đó, phải tạo được động lực cho mọi chủ thể tham gia trong quá trình hoạt động giáo dục. Là một GV, cán bộ quản lý có thâm niên, tôi hy vọng sự đổi mới căn bản, toàn diện của nền giáo dục Việt Nam sẽ tạo được động lực lớn cho người dạy. Động lực ấy liên quan đến chế độ, chính sách đầu tư nguồn nhân lực, điều kiện làm việc, tiền lương, phụ cấp… mà hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh: Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người dạy, đáp ứng việc phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học

Qua nghiên cứu NQ Hội nghị T.Ư 8 (khóa XI), tôi nhận thấy, nội dung của NQ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT rất phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, nhất là vấn đề phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Mục tiêu của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh từ khi thành lập đã xác định rõ vấn đề này, đó là phát triển những HS có năng khiếu về một môn văn hóa trên nền phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ để đào tạo con người cho đất nước. Mũi nhọn của trường là HS giỏi nhưng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải khá giỏi các môn khác.

HS không chỉ đơn thuần được học văn hóa mà còn được tham gia nhiều hoạt động xã hội, VHVN, TDTT, nhiều diễn đàn, CLB theo từng chủ điểm… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đào tạo, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người dạy để đáp ứng việc phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast