Phòng ngừa cháy rừng Hồng Lĩnh mùa nắng nóng

(Baohatinh.vn) - Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đang triển khai cùng lúc nhiều phương án ngăn ngừa phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Phòng ngừa cháy rừng Hồng Lĩnh mùa nắng nóng

Cán bộ BQL RPH Hồng Lĩnh kiểm tra, bảo dưỡng máy thổi gió để sẵn sàng dập lửa hiệu quả.

Lấy phòng làm chính

Theo ông Nguyễn Phi Quỳnh – Trưởng BQL RPH Hồng Lĩnh, vụ cháy rừng thông gây thiệt hại lớn trên địa bàn huyện Nghi Xuân vào mùa nắng nóng năm 2019 đã để lại nhiều bài học sâu sắc về công tác PCCCR không chỉ đối với cá nhân ông và đơn vị.

Bài học “lấy phòng làm chính” trong thực hiện nhiệm vụ khó khăn này lại một lần nữa được ông Quỳnh và toàn thể đơn vị quán triệt, đặt lên hàng đầu theo hướng thiết thực, chất lượng… ngay từ đầu năm, đặc biệt là khi bước vào mùa nắng nóng.

Việc đầu tiên, theo ông Quỳnh, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành các cấp đẩy mạnh công tác tuyên về PCCCR một cách thực chất hơn để người dân sống gần rừng hiểu rõ và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ, tránh lặp lại việc đốt dọn vườn gây cháy rừng như năm qua.

Xuất phát từ đặc thù, rừng nằm rộng trên địa bàn 4 huyện, thị (Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh), diện tích thông lớn, xung quanh dân cư bao bọc... vì thế BQL RPH Hồng Lĩnh tiến hành việc ký cam kết bắt buộc các hộ dân sống gần rừng tạo hành lang an toàn. Đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân đã thực hiện việc phát dọn, tạo hành lang an toàn ngăn cách rừng.

Chị Nguyễn Thị Liên, một hộ dân sống gần chùa Chân Tiên (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà), cho biết, người dân sau khi nghe cán bộ BQL RPH Hồng Lĩnh tuyên truyên đều thấy được sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng; cam kết không đốt vườn lúc nắng nóng và tạo hành lang an toàn cho rừng...

Do địa bàn lâm phần đơn vị quản lý, bảo vệ có nhiều di tích lịch sử, đền chùa, danh thắng... hàng ngày có hàng ngàn người vào rừng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, vì vậy, ngay từ đầu năm, đơn vị đã trích kinh phí mở rộng thêm được 25 km đường băng cản lửa rộng từ 15 lên 25 – 30m tại những vùng trọng điểm dễ cháy, giúp ngăn chặn hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra.

Phòng ngừa cháy rừng Hồng Lĩnh mùa nắng nóng

Đơn vị phát dọn, mở rộng đường băng cản lửa tại những vùng trọng điểm.

Không chỉ vậy, theo ông Quỳnh, cùng với việc mua sắm thêm nhiều dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác PCCCR, năm nay, đơn vị còn tăng số điểm canh lửa lên con số 46 và 10 điểm trực chỉ huy với thời gian 24 giờ/ngày. Và từ những ngày đầu tháng 5 này, đơn vị riển khai 100% cán bộ, công chức phối hợp với người dân có tham gia làm nghề rừng trên địa bàn tổ chức trực gác lửa rừng 24/24h.

Xây dựng các bước xử lý khi có cháy rừng

Trước khi bước vào mùa nắng nóng năm nay, nhằm giảm thiểu thiệt hại, BQL RPH Hồng Lĩnh đã xây dựng phương án xử lý cháy rừng và một số trường hợp giả định khi xảy ra cháy rừng.

Phòng ngừa cháy rừng Hồng Lĩnh mùa nắng nóng

Đơn vị thực hiện phát dọn thực bì, giảm vật liệu dễ cháy tại nhiều diện tích rừng thông.

Theo ông Nguyễn Hải Vân – Phó trưởng BQL RPH Hồng Lĩnh, trường hợp có xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý, trưởng ban chỉ huy tại điểm trực trên sẽ thực hiện trình tự các bước: Đánh 1 hồi kẻng 3 tiếng để chuẩn bị chữa cháy; huy động các hộ có tham gia làm nghề rừng, những người đủ tuổi lao động có đủ sức khoẻ thực hiện được nhiệm vụ nặng nhọc và khó khăn tham gia.

Đi cùng với đó, lực lượng trực cháy phải phát hiện kịp thời, xác định đúng vị trí đám cháy và chịu trách nhiệm dẫn đường cho lực lượng chữa cháy. Tổ trưởng, tổ phó chịu trách nhiệm chỉ huy chữa cháy khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý của mình.

Phòng ngừa cháy rừng Hồng Lĩnh mùa nắng nóng

Trên các vách đá tại nhứng điểm dễ nhìn, đông người qua lại đều được BQL RPH Hồng Lĩnh và các hộ dân ghi biển “Cấm lửa” để nhắc nhở mọi người...

Cũng theo ông Vân, biện pháp chữa cháy chủ yếu là thủ công, dùng các dụng cụ như: cành cây, dao rựa , liềm, máy thổi... để dập tắt đám cháy. Khi cháy lớn gió mạnh, địa hình khó khăn phải thực hiện làm đường băng trắng chặn trước đám cháy hoặc đốt trước có điều khiển không cho cháy lây lan. Trường hợp cần thiết báo cáo cấp trên huy động các loại phương tiện khác chữa cháy.

Và cuối cùng, khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn, Trưởng BQL RPH Hồng Lĩnh chịu trách nhiệm đánh giá chính xác diễn biến vụ cháy để huy động lực lượng và đề xuất phương án xin lực lượng ứng cứu.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast