Chuyện làm đường và 50 nóc nhà tránh lũ ở Sơn Thịnh

Là xã ở vùng rốn lũ, Sơn Thịnh (Hương Sơn) đã vuợt lên chính mình từ cuộc cách mạng GTNT. Trước mùa mưa lũ năm nay, xã nghèo có thêm 50 ngôi nhà chòi tránh lũ từ sự trợ giúp lớn của cộng đồng.

Đường bê tông bám lũ

Mang tiếng địa phương nghèo, đất nông nghiệp đã ít và lại thường hay bị lũ ăn chặn, thế nhưng, Sơn Thịnh vẫn là xã đứng tốp đầu về GTNT. Dầu xã không lớn tiếng “hô hào” kêu gọi nhưng ý thức hướng về quê hương đã thành tính tự giác đối với những người con xa xứ trên mọi miền đất nước.

Cầu Mỹ - Thịnh nối 2 xã Sơn Mỹ với Sơn Thịnh (Hương Sơn)
Cầu Mỹ - Thịnh nối 2 xã Sơn Mỹ với Sơn Thịnh (Hương Sơn)

Đã gần 2 thập kỷ trôi qua, nhưng bà Mai người hàng xóm vẫn không quên nhắc lại chuyện anh Đặng Bính - một kỹ sư dầu khí ở TP Vũng Tàu đã vận động hội đồng hương góp 1 tỷ đồng giúp xã làm đường, riêng anh Bính ủng hộ hơn 200 triệu đồng.

Một lần về quê ăn tết, Bính kéo thêm bạn bè đi “thăm nghèo, hỏi khổ” và tặng quà cho họ, nhất là những người bị mất hết tài sản trong lũ lụt. Hơn 1 km đường, khởi đầu ở thôn Thịnh Lợi, bằng nghĩa cử cao đẹp và thi công đạt chất lượng cao đã trở thành “cú hích” lớn cho cuộc cách mạng GTNT từ làng trên xóm dưới. Từ những dòng tin nhắn, những chuyện tự bạch của cha mẹ, anh em qua điện thoại, những đứa con có duyên nợ với quê đã thầm lặng giúp quê làm đường bê tông hóa để sống chung cùng lũ.

Một câu chuyện khác khiến ai nghe cũng cảm động, đó là cụ Lê Tần đã ngoài tuổi 80 - cán bộ quân đội nghỉ hưu, hàng tháng, tiết kiệm từ tiền lương của mình hơn 6 triệu đồng góp cho thôn làm đường đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Một lần trong cuộc họp xóm, cụ Tần nói: “Lụt cứ triền miên mà mình không xây đường cứng bằng xi măng thì vác cuốc, vác ven đắp bao nhiêu đất cũng hỏng. Vì thế, làm đường tốt, tạo được nhiều cái lợi cho cả làng, cả xã”. Cụ Tần “nói đi đôi với làm” nên dân phục, dân tin.

Tôi cùng anh Văn - cán bộ phụ trách văn hóa xã đi dọc 16 thôn, thôn nào cũng trải dài những con đường bê tông. Toàn xã hiện có hơn 17 km đường, riêng năm 2013, bà con nhiều thôn đã tự nguyện hiến 7.200 m² đất và chặt đốn 5.800 cây các loại để làm thêm 1.150m đường bê tông mới.

Tránh lũ “tại gia” từ... nhà chòi

Sơn Thịnh là xã “cận thủy” có nhiều hộ nghèo nên được tỉnh chọn và xây dựng 50 nhà chòi thí điểm, thực hiện theo Quyết định 716 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 1 năm triển khai, các hộ đã làm đảm bảo chất lượng và đúng hồ sơ thiết kế. 50 hộ dân đã làm vượt mức diện tích sàn vượt lũ tối thiểu 10 m², 32 hộ có diện tích vượt lũ từ 12-20m², trị giá từ 30-40 triệu đồng, 18 hộ có diện tích từ 21-36 m², trị giá từ 30-60 triệu đồng. Giá thành xây dựng trung bình thí điểm ở xã Sơn Thịnh 35 triệu đồng một ngôi nhà chòi.

Nhà chòi giúp người dân tránh lũ tại gia
Nhà chòi giúp người dân tránh lũ tại gia

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Đông nói: “Nếu xét trên bình diện rộng thì hàng trăm hộ ở đây đều phải làm kiểu nhà này. Bởi nó có nhiều tiện ích, như cất giữ được lương thực, thực phẩm và vật dụng gia đình an toàn, không lo bão giật đổ và nước lên, kể cả cấp gió lớn nhất. Người và gia súc tránh lũ được tại gia. Nhưng con số 50 gia đình được hưởng lợi sự hỗ trợ đặc biệt này, huyện Hương Sơn và chính quyền địa phương đã cụ thể hóa tinh thần và chủ trương của Chính phủ, để dân bàn, dân bình và xét diện ưu tiên”.

Chuyện xây nhà chòi tránh lũ ở xã Sơn Thịnh đều được các thôn trưởng, tổ chức họp bàn nghiêm túc. Khi trên “đã quyết” và dưới “dân đã đồng” với việc thí điểm làm 50 ngôi nhà chòi tránh lũ, xã Sơn Thịnh đã vay ngân sách trung ương 500 triệu đồng, vốn vay ưu đãi 500 triệu đồng, vốn huy động đóng góp từ các hộ hơn 1 tỷ đồng. Riêng 2 nguồn vốn vay đã giải ngân hết.

Theo chân cán bộ chính quyền địa phương xã Sơn Thịnh, chúng tôi được “mục sở thị” ngôi nhà chòi tránh lũ của chị Đặng Thị Nga (xóm Phúc Thịnh). Đây là ngôi nhà được mọi người xem là sáng kiến hay trong việc biết cải tạo để sống chung với lũ an toàn. Với căn nhà cũ tầng 1 đã xây kiên cố, không cần phải xây móng, đập tường, cứ thế dựng thêm “tầng 2” thành ngôi “nhà chòi hiện đại”. Chị Nga có hoàn cảnh rất đáng thương. Chồng chị - anh Võ Văn Thành bị tai nạn giao thông, mất khi chị mới sinh đứa con gái đầu lòng được 9 tháng. Cùng lúc đó, chị lại phải nghỉ việc cơ quan do “dôi dư biên chế”. Bước đường cùng, từ Đồng Nai chị phải trở về quê, nương náu vào cha mẹ và người thân tìm kế mưu sinh nuôi con nhỏ bằng bán rau, bán trứng. Bao nhiêu bất hạnh dồn lên vai, nhưng chị vẫn sống lạc quan vì được sưởi ấm bằng tình thương của mọi người.

“Tui phải tằn tiện lắm mới nuôi nổi con đang học đại học. Chuyện xây nhà tránh lũ nếu không có sự giúp sức của cộng đồng thì đời tui không bao giờ mơ tới” - chị tâm sự. Nguồn tiền hỗ trợ, tiền vay mướn được chị nhẩm lại: chị dành dụm được của 2 đứa em trong Nam gửi về 10 triệu đồng, tiền vay o, chú trong thôn 10 triệu đồng, tiền hỗ trợ từ chính sách và tiền vay lãi suất ưu đãi từ ngân hàng 20 triệu đồng. Với con số 40 triệu đồng, chị tôn tạo thành ngôi nhà chòi 2 gác, xếp được ngăn nắp các vật dụng sinh hoạt.

Chị Nga bộc lộ niềm vui: “Nhờ làm nhà chòi, tôi mới có dịp để cải tạo lại, tầng 2 có cửa sổ, mùa hè mở cửa, gió sông Ngàn Phố lồng lộng thổi vào. Nếu lũ về, tui không phải lo chạy tránh nữa”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast