Gập ghềnh “con chữ” vùng cao

Rào Tre là bản người Chứt trên núi cao thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê xa xôi, cách trở. Nơi đây khó khăn, thiếu thốn đủ điều. Khi chứng kiến tận mắt cảnh sống của những cán bộ biên phòng, giáo viên miệt mài bám bản “gieo mầm” những ước mơ cho học sinh vùng cao mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ...

Còn khó khăn lắm!

Bản Rào Tre có 32 hộ dân cư trú, 131 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp chưa đến 2ha, 1,2ha đất hoa màu và 2,2ha đất rừng sản xuất. Ít đất đã khổ, đã vậy mưa lũ xói mòn thường xuyên làm đất bạc màu, năng suất canh tác không cao nên người dân chưa thể tự túc được lương thực.... Trước đây, Rào Tre là điểm nóng của huyện Hương Khê về tình trạng di dịch cư dân tự do, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống của họ vẫn quanh quẩn làm không đủ ăn, chủ yếu dựa vào viện trợ.

Thiếu tá Tịnh đến nhà đôn thúc phụ huynh đưa trẻ đến lớp
Thiếu tá Tịnh đến nhà đôn thúc phụ huynh đưa trẻ đến lớp

Rào Tre, từ ngày về định cư với cuộc sống mới trong điều kiện hết sức khó khăn đã được bộ đội Biên phòng (BĐBP) cầm tay chỉ việc cho từng người. Các chiến sĩ BĐBP cũng là người dạy học để đồng bào biết đọc, biết viết để xóa mù chữ, bày cho họ cách làm ăn. Bộ đội Biên phòng một lúc đảm nhận vai trò: người thầy, người bạn, cán bộ quân y, khuyến nông... tất cả mọi việc đều có bàn tay của các anh.

Chúng tôi đến nhà bà Hồ thị Sâm, là một trong những người đã học rất tốt trong quá trình xóa mù chữ cho đồng bào nơi đây. Khi chúng tôi hỏi về việc học, bà cho biết: “Ngày trước chúng tôi không được học, từ khi về đây nhờ các chú bộ đội đưa cái chữ vào bản, chúng tôi đã biết đọc, biết viết, cảm ơn Bộ đội nhiều lắm”.

Đi một vòng, lúc trò chuyện với họ mới biết ngay cả những câu hỏi như: bao nhiêu tuổi; lấy vợ, lấy chồng từ lúc nào? thì những câu trả lời “không biết...” là thường xuyên. Chị Hồ chị Bình tâm sự: “Chúng tôi không có tên, đó là cái tên Bộ đội Biên phòng đặt cho, cho học chữ, cho gạo để ăn, đưa các con tôi đi học...”.

“Họ nhận thức kém nên rất dễ bị lợi dụng, nên mọi giấy tờ bộ đội biên phòng đều phải tự làm rồi cất giữ cho họ. Làm sổ hộ khẩu cũng phải nhìn mặt rồi đoán tuổi. Nhà nước cấp gạo thì BĐBP cũng phải giữ lại rồi đến tuần đem ra chia vì họ không biết cất giữ...”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lạc tâm sự.

Trẻ em ở Rào Tre sinh ra không được học hành tử tế, thanh niên không có nghề nghiệp ngoài việc đi rẫy, đi rừng. Việc học của các em ở đây được tính như một hình chóp nón: Mầm non, tiểu học có 21 em, lên cấp hai còn 14 em, cấp 3 học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên còn 2 em. Chia sẻ về hiện tượng số hoc sinh lên cao càng giảm này, bà Hồ Thị Năm - Bí thư Chi Bộ chia sẻ: Học lên cao, các chế độ trợ cấp không còn, đi học phải ở trọ, tiền ăn, ở, mọi chi phí sinh hoạt gia đình không nuôi nổi nên các cháu có muốn học thì cũng đành chịu. Mong các cấp, ngành tạo điều kiện cho các cháu để được đi học”.

Việc nối con đường văn hóa nơi xa xôi hẻo lánh này đến với xã hội văn minh bên ngoài còn đó những gian nan mà các đồng chí BĐBP và những giáo viên cắm bản đang ngày ngày vun đắp.

Miệt mài ươm mầm xanh tương lai

Đến với Rào Tre, nơi địa bàn rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại xa xôi cách trở nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì lẽ đó, việc học hành của học sinh nơi đây cũng khó khăn không kém. Nhưng, bằng lòng nhiệt huyết của mình, những chiến sĩ BĐBP, thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, hàng ngày miệt mài “gieo chữ” cho thế hệ tương lai giữa chốn rừng sâu này.

Bao năm vất vả, cô Hương vẫn say sưa giảng dạy cho lũ trẻ vùng cao
Bao năm vất vả, cô Hương vẫn say sưa giảng dạy cho lũ trẻ vùng cao

Kể về một số khó khăn và biện pháp khắc phục trong việc huy động học sinh đến trường học đầy đủ, bảo đảm tỷ lệ chuyên cần vùng cao Rào Tre, Thiếu tá Dương Thanh Tịnh – Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng 575 cho biết: “Chúng tôi phải đi từng nhà để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất quan trọng nên bà con đã hiểu ra và cho con em đi học, bây giờ tương đối đầy đủ. Do trước đây sống bằng săn bắt và phải đương đầu với thú dữ nên họ có thói quen thức đêm ngủ ngày, để dậy sớm đi học với các em là rất khó khăn, mỗi sáng sớm các anh em trong Trạm phải dậy sớm, cắt phiên nhau đi gõ cửa từng nhà rồi đưa các em đi học. Nếu không đến nhà gọi thì ngủ quên rồi bỏ học luôn”.

Tuy đã được các chiến sĩ Biên phòng xóa mù chữ nhưng do quanh năm vất vả với cuộc sống mưu sinh, ít quan tâm đến việc học hành,... thời gian dài không thường xuyên luyện đọc, viết nên hiện tượng tái mù chữ ở Rào tre lại diễn ra. Chị Hồ Thị Thành là một trong những người đã được học lớp xóa mù chữ cười cho biết: Khi đi học, bộ đội dạy thì biết đọc, biết viêt rồi... nhưng do nhiều việc quá không có thời gian thường xuyên luyện đọc, viết nên giờ cũng quên gần hết rồi”.

Khi nói về những kỷ niệm nhớ nhất khi huy động các cháu đi học, Thiếu tá Tịnh cười, chia sẻ: “Có hôm bận việc, do vội nên khi đưa các cháu đến gần trường dặn dò rồi quay về, vừa đi được một đoạn, ngoảnh đầu lại thấy các cháu đã về đằng sau...”

Công tác vận động để đưa các cháu đến trường đã khó thì việc giữ sĩ số lớp học nơi vùng sâu vùng xa này lại càng khó khăn hơn. Thiếu tá Tịnh đưa chúng tôi tới lớp mẫu giáo của bản Rào Tre. Do bản chưa có nhà trẻ nên trong căn nhà cấp 4 của hội trường thôn cũ kĩ, cô giáo Hoàng Thị Hương đang giờ lên lớp. Trong căn nhà nhỏ bé này là lớp học, là nơi vui chơi, là nơi ăn uống sinh hoạt của cô, trò bản Rào Tre.

Trong giờ ra chơi của các cháu cô Hương kể về một số khó khăn và biện pháp khắc phục trong việc dạy và huy động học sinh đến trường học đầy đủ: “Tôi chuyển về công tác ở bản Rào Tre này đã được 5 năm. Trong quá trình công tác gặp rất nhiều khó khăn. Do bố mẹ các em không được học hành, nhận thức kém nên không chú trọng vào công việc học tập của con cái. Các cháu ở đây không cao lớn, nhanh nhẹn như các bé vùng xuôi, tiếp thu bài chậm, thích thì học, không thích thì lặng lẽ trốn về”.

Dạy học trong điều kiện thiếu cơ sở vật chât, đồ dùng học tập, trẻ còn nhỏ không có người nấu ăn, không có nước uống, đồ dùng sinh hoạt cho các cháu nên cô Hương thường phải mang theo ấm điện, ly uống nước... để phục vụ các cháu.

Phần thì lo đưa đón các cháu đi học, lúc thì tập đọc, tập viết cho các bậc làm bố làm mẹ xóa mù chữ. Để “đưa cái chữ vào bản” ngày đêm họ vẫn miệt mài thức khuya dậy sớm, gắn bó với bản. Họ là những giáo viên cắm bản, những chiến sĩ BĐBP, những người làm giáo dục vì sự nghiệp “gieo mầm” cho thế hệ mai sau.

Những chiến sĩ BĐBP, cô giáo viên trẻ thật đáng khâm phục đã và đang vượt qua khó khăn, vất vả, sống gắn bó, âm thầm hi sinh, miệt mài gieo chữ nơi vùng cao Rào Tre, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao nói riêng và huyện Hương Khê. Họ là tấm gương sáng để lớp giáo viên trẻ hiện nay học tập và noi theo vì sự nghiệp trồng người của quê hương, đất nước.

Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo – những người đảm nhiệm sứ mệnh vẻ vang “trồng người”. Ngày 20/11 không chỉ là ngày hội của ngành Giáo dục mà thực sự đã trở thành ngày hội của toàn xã hội. Người thầy được tôn vinh bởi họ không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Cái chuẩn mực và cao đẹp ấy đã, đang và sẽ bắt đầu từ những con người bình dị, âm thầm nhất quanh ta. Việc dạy và học ở bản Rào Tre còn đó những khó khăn, họ cần lắm sự chung tay giúp đỡ và quan tâm sâu sát hơn nữa của chính quyền, của mỗi người và các đoàn thể.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast