Bàn về quyền sống trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Quyền sống (hay quyền được sống) là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, là một trong những nội dung quan trọng của Nhân quyền. Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi người có quyền sống”.

Từ trước tới nay, quyền sống đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng của quốc tế, của các nước và của nước ta như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776; Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945... Điều 3 của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 cũng đã khẳng định điều đó

Trong các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992), quyền được sống được thể hiện thông qua việc quy định các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... của công dân. Việc quy định quyền được sống trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện một bước tiến mới trong tiến trình lập hiến của chúng ta.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, để hoàn thiện hơn, chúng tôi cho rằng nên gộp Điều 21 (quy định về quyền sống) vào Điều 22 (quy định quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền được hiến xác, hiến bộ phận cơ thể) thành một điều trong Hiến pháp. Vì các quy định tại Điều 22 của dự thảo chỉ là sự cụ thể hóa, mở rộng nội dung của Điều 21. Mặt khác việc gộp 2 điều này với nhau sẽ làm cho bản Hiến pháp ngắn gọn hơn, lôgic hơn, theo đúng yêu cầu của một đạo luật gốc. Cụ thể như sau:

“1. Mọi người có quyền sống.

2. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.

4. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast