Linh thiêng Côn Đảo

Bất cứ du khách nào khi đến Côn Đảo cũng đều ngỡ ngàng tự hỏi tại sao thực dân Pháp lại chọn một thắng cảnh tuyệt đẹp như thế này để xây dựng hệ thống nhà tù như thời Trung Cổ giam cầm những người yêu nước, biến hòn đảo này thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm trời. Khám phá Côn Đảo, du khách càng ngỡ ngàng hơn bởi những sự tích, những địa danh nơi đây đều gắn với những truyền thuyết giàu chất sử thi như những huyền thoại…

Một góc thị trấn Côn Đảo
Một góc thị trấn Côn Đảo

Sau gần một giờ bay từ sân bay Tân Sơn Nhất – TP.Hồ Chí Minh, chiếc máy bay từ từ giảm độ cao để đáp xuống sân bay Cỏ Ống thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhìn qua cửa sổ máy bay, Côn Đảo tựa như một con gấu khổng lồ nằm quay lưng về hướng đất liền, chân hướng ra phía biển Đông, xung quanh gồm 15 hòn đảo nhỏ như một đàn gấu con quây quần bên mẹ.

Lịch sử và huyền thoại

Giám đốc Sài Gòn – Côn Đảo resrot Lê Sỹ Vượng là người Sài Gòn chính gốc nhưng đã ngót hai chục năm làm người dân Côn Đảo. Gắn bó với hòn đảo này từ những ngày đầu đổi mới, xuất thân là dân học sử, trưởng thành từ hướng dẫn viên du lịch lên giám đốc chi nhánh của một công ty du lịch lớn, ông Vượng hiểu và yêu Côn Đảo như quê hương thứ hai của mình. Dưới ánh trăng của một đêm thượng tuần giữa bốn bề sóng nước, những câu chuyện của ông Vượng kể về Côn Đảo đều gắn với những sự tích, những truyền thuyết về một vùng đảo hoang sơ nhưng đầy lãng mạn.

Sử sách nước ta xưa gọi hòn đảo lớn nhất của quần đảo này là Côn Lôn, nay gọi là Côn Đảo. Đây cũng là tên gọi chung cho cả quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ này. Côn Đảo cách cảng Vũng Tàu 97 hải lý và chỉ cách sông Hậu có 45 hải lý – ông Vượng bắt đầu câu chuyện. Từ thế kỷ XIII, thuyền thám hiểm của người Ý đã đến Côn Đảo, đến thế kỷ XV- XVI tàu buôn của các nước châu Âu đã cập bến Côn Đảo; cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII người Anh và người Pháp bắt đầu điều tra, thăm dò với âm mưu xâm lược Côn Đảo. Tháng 11-1861 sau khi thôn tính các tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đặt ách thống trị lên Côn Đảo.

Du khách thăm hệ thống “Chuồng cọp” ở trại Phú Hải – Côn Đảo.
Du khách thăm hệ thống “Chuồng cọp” ở trại Phú Hải – Côn Đảo.

Đối với người Việt Nam, Côn Đảo được biết đến bởi đất lành chim đậu, người Việt ra đây sinh cơ, lập nghiệp hàng bao đời. Thời Tây Sơn dấy binh khởi nghĩa, Chúa Nguyễn Ánh thất trận phải đưa vợ con cùng con vật có tên Hắc Hổ chạy ra Côn Đảo chạy trốn, với ý đồ nhờ Linh mục Bá Đa Lộc tháp tùng con trai làm con tin cầu viện ngoại bang giúp đỡ. Thấy vậy thứ phi Lê Thị Răm (tức Bà Phi Yến) khuyên can và không đồng tình việc dùng Hoàng tử Hội An làm con tin, vì theo bà “việc đánh nhau với Tây Sơn là việc trong nhà, nếu cho Hoàng tử đi làm tôi con cho giặc thì muôn năm sau lịch sử sẽ bia truyền cái tội cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ. Chỉ mấy lời khuyên can ấy mà Bà bị vị chúa độc tài kết tội thông đồng với Tây Sơn rồi bị tống giam hang đá.

Khi bị quân Tây Sơn truy lùng ráo riết, Nguyễn Ánh cùng tùy tùng phải rời đảo chạy trốn. Hoàng tử Hội An không thấy mẹ đi cùng nên nhất quyết đòi ở lại liền bị người cha tàn bạo xách đầu ném xuống biển. Hắc Hổ là con vật cận thân của Hoàng tử thấy vậy cũng nhảy xuống theo và chính con vật này đã kéo thi hài Hoàng tử lên chôn ở khu rừng gần bãi Đầm Trầu. Dân làng Cỏ Ống thấy con vật mà ăn ở có nghĩa như vậy nên đã động lòng đắp cho mộ to hơn rồi lập miếu thờ Hoàng tử Hội An (còn gọi là Hoàng tử Cải). Miếu ấy được mệnh danh là Miếu Cậu. Sau khi chôn cất Hoàng tử Hội An, con Hắc Hổ đã cạy hang đá cứu thoát bà Phi Yến đưa về bên mộ con. Dân làng đã làm ngôi nhà cạnh mộ để ngày ngày bà chăm sóc đứa con bất hạnh của mình. “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”, hai câu đồng giao người đời thường hát chính là nói về câu chuyện này.

Đài tưởng niệm liệt sĩ Nghĩa trang Hàng Dương
Đài tưởng niệm liệt sĩ Nghĩa trang Hàng Dương

Là người xuất thân từ dòng dõi trâm anh, không chịu đồng lõa với những hành động có tội với lịch sử nên Bà thứ Phi rất được người dân kính trọng. Một hôm dân làng An Hải tổ chức cuộc Đàn chay có rước Bà đến dự. Thuở ấy, nhan sắc lộng lẫy và vẻ nho nhã của bà vẫn làm nao lòng những kẻ háo sắc. Đêm hôm ấy, Biện Thy - kẻ đồ tể háo sắc không ngăn nổi tà dâm, đã nắm tay sàm sở bà Phi Yến. Theo luân lý xưa, chỉ nắm tay thôi cũng coi như bị xâm hại tiết hạnh, nên Bà đã tự mình chặt đứt cánh tay dơ bẩn đó. Vẫn chưa hết tủi nhục trong lòng, đêm đó Bà đã tự vẫn để giữ tròn danh tiết. Dân làng An Hải đã xây dựng An Sơn Miếu hay còn gọi là Miếu Bà để thờ đức bà Phi Yến tại nơi bà yên nghỉ. Bà Phi Yến xứng đáng với bốn chữ Trung Trinh Tiết Hạnh và trong tâm thức của người dân Côn Đảo, bà như là một vị phúc thần bao năm chở che cho người dân trên hòn đảo thiêng này. An Miếu Sơn ngày nay trở thành một điểm đến không thể thiếu của bất cứ ai có dịp đến Côn Đảo.

Vị phúc thần thứ hai được người dân Côn Đảo tôn vinh cũng là một người phụ nữ, đó là Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Cuộc đời chị Sáu bắt đầu hóa thành huyền thoại kể từ ngày giặc Pháp dẫn chị ra Côn Đảo. Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933, chiến sỹ trinh sát của Đội công an xung phong Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa - Sài Gòn và bị kết án tử hình. Đầu năm 1952, chúng lén lút đưa Chị ra Côn Đảo để thi hành án tử hình, nhằm tránh sự phản kháng của dư luận về việc toà án thực dân kết án tử hình một thiếu nữ chưa đến tuổi trưởng thành. Ít ngày sau, bất chấp sự phản đối và đấu tranh quyết liệt của hàng ngàn tù nhân Côn Đảo, thực dân Pháp đã hèn hạ xử bắn Võ Thị Sáu và đồng chí Hồ Văn Năm, bên cạnh gốc cây dương già trong nghĩa trang Hàng Dương.

Những câu chuyện kể về tinh thần đấu tranh anh dũng của chị Sáu trong “Chuồng cọp” và ở pháp trường tôi đã được nghe nhiều, nhưng hôm nay là lần đầu tiên tôi được chứng kiến ngôi mộ của Chị ở Nghĩa trang Hàng Dương có đến bốn tấm bia và được anh Vượng kể cho nghe những huyền thoại xoay quanh những tấm bia này. Khi chị Võ Thị Sáu bị quân thù giết hại, anh em tù chính trị đã chôn cất chị và làm một tấm bia đá khắc tên tuổi chị đặt dưới chân mộ. Đã nhiều lần kẻ địch phá bỏ nấm mộ chị Sáu vì chúng muốn xoá đi hình ảnh anh hùng, bất khuất của chị trong lòng những người tù. Không biết bao lần bia mộ của chị bị phá vỡ hoặc vứt bỏ nhưng địch phá bia này, bia khác lại mọc lên do các anh em trong tù bí mật dựng lại. Những câu chuyện về chị, về sự hy sinh oanh liệt của chị đã được lan truyền khắp Côn Đảo; anh em tù nhân lấy đó làm tấm gương để học tập noi theo, kẻ thù coi đó là mối hiểm nguy phải tìm cách để loại trừ. Cai ngục cho đập phá tấm bia trên mộ Chị, nhưng lạ thay sáng hôm sau đã có tấm bia khác thay thế, chúng càng ra sức đập phá thì mộ Chị ngày càng to hơn và ngày nào cũng có hương hoa thơm ngát.

Viếng mộ chị Võ Thị Sáu
Viếng mộ chị Võ Thị Sáu

Không ai nhớ hết đã có bao nhiêu tấm bia dựng trên mộ Chị, thời Mỹ - Ngụy, mỗi lần mở chiến dịch "tố cộng" là bọn cải huấn lại kích động đám tù tay sai đập bia mộ chị Sáu để hạ uy thế những người cộng sản. Nhưng chúng vừa đập xong thì lại có tấm bia khác mọc lên, khi bằng xi măng, khi bằng đất nung, khi lại bằng đá, bằng gỗ, bằng tôn và đặc biệt có cả tấm bia được chạm bằng đá quý đặt từ một cơ sở chuyên tạc bia có tiếng ở Chợ Lớn chuyển ra. Kẻ thù hèn hạ có thể phá được tấm bia này hay tấm bia khác, nhưng chúng không thể xóa được sự ngưỡng mộ của tù nhân và người dân Côn Đảo với người con gái mà họ đã phong thần. Chúng càng đập phá thì chị càng linh thiêng. Người dân trên Côn Đảo truyền nhau rằng, hễ có kẻ nào xâm hại mộ chị thì sớm muộn đều bị trừng phạt, có không ít tên cai ngục và lính gác hung hăng đã bị chết bất đắc kỳ tử, hoặc thân tàn ma dại. Mọi cuộc điều tra của chính quyền cũ đều không có lời giải về những cái chết như vậy.

Những câu chuyện về Chị Sáu đã trở thành huyền thoại trên Côn Đảo.

Cất cánh

Hai câu chuyện anh Vượng kể cho tôi nghe về hai người nữ tù là hai huyền thoại điển hình về tinh thần của người dân Côn Đảo. Còn nhiều lắm những câu chuyện huyền thoại như vậy theo dấu chân nhiều thế hệ đã đi qua nơi mảnh đất tiền tiêu giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ này. Không ai bỏ công đi điều tra xem có bao nhiêu phần sự thật trong những huyền thoại như vậy, bởi vì bất cứ ai cũng cảm nhận được cái khát vọng hòa bình mãnh liệt trong những câu chuyện có vẻ huyền bí này. Nó mãnh liệt như tinh thần trung trinh tiết liệt của bà Phi Yến, như tinh thần bất tử của liệt nữ Võ Thị Sáu. Nó còn mãnh liệt bởi có lẽ không ở đâu trên trái đất này, máu xương của những con người trung nghĩa lại đậm đặc như ở đây – nơi suốt 113 năm các thế lực xâm lược đã từng đày ải, giam cầm hơn 200 ngàn lượt tù nhân, trong số đó có hơn 20 ngàn người vĩnh viễn gửi lại nơi đây nắm xương tàn bên những hàng dương, dưới những nấm mồ cát lạnh. Để giờ đây, cứ sau mỗi trận bão cát người ta lại thấy những bộ xương khô lộ thiên giữa cát trắng biển khơi! Máu xương của họ đã hòa vào lòng đất Mẹ, giữa đảo khơi nơi tiền tiêu của Tổ quốc để cho cây trái xanh tươi, cho cuộc sống trên Côn Đảo ngày một thay da đổi thịt.

Bãi Nhát – hoang sơ và quyến rũ!
Bãi Nhát – hoang sơ và quyến rũ!

Địa ngục trần gian năm xưa nay trở thành một địa chỉ du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái hấp dẫn. Cùng với những truyền thuyết sử thi huyền thoại và lãng mạn, cùng với hệ thống nhà tù và các di tích lịch sử dày đặc, những bãi tắm hoang sơ mê mẫn lòng người, Côn Đảo còn hấp dẫn du khách bởi đây là một trong bảy Vườn quốc gia của Việt Nam hiện nay bảo tồn cả rừng lẫn biển. Sự cô lập cách ly địa lý của quần đảo này là một yếu tố tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái rừng và biển, sự phong phú về thành phần loài, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm như: Rùa biển, đồi mồi, dugong, các rạn san hô biển... Với tiềm năng đa dạng sinh học rừng và biển cao, Vườn quốc gia Côn Đảo được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách các vùng có ưu tiên khu vực cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu.

Cho tôi được ví hình ảnh những chiếc phi cơ đang sải cánh trên đường băng sân bay Cỏ Ống như là một biểu tượng tạo đà cho sự vươn lên của Côn Đảo trên con đường đổi mới. Được biết, hiện hãng hàng không Vietnam Airline đã mở các tuyến bay ra Côn Đảo từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ và sắp tới sẽ mở thêm nhiều tuyến bay mới ra hòn đảo tiền tiên này. Còn nhớ hôm tôi đến phòng vé Vietnam Airline trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Quận 1 đặt vé ra Côn Đảo, cô nhân viên phòng vé nhã nhặn thưa rằng, phải chờ sau một tuần nữa mới có vé vì dịp hè khách ra Côn Đảo quá đông, mặc dù Hãng đã tăng thêm 2 chuyến một ngày nhưng vẫn không đáp ứng nổi. Đây có lẽ là những thông tin tốt lành mà bất cứ người làm du lịch nào cũng thèm muốn. Và đó cũng là những tín hiệu tiền đề báo hiệu sự cất cánh ngoạn mục của hòn đảo này trong tương lai không xa khi du lịch được xác định là mũi nhọn cho hướng đi của Côn Đảo.

Côn Đảo – TP.HCM, tháng 7-2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast