Gặp người huấn luyện 1.000 con chim bồ câu cho ngày Đại Lễ

Sau khi rải thóc xuống nền đất, người đàn ông cầm chiếc còi lủng lẳng trước ngực rít lên mấy tiếng quen thuộc, ngay lập tức trên 1.000 con bồ câu trắng đang chao lượn trên bầu trời sà xuống xung quanh ông và xếp thành những biểu tượng, những dòng chữ khẩu hiệu rất thú vị...

Những chú chim điệu nghệ

Trong dịp ra Hà Nội gần đây, nhân hội chợ triển lãm “Hà Nội-làng nghề, phố nghề” tại công viên Bách Thảo (Hà Nội), tôi ghé vào tham quan các gian trưng bày. Tôi và không ít du khách thực sự ngỡ ngàng trước sự hiện diện của những chú bồ câu trắng chao lượn điểm xuyết những gam màu mới lạ trên nền xanh thẳm của rừng cây cổ thụ Bách Thảo.

Nghệ nhân Phạm Tài Thu cho chim ăn trước giờ huấn luyện
Nghệ nhân Phạm Tài Thu cho chim ăn trước giờ huấn luyện

Lân la tìm hiểu, tôi được biết đây là đàn chim bồ câu mới được nghệ nhân Phạm Tài Thu - một trong những chuyên gia hiếm hoi của Việt Nam theo nghề huấn luyện chim - đưa từ Đà Nẵng ra để phục cho ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Cứ đúng 7 giờ sáng, ông Thu lại bắt đầu buổi huấn luyện. Sau một hồi còi rít lên đều đặn nhịp nhàng, những đàn chim đang rỉa lông rỉa cách trong chuồng, trên thân cây cổ thụ hay đang sải cánh trên trời đều sà xuống rào rạt như một cơn lốc trắng “tập hợp” nhanh chóng tại khu đất nổi trong hồ Bách Thảo.

Sau khi “điểm danh” xong, người huấn luyện chạy ra bãi tập - là những con đường rộng chạy uốn lượn trong công viên, tay cầm sọt thóc, tay rải thóc đều trên mặt đường theo những biểu tượng hoặc những con chữ đã được vạch sẵn.

"Chuyện trò" cùng chim
"Chuyện trò" cùng chim

Hoàn tất việc chuẩn bị, ông Thu cất lên một hồi còi. Một chú bồ câu trắng từ khu đất nổi bay lên hướng về nơi có tiếng còi. Đàn chim kế sau đó tung cánh bám theo rồi hạ cánh nhịp nhàng, uyển chuyển trước mặt nghệ nhân và những hàng chữ “Thăng Long - Hà Nội” hiện ra trắng muốt trên con đường rải nhựa.

Khi nhìn thấy những con chữ được xếp ngay ngắn, nghệ nhân Phạm Tài Thu lại rít lên một hồi còi, đàn chim lại bay lên, dòng chữ trắng Thăng Long - Hà Nội” bay bổng trên cao theo hướng dựng đứng được khoảng 10 mét rồitách ra hướng về khu đất nổi - khu nhà mới của đàn chim.

Hàng trăm du khách khi chứng kiến những màn biểu diễn tài tình nghệ nhân và đàn chim bồ câu trắng đều rất ngỡ ngàng, vui sướng hò reo vỗ tay tán thưởng.

Huấn luyện chim - nghề không đơn giản

Để huấn luyện được trên 1.000 con chim bồ câu một lúc là cả một quá trình gian khó. Nghệ nhân Phạm Tài Thu tâm sự: “Nếu bạn muốn gần gũi chúng, muốn chúng làm theo ý bạn, điều đầu tiên là phải lựa chọn giống chim tốt dễ thuần và nhất thiết là phải nuôi chim từ nhỏ. Bạn có thể mua vài ba chục con để nuôi đơn thuần thì không vấn đề gì, thế nhưng việc phải tuyển chọn trên 1.000 con chim nuôi đã là khó, rồi làm sao cho chim không bị bệnh cũng đã rất vất vả. Còn nói đến việc huấn luyện trên 1.000 con chim, để nó gần gũi, làm theo sự điều khiển của mình thật sự là một thử thách lớn”.

Sau khi đồng ý nuôi và huấn luyện 1.000 con bồ câu trắng cho UBND T.P Hà Nội, ông Thu bắt tay vào công việc tuyển chọn chim. Suốt hơn một tháng trời lùng sục khắp các tỉnh miền xuôi, miền ngược, từ Nam ra Bắc, ông Thu mới lựa chọn cho mình những con chim khoẻ đẹp và dễ thuần. Đa phần chim bồ câu trắng được ông mua ở các tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... , sau đó đưa về Đà Nẵng - nơi ông sinh sống - để nuôi và huấn luyện.

Nghệ nhân Phạm Tài Thu cho hay: “Từ việc cho ăn gì, ăn như thế nào, tiêm thuốc gì để chim kháng được bệnh tật, phát triển nhanh và không bị mệt khi di chuyển xa... đều phải xem xét cẩn trọng. Cũng may là tôi đã gần gũi và yêu thích nuôi chim từ nhỏ, ông nội và ba của tôi cũng là những người nuôi chim lão luyện nên tôi cũng tiếp thu được khá nhiều kinh nghiệm từ cha ông”.

Trong đàn hơn 1.000 con, ông Thu chọn ra khoảng 10 con để huấn luyện riêng. “Đó là những con đầu đàn, chúng được áp dụng chế độ luyện tập đặc biệt, đi đâu và làm gì tôi cũng đưa chúng đi theo, thậm chí cả lúc về nhà, lúc ăn, ngủ, chúng cũng sát cánh cùng tôi” - ông Thu cho biết.

Những chú chim còn lại cũng được tập luyện với chế độ rất nghiêm ngặt. Mục đích các khoá huấn luyện của ông là để chim có thể tiếp xúc được với con người, có thể gần gũi với người lạ, có thể xếp được chữ như tên người, các khẩu hiệu, xếp được các biểu tượng các hình ngộ nghĩnh như trái tim, hình thù con vật...

Mong muốn nhân rộng vườn chim hoà bình

Trước khi thực hiện dự án nuôi 1.000 con chim bồ câu trắng cho Thủ đô Hà Nội, nghệ nhân Phạm Tài Thu đã thưc hiện nhiều dự án ở các tỉnh thành khác.

Ông Thu tâm sự: “Tôi chính thức bước vào nghề huấn luyện chim từ năm 2000. Đó là thời điểm tôi vào Đà Lạt chơi, qua nhiều cuộc viếng thăm trò chuyện với những người đồng hương Đà Nẵng, tôi nhận được lời mời xây dựng vườm chim hoà bình ở trung tâm thành phố. Khởi đầu từ 100 con bồ câu trắng, đến nay đàn chim đã phát triển và nhân rộng ra với số lượng xấp xỉ 1.000 con”.

Người dân Đà Lạt rất thích thú với sự hiện diện của đàn bồ câu trắng, có rất nhiều du khách từ già, trẻ, gái, trai ồ ạt đến đùa giỡn với đàn chim, cho chim ăn và chụp ảnh lưu niệm cùng chim. Họ bị cuốn hút bởi những màn trình diễn xếp hình, xếp chữ điêu luyện của đàn chim.

“Có rất nhiều đôi tổ chức đám cưới đến đây chụp hình, họ thuê tôi điều khiển đàn chim xếp chữ cô dâu chú rể và lồng trái tim vào. Số tiền đó lại được đầu tư, nhân rộng đàn chim” - ông Thu cho biết.

Sau sự thành công của vườn chim hoà bình ở Đà Lạt, ông Thu lại tiếp tục nhân rộng mô hình đó ở Đà Nẵng với dự án nuôi 1.000 con bồ câu trắng tại công viên Phạm Văn Đồng. Đàn chim của ông Thu được tuyển chọn kỹ lưỡng từ khắp các miền đất nước với nhiều chủng loại, đẹp nhất là bồ câu vua, rồi đến bồ câu sư tử, bồ câu kỳ lân giống Pháp, Thái Lan, Nhật Bản... trong số đó theo ông bồ câu giống Việt Nam là bay đẹp nhất vì dáng người thon gọn nhỏ nhắn.

Tâm niệm của nghệ nhân Phạm Tài Thu là muốn xây dựng nhiều vườn chim hoà bình trên khắp đất nước.

Ông Thu cho rằng: “Hà Nội là thành phố hoà bình, vậy nên các công viên Bách Thảo, Thống Nhất, Thủ Lệ, Hoà Bình... đều phải có sự hiện diện của những cách chim bồ câu trắng. Sau khi chuyển giao 1.000 con chim bồ câu trắng cho công viên Bách Thảo, tôi sẽ lên Sơn La. Sau dự án ở Sơn La, tôi sẽ tiếp tục xây dựng vườn chim hoà bình tại quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh (Nghệ An).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast