Hiện đại hóa - khâu đột phá trong cải cách hành chính tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, hiện đại hóa là một trong 8 nhóm hoạt động, có vai trò động lực và có tính đột phá giúp đẩy nhanh tiến trình và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính

Hiện đại hóa - khâu đột phá trong cải cách hành chính tại Hà Tĩnh

Xử lý thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh

Từ lâu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quan tâm thực hiện, nhưng việc gắn kết đồng bộ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính được chỉ ra cụ thể và có tính chiến lược hơn từ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2020, đặc biệt là kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước phải gắn với công tác cải cách hành chính và hướng đến mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính phục vụ, hoàn thiện chính quyền điện tử; trực tiếp cung cấp môi trường, phương tiện cho người dân tiếp cận, nắm bắt thông tin và giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền các cấp... Nói cách khác là xây dựng nền hành chính thân thiện, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.

Trên cơ sở Kế hoạch CCHC của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, chương trình, văn bản quan trọng, gắn liền với công tác cải cách hành chính hàng năm của tỉnh và các địa phương, đơn vị.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 95% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính, kết nối mạng LAN, Internet. 100% UBND các cấp ứng dụng đồng bộ, liên thông hệ thống gửi nhận văn bản điện tử, chữ ký số; ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý một cửa và dịch vụ công trực tuyến, cập nhật minh bạch thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử. Bảo đảm 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân được tiếp nhận, quản lý và giám sát minh bạch trên môi trường Internet, người dân có đủ cơ hội tiếp cận, khai thác mọi thông tin trên môi trường mạng theo quy định.

Hiện đại hóa - khâu đột phá trong cải cách hành chính tại Hà Tĩnh

Hiện đại hóa thiết bị tạo đột phá trong giao dịch thủ tục hành chính tại Hà Tĩnh

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật công khai kịp thời 100% thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, mức độ 2 và đã có 2.213 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; công khai và thống kê đầy đủ thông tin hồ sơ tiếp nhận và giải quyết tại UBND các cấp qua bộ phân một cửa và trung tâm hành chính công.

Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn kết nối liên thông với mạng xã hội Zalo, cho phép người dân tiếp cận thông tin, tra cứu trực tuyến về tiến độ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo. Tính từ đầu năm đến ngày 26/11/2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận 466.319 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn và trước hạn đến 97,9%.

Tất cả các sở, ban, ngành đều đã triển khai số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên thông giữa các cấp, cụ thể như: cơ sở dữ liệu quản lý công chức, viên chức, cơ sở dữ liệu quả lý người có công, quản lý tư pháp hộ tịch, quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh, quản lý truyền thanh cơ sở, quản lý tài chính công…; đang từng bước triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai và tài nguyên môi trường.

Riêng các ngành giáo dục và y tế đã triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm giúp nâng cao và chuyển biết rõ rệt hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh trong phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, đã liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của 13/16 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 94 trạm y tế, cấp mã định danh y tế cá nhân đến 1,2 triệu người dân.

Năm 2017, chỉ số hiện đại hóa trong CCHC được xếp hạng 17/63, chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT Index xếp 20/63 và chỉ số về Chính quyền điện tử cấp tỉnh được xếp thứ 10/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Hiện đại hóa - khâu đột phá trong cải cách hành chính tại Hà Tĩnh

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công huyện Cẩm Xuyên.

Mặc dù đã đạt được những kết quả như trên, nhưng hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là việc chưa có trung tâm tích hợp dữ liệu theo công nghệ điện toán đám mây, đủ mạnh đáp ứng nhu cầu triển khai tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, chưa triển khai được nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP) để đồng bộ hóa chính quyền điện tử trong toàn tỉnh.

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến mức độ 3 và 4 vẫn còn thấp. Các cớ sở dữ liệu quốc gia chưa kịp triển khai đến cơ sở nên chưa cải thiện đáng kể hiệu quả quản lý nhà nước, chưa đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính.

Nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thực hiện mục tiêu hiện đại hóa hành chính hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử trên địa bàn Hà Tĩnh cần tập trung lồng ghép chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 với Kế hoạch triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời mọi kết quả đạt được từ công tác CCHC, đặc biệt là kết quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, kết quả minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cơ hội giao dịch, tương tác trực tuyến giữa người dân với chính quyền các cấp.

Thực hiện thường xuyên và chặt chẽ việc giám sát, đánh giá kết quả công khai minh bạch thông tin hoạt động của các cơ quan, địa phương trên cổng/trang thông tin điện tử theo Quyết định 2694 và Quyết định 739 của UBND tỉnh, đặc biệt chú ý các nhóm thông tin quan trọng như: Chương trình công tác, văn bản chỉ đạo điều hành; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử phạt; thông tin về đất đai, tài chính, các dự án đầu tư, trả lời ý kiến của người dân, doanh nghiệp,…; giám sắt chặt chẽ hoạt động tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Đào tạo nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, đặt biệt là công chức cấp xã; đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách CNTT và đội ngũ lãnh đạo CIO nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa trong tình hình mới.

Huy động các nguồn lực để triển khai thành công các dự án về Trung tâm tích hợp dữ liệu điện toán đám mây, hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẽ dùng chung, các hệ thống thông tin theo kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast