Không phải hai đường phố mang tên một người

(Baohatinh.vn) - Đến nay, nhiều người vẫn còn phân vân TP Hà Tĩnh có 2 đường phố (đường La Sơn Phu Tử thuộc phường Nguyễn Du và đường Nguyễn Thiếp ở phường Tân Giang) cùng mang tên một người. Thực ra không phải vậy, bởi đây là hai nhân vật lịch sử thuộc hai thế hệ, ở hai thế kỷ, có nơi sinh và công lao đóng góp cho đất nước và quê hương khác nhau.

Một số tuyến đường trung tâm TP Hà Tĩnh, trong đó có đường Nguyễn Thiếp. Ảnh chụp từ Google Map
Một số tuyến đường trung tâm TP Hà Tĩnh, trong đó có đường Nguyễn Thiếp. Ảnh chụp từ Google Map

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp sinh năm 1723 tại xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là xã Kim Lộc, Can Lộc). Ông sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi vọng tộc, lúc thiếu thời đã nổi tiếng văn tài lỗi lạc. Ông đậu Giải nguyên năm 21 tuổi, thi Hội năm 26 tuổi. Sau đó, ông ra nhậm chức Huấn đạo ở huyện Lương Sơn (tức phủ Anh Sơn sau này), rồi Tri huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Bất bình với thời cuộc, ông cáo quan về lúc 46 tuổi. Chẳng bao lâu, tiếng tăm ông lan đến tận kinh kỳ.

Cuối năm 1788, khi Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) lên ngôi Hoàng đế và kéo quân ra Bắc đã triệu hỏi ông về kế sách đánh giặc. Sau 3 lần mời gọi, ông đã nhận lời vào kinh đô cùng vua Quang Trung bàn việc nước. La Sơn phu tử trở thành quân sư được trọng dụng và là người có công trong việc chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ tại xã Kim Lộc - quê hương ông. Năm 1994, đền thờ được công nhận di tích lịch sử quốc gia. Đường La Sơn Phu Tử bắt đầu từ Chi cục Thuế TP Hà Tĩnh qua Trường THCS Nguyễn Du đến Trường Mầm non Bình Hà thuộc phường Nguyễn Du.

Nguyễn Thiếp sinh năm 1894, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Việt (Thạch Hà). Thuở nhỏ, Nguyễn Thiếp là một cậu bé thông minh, ham học và có nhiều khát vọng lớn. Sau khi đậu sơ học, Nguyễn Thiếp về dạy học ở quê nhà để có điều kiện tham gia hoạt động yêu nước. Cuối năm 1928, Nguyễn Thiếp được cử phụ trách Đại tổ Tân Việt huyện và bổ sung vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ Tân Việt Hà Tĩnh. Sau khi Đảng Tân Việt bị phân hóa và tan rã, Nguyễn Thiếp tích cực hoạt động cho việc thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Tháng 3/1930, tại hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành. Tháng 9/1930, tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thiếp được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đầu năm 1931, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Xứ ủy Trung kỳ, sau đó bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ. Giữa lúc Nguyễn Thiếp đang cùng nhân dân Hà Tĩnh đấu tranh chống khủng bố trắng của địch, đồng thời gấp rút chuẩn bị cho hội nghị Xứ ủy Trung kỳ thì bị địch bắt ở Vinh. Bọn mật thám Pháp đã dùng mọi ngón đòn hiểm để tra tấn nhưng không lay nổi ý chí sắt thép của đồng chí.

Thực dân Pháp kết án đồng chí 13 năm khổ sai và đày vào nhà lao Buôn Mê Thuột. Tại đây, ngày 16/2/1932, Nguyễn Thiếp đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm tiếc thương vô hạn của các đồng chí và nhân dân. Ngày nay, tên của đồng chí được đặt cho con đường nối từ đường Phan Đình Phùng qua Tỉnh ủy đến khối phố 6, phường Tân Giang.

(Số 01, ngõ 2, đường Nguyễn Hữu Thái, TP Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast