Kỳ 2: Hướng khơi xa, bảo vệ chủ quyền

(Baohatinh.vn) - Vươn khơi xa khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế to lớn từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là hướng Hà Tĩnh đang vươn tới nhưng chưa xứng tầm.

Kinh tế biển Hà Tĩnh - nhìn từ những ngành, nghề ưu tiên

>> Kỳ 1: Đột phá Vũng Áng - Sơn Dương

Giảm thuyền nhỏ, tăng tàu lớn

Biển Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế và chiến lược QPAN. Được xem là cửa ngõ Vịnh Bắc bộ, Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km với 4 cửa lạch đổ ra biển; chiếm 18.400 km2 trải dài qua 30 xã thuộc 5 huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh; có 267 loài cá thuộc 97 họ, trữ lượng 8-9 vạn tấn...

Những chuyến ra khơi không chỉ đưa lại cho ngư dân nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Những chuyến ra khơi không chỉ đưa lại cho ngư dân nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong những năm qua, việc khai thác nguồn lợi biển ở Hà Tĩnh luôn được các ngành, địa phương liên quan phát triển theo hướng nâng cao giá trị kinh tế đi đôi với công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái biển, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển. “Làm được điều đó không cách nào khác là chúng ta phải nâng cao năng lực khai thác bằng cách loại dần tàu thuyền có công suất nhỏ, ưu tiên đầu tư tàu thuyền có công suất lớn để đánh bắt xa bờ, thời gian đánh bắt trên biển dài...” - ông Đậu Hữu Tuất - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân cho biết.

Nghi Xuân cũng là huyện đi đầu của tỉnh trong việc giảm thuyền nhỏ, tăng công suất tàu. Nếu năm 2010, công suất máy bình quân của huyện này là 18 CV/chiếc, thì đến năm 2013 đã đạt 21,8 CV/chiếc; số lượng tàu đánh bắt xa bờ có công suất 320-450 CV hiện có 28 chiếc, tăng 8 chiếc so với 2010.

Đáng mừng là những năm qua, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, từ đó khuyến khích nhiều địa phương có biển tích cực nâng công suất tàu thuyền để đánh bắt xa bờ. Lộc Hà là một điển hình. Chỉ trong 2 năm (2012, 2013), bằng chính sách hỗ trợ khá mạnh tay (đến nay đã hỗ trợ 5 tỷ đồng), huyện đã đóng mới 26 tàu thuyền có công suất từ 90-250 CV, đưa tổng công suất của huyện lên trên 11.000 CV... Ông Trần Trọng Phước (xã Thạch Kim) là một trong 26 hộ đóng mới tàu công suất lớn, cho biết: Năm 2012, gia đình ông được huyện động viên và hỗ trợ 200 triệu đồng nên đã mạnh dạn đầu tư đóng mới một tàu có công suất 200 CV. Từ ngày có tàu lớn, đi khơi, đi lộng dài ngày trên biển mà chẳng lo lắng điều gì... Nhờ đánh bắt xa bờ nên năng suất, chất lượng cá cao hơn hẳn những hộ đánh tàu nhỏ...

Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, nhiệm vụ của tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2011-2020 là giảm 900 tàu cá có công suất nhỏ hơn 20 CV/chiếc; phát triển 360 tàu có công suất từ 30 CV/chiếc đến dưới 90 CV/chiếc và 100 tàu có công suất trên 90 CV/chiếc. Định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có 3.416 tàu cá với tổng công suất đạt 104.374 CV, công suất bình quân 30,554 CV/chiếc. Rất vui là đến những ngày cuối năm 2013 này, toàn tỉnh đã có 3.900 tàu với tổng công suất 92.000 CV, bình quân đạt gần 23,6 CV/chiếc, trong đó 120 chiếc có công suất trên 90 CV, tăng 90 chiếc so với năm 2008.

Công suất tàu nâng lên, kéo sản lượng, giá trị đánh bắt tăng theo. Cụ thể: năm 2010, sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 23.600 tấn, giá trị sản xuất 560 tỷ đồng, tỷ lệ sản phẩm có giá trị xuất khẩu 24% thì đến năm 2013, ước đạt lần lượt là 30.000 tấn, 716 tỷ đồng và 25%, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động trực tiếp xa khơi và hàng vạn lao động dịch vụ khác; hình thành trên trăm tổ, đội, HTX an toàn trên biển. Một số đội tàu xa bờ của các làng biển truyền thống như: Cẩm Nhượng, Thạch Kim... đã tích cực bám biển dài ngày ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, vùng biển Hoàng Sa, Tây Nam... Sự hiện diện ngày đêm trên biển của các ngư dân, tổ, đội... góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thuyền… thúng ra khơi!

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng không thể phủ nhận chúng ta đã, đang và sẽ còn đối diện với muôn vàn khó khăn trong khai thác tiềm năng thủy sản từ biển. “Hạm đội thuyền thúng ra khơi” là câu nói chỉ để ví von của một chuyên gia thủy sản lại chẳng hề sai đối với năng lực quá khiêm tốn của đội tàu, thuyền khai thác thủy sản tỉnh nhà.

Tàu xa bờ Song Long ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) chuẩn bị cho chuyến xa khơi.
Tàu xa bờ Song Long ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) chuẩn bị cho chuyến xa khơi.

Số lượng tàu dưới 20 CV vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, trên 70%; loại có công suất từ 30 CV trở lên chỉ chiếm trên 15%; công suất bình quân của cả tỉnh tính đến 2013 mới chỉ đạt 23,6 CV/chiếc, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước gần 60 CV/chiếc. Riêng 2 tỉnh ngay sát ta là Nghệ An, Quảng Bình đạt bình quân lần lượt là 91 CV và 65 CV/chiếc và hiện mỗi tỉnh láng giềng này đã có 1.000 tàu đánh bắt xa bờ. Tàu bé, đánh quanh quẩn ven bờ, cho giá trị không cao, thu nhập thấp.

Không chỉ vậy, chất lượng đội tàu trong tỉnh cũng hạn chế. “Hầu hết loại tàu có công suất dưới 90 CV đều được lắp máy do Trung Quốc sản xuất, vỏ tàu được đóng theo mẫu truyền thống, không có ca bin, nắp hầm hàng hở. Một số tàu công suất dưới 20 CV có vỏ bằng tre nứa...”. (trích báo cáo từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh). Thậm chí, trong năm 2013, nhiều tàu có công suất trên 60 CV vẫn được một số địa phương trong tỉnh mua lại tàu cũ từ các tỉnh phía Nam vì giá rẻ hơn nhiều so với đóng mới. Do chất lượng thấp, nhiều trường hợp tàu hỏng hóc, chết máy trên biển.

Điều đáng nói, việc các cửa lạch: Cửa Nhượng, Cửa Sót, Cửa Hội bị bồi lắng gây cản trở sự ra vào của tàu cá đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ nghề cá. Hệ thống dịch vụ nghề cá như cảng cá, kho lạnh, cung ứng xăng dầu, nước đá, âu thuyền tránh bão... ở các địa phương chưa hoàn chỉnh dẫn đến tình trạng, giá trị đánh bắt không đạt được mức lợi nhuận cao nhất có thể.

Quyết tâm vươn ra khơi xa của Hà Tĩnh bằng việc nâng cấp đội tàu đánh bắt là hướng đi tất yếu, phù hợp vì thế kỷ 21 được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Điều cần thiết là chúng ta cần tập trung toàn diện, cao độ hơn nữa mới mong bắt kịp bạn bè.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast