Sức khoẻ các bệnh nhân nặng mắc Covid-19 hiện như thế nào?

Khó có thể tưởng tượng 3 lần ngừng tuần hoàn mà bệnh nhân vẫn quay lại được với cuộc sống. Đến nay nữ bệnh nhân nặng mắc COVID-19 này đã bắt đầu có tri giác trở lại, đã làm theo được những gì bác sĩ và điều dưỡng yêu cầu. Đó là sự hồi phục vượt cả tưởng tượng của bác sĩ...

Sức khoẻ các bệnh nhân nặng mắc Covid-19 hiện như thế nào?

Các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang được các bác sĩ và các chuyên gia thường xuyên hội chẩn, nỗ lực điều trị

Theo thông tin từ Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tối ngày 12/4 cho biết, đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi 144 trường hợp (55%) bệnh nhân, còn lại 114 người bệnh (45%), đang điều trị tại 14 cơ sở khám chữa bệnh. Có cả bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến.

Có 71 ca (61%) đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, có 39 ca (35%) đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 4 ca (4%) đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

Hiện 106 bệnh nhân có sức khoẻ ổn định; có 8 bệnh nhân nặng, trong đó 01 trường hợp chạy ECMO, 2 trường hợp thở máy, 5 trường hợp thở ô xy.

+ BN 161: 88 tuổi, từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân có tiền sử bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái. Bệnh nhân này hiện đang thở máy.

Tại buổi hội chẩn chuyên môn về điều trị bệnh nhân nặng, Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các bác sỹ điều trị trực tiếp xem xét thời điểm để mở nội khí quản cho người bệnh

+ BN 20: 64 tuổi, thở máy, tình trạng sức khoẻ tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân này hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Chia sẻ về ca bệnh này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19, cho biết bệnh nhân này vừa thiếu cân, vừa bị rối loạn tiền đình.

Chỉ vài ngày sau khi vào viện, bệnh tiến triển rất nhanh, ngày 15/3 bệnh nhân bắt đầu phải thở máy, ngày 19/3 các chuyên gia phải cho bệnh nhân vừa thở máy vừa sử dụng ECMO.

Bộ Y tế đã thành lập tổ trợ giúp chuyên môn do GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai - làm tổ trưởng. Trong vòng 21 ngày, 30 chuyên gia đã có 14 buổi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, theo dõi các chỉ số của các bệnh nhân nặng trong mỗi giờ để có chiến lược điều trị kịp thời.

Sau rất nhiều cố gắng của cả bác sĩ và bệnh nhân, bệnh nhân này đã được cai ECMO hôm 4/4. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân đã có tới 3 lần ngừng tuần hoàn.

"Chúng tôi khó có thể tưởng tượng 3 lần ngừng tuần hoàn mà vẫn quay lại được với cuộc sống, vì bình thường có khi ngưng 2 lần gia đình đã xin về.

Lần này bác sĩ nỗ lực, gia đình cũng nỗ lực, đến nay bệnh nhân đã bắt đầu có tri giác trở lại, đã làm theo được những gì bác sĩ và điều dưỡng yêu cầu. Đó là sự hồi phục vượt cả tưởng tượng của chúng tôi" – GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ

+ BN 91: 43 tuổi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, chuyển sang thở máy xâm nhập và chạy ECMO, tình trạng nguy kịch

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh cho biết tổn thương phổi của bệnh nhân này ngưng tiến triển tuy nhiên thông khí còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện, dù kết quả xét nghiệm RT-PCR ở cả bệnh phẩm dịch rửa phế quản và dịch mũi họng của bệnh nhân đều âm tính với virus SARS-COV-2

Hiện tại, bệnh nhân không sốt, nằm yên (có sử dụng thuốc an thần). Bệnh nhân tiếp tục thở máy xâm nhập, tiếp tục được oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và lọc máu liên tục.

Do đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh thường xuyên cập nhật tình hình và xin ý kiến hội đồng chuyên môn cấp quốc gia để thống nhất hướng điều trị tiếp theo.

Hiện nay, theo ý kiến hội chẩn của Hội đồng chuyên môn cấp quốc gia, ngoài các can thiệp hồi sức hô hấp tuần hoàn chuyên sâu như trên, công tác điều trị tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân này đang tập trung điều trị theo hướng hội chứng HIT (Heparin-induced thrombocytopenia)

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các ca bệnh hiện nay đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là: 38 ca, trong đó số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính là 16 ca.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 chia sẻ: Đến bây giờ chưa có ca tử vong nào do COVID-19 nhưng đã có những ca bệnh nặng, rất nặng thậm chí có tiên lượng tử vong. Những ngày qua ngành y tế đã huy động toàn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, căng sức tập hợp kể cả các đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi nhất thông qua các cuộc hội chẩn từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong các trường hợp dùng ECMO hay lọc máu.

“Đánh giá các ca này tiên lượng tử vong vẫn còn nên đội ngũ thầy thuốc đang tập trung tất cả những thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện y tế hiện đại nhất, đặc biệt là sự theo dõi tận tình của đội ngũ y bác sĩ, chúng ta sẽ cố gắng chiến đấu, để cứu chữa, giữ mạng sống cho các bệnh nhân”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo Thái Bình/Báo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast