Kết hợp thẩm quyền Quốc hội, nhân dân đối với Hiến pháp

Việc sửa đổi Hiến pháp và xây dựng quy trình sửa đổi Hiến pháp cần bảo đảm kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và quyền của nhân dân.

ĐB Nguyễn Văn Sơn - Đoàn Hà Tĩnh phát biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Phạm Nghĩa
ĐB Nguyễn Văn Sơn - Đoàn Hà Tĩnh phát biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Phạm Nghĩa

Trong 2 ngày thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến toàn diện về những nội dung lớn như vai trò lãnh đạo của Đảng, tên nước, lực lượng vũ trang, vai trò của MTTQ và giai cấp công nhân trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong hai ngày qua đã có 86 ý kiến phát biểu tại hội trường trên tổng số 119 đại biểu đăng ký phát biểu.

Các đại biểu đều đánh giá cao việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp và thể hiện tâm huyết và trí tuệ của nhân dân đối với các vấn đề lớn của đất nước. Đây cũng là cơ sở để Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).

Nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là những vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc như tên nước; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực của cơ quan nhà nước; vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam và bổ sung một số vấn đề trong tình hình mới...

Cụ thể, việc sửa đổi Hiến pháp và xây dựng quy trình sửa đổi Hiến pháp cần bảo đảm kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và quyền của nhân dân. Các đại biểu đề nghị quy định rõ Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và việc trưng cầu ý kiến về Hiến pháp do Quốc hội quyết định như Dự thảo công bố. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua cần phải được toàn dân phúc quyết và lúc đó Hiến pháp mới có hiệu lực vì nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước.

Về chế độ kinh tế, các đại biểu đều khẳng định, nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường, định hướng XHCN như trong Cương lĩnh của Đảng. Riêng về vai trò của các thành phần kinh tế, đa số ý kiến tán thành phương án 3 nêu trong Dự thảo là “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.

Đối với quy định về sở hữu đất đai và thu hồi đất, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Quốc hội tiếp tục khẳng định quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Nhà nước đại diện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Đồng thời trao quyền thu hồi đất, sử dụng đất vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng. Riêng việc thu hồi đất cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này vào Dự thảo Hiến pháp nhưng cũng có ý kiến đồng ý với Dự thảo, có ý kiến lại đề nghị đưa vào quy định trong Luật Đất đai sửa đổi tới đây.

Về lực lượng vũ trang, Quốc hội khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân như trong Cương lĩnh. Lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế.

Đối với thẩm quyền quyết định phê chuẩn ngân sách Nhà nước và ngân sách Trung ương, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương, xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và tính toán ngân sách Nhà nước.

Loại ý kiến thứ 2 đề nghị Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

Về thẩm quyền quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, đa số ý kiến tán thành đối với phương án 1 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo đề nghị của Chính phủ.

Về chính quyền địa phương, đây là vấn đề lớn, thuộc nội dung của Hiến pháp nhưng theo các đại biểu, Dự thảo chưa làm rõ được vị trí, vai trò, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của chính quyền địa phương. Hiến pháp không thể không hiến định chế định này. Có ý kiến cho rằng, 2 phương án mà Dự thảo đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong đổi mới chính quyền địa phương.

Đối với cơ chế bảo vệ Hiến pháp, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động của các cơ quan công quyền. Hiện còn ý kiến khác nhau về mô hình, tổ chức cơ quan bảo hiến.

Đó là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp. Có ý kiến tán thành việc lập Hội đồng Hiến pháp nhưng tăng thẩm quyền để cơ quan này thực sự là có thực quyền, bảo đảm được bảo vệ Hiến pháp, nghiên cứu thể chế hóa việc thành lập Tòa án Hiến pháp để cơ quan này thực hiện quyền tài phán của mình đối với những vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

“Đây là vấn đề mới, có nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị Quốc hội cho các cơ quan hữu quan cùng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp tục nghiên cứu, báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp tới”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu tổng kết hai ngày thảo luận tại Quốc hội.

Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều nội dung khác như về kỹ thuật lập hiến, vai trò, vị trí, tổ chức của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, về đề nghị thành lập Thanh tra Quốc hội, Ngân hàng Trung ương, Thống kê Nhà nước...

Đoàn Thư ký kỳ họp sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc và chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast