Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản ở Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã và đang giúp bà con nông dân Thạch Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Các hộ nuôi tôm ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà) cải tạo ao đầm, chuẩn bị vào vụ mới.
Các hộ nuôi tôm ở xã Thạch Bàn (Thạch Hà) cải tạo ao đầm, chuẩn bị vào vụ mới.

Chúng tôi về thôn Song Hải, một trong 2 thôn giáo toàn tòng của xã Thạch Sơn vào một ngày lạnh giá. Vậy mà, ông Nguyễn Hữu Hồng - một trong những hộ có nhiều lồng nuôi cá vược nhất thôn vẫn loay hoay trên mấy dãy lồng. Theo ông, trời lạnh, cá ăn ít nên rất cần được theo dõi…

Ông cho biết thêm, từ sinh sống bằng nghề đánh bắt, khi có bara Đò Điệm, huyện đưa mô hình nuôi cá hồng, cá vược bằng lồng bè về hướng dẫn cho bà con trong thôn nuôi. Từ 2 hộ ban đầu (2010), đến nay, cả thôn có 123 hộ nuôi. Cuộc sống của phần lớn hộ dân nơi đây cũng khá lên từ nuôi cá. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nói rồi, ông Hồng mời chúng tôi ra lồng xem cá. Chỉ tay xuống mấy ô nuôi, ông Hồng cho biết, hiện dưới này còn trên 2 tấn cá vược, giá hiện tại khoảng 140.000 đồng/kg. Năm 2013, trừ chi phí, gia đình ông lãi ròng 400 triệu đồng. Vậy mà vẫn chưa bằng hộ anh Cầu, anh Thưởng trong thôn.

“Loại cá này tạp ăn nhưng hay bị bệnh đường ruột, nấm nên phải có hiểu biết về phòng chống dịch bệnh. Việc chọn giống ra sao, cho ăn như thế nào để phù hợp với từng tháng tuổi, thời tiết… là rất quan trọng. Tất cả những kiến thức đó chúng tôi đều biết được từ các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và huyện phối hợp với xã tổ chức” - ông Hồng cho biết thêm.

Nuôi tôm công nghệ cao cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/vụ ở Thạch Hà giờ đây đã là chuyện... bình thường. Về xã Thạch Bàn, nơi dự án Suma (Đan Mạch) trước đây thất bại do các hộ nuôi kém hiểu biết về kỹ thuật thì nay nhờ biết áp dụng công nghệ mới đã cho thu nhập cao. Người có công lớn làm nên sự thay đổi này là anh Nguyễn Phi Thắng. Đang làm nghề xây dựng ở miền Nam, tình cờ xem ti vi, nghe giới thiệu mô hình nuôi tôm trong ao đất ở Tiền Hải (Thái Bình) tương đồng với đồng đất xã mình, anh nghĩ, sao họ làm được còn mình lại thất bại. Trở về quê, anh ra Tiền Hải mời chuyên gia về.

Sau khi các “thầy” khẳng định nuôi tốt, rồi được cán bộ Sở KH&CN và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, huyện hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ, anh Thắng mạnh dạn đầu tư bài bản và 1 ha tôm thẻ chân trắng đã cho anh lãi ròng 350 triệu đồng/vụ. Giờ đây, HTX Diêm Hải do anh làm chủ nhiệm đã có 23 thành viên với 60 ao nuôi, 10 ao nuôi cá với tổng diện tích 21 ha. Và đáng mừng hơn, 105 ao bỏ hoang với diện tích 35 ha của dự án Suma ngày nào nay đã được các hộ trên địa bàn đầu tư nuôi kín.

“Nếu trước đây nuôi tôm bờ đất, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào vừa xa, vừa ô nhiễm… thì nay, ao nuôi được lót bạt, nước lấy từ ao lắng, dùng vi sinh xử lý ao nên tránh được ô nhiễm mà tôm lại phát triển tốt… Tất cả những kỹ thuật, công nghệ đó, người nuôi đều được cập nhật thường xuyên qua báo, đài và các lớp tập huấn của tỉnh, huyện…” - anh Thắng cho biết.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà - Nguyễn Đăng Thắng, việc ứng dụng những kỹ thuật mới trong NTTS trên địa bàn huyện những năm qua đưa lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Tại cửa sông, cửa biển hay trên bãi cát đều có đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như cá vược, chẽm, cá hồng mỹ, cá mú... Chỉ riêng nuôi lồng bè, hiện huyện có 230 cụm lồng (mỗi cụm 6 lồng, mỗi lồng 15m3 nuôi trồng). Mỗi hộ có cụm lồng cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Còn trong 230 ha nuôi tôm hiện nay ở Thạch Hà, có 80 ha nuôi tôm thâm canh cho thu nhập 500-600 triệu đồng/ha/ năm, thậm chí không ít hộ thu 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast