Xác xơ những vùng rừng phòng hộ ven biển Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sức tàn phá của thiên tai, vùng biển Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xâm thực mạnh vào đất liền. Hậu quả nặng nề là diện tích rừng phòng hộ ven biển đang ngày càng suy giảm, bạt ngàn cây cối gãy đổ, bật gốc.

Xác xơ những vùng rừng phòng hộ ven biển Cẩm Xuyên

Hàng nghìn cây phi lao bị gãy đổ do bão quật và sóng đánh.

Toàn huyện Cẩm Xuyên có gần 1.000 ha rừng phòng hộ ven biển với chiều dài khoảng 18 km qua các xã: Cẩm Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm... Sau ảnh hưởng các đợt triều cường làm nhiễm mặn và thiên tai, đặc biệt cơn bão số 10 năm 2017 đã khiến diện tích rừng phòng hộ này tan hoang, chết dần, chết mòn.

Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên, chỉ tính riêng cơn bão số 10 năm 2017, có đến hơn 700 ha rừng phòng hộ ven biển của huyện bị ảnh hưởng. Các xã Cẩm Hòa, Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm bị thiệt hại nặng nề nhất với mức độ từ 70 – 85%. Riêng xã Cẩm Lĩnh có đến gần 500 ha diện tích rừng phòng hộ bị thiệt hại.

Ghi nhận tại rừng phòng hộ trên địa phận thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Dương cho thấy, vẫn còn dấu vết gốc rễ của hàng nghìn cây phi lao bị gãy đổ do bão quật và sóng đánh. Bà Phan Thị Hậu (thôn Rạng Đông, xã Cẩm Dương) nhớ lại: “Rừng phi lao trước đây dày và đẹp lắm, có chỗ ước chừng rộng đến 200 mét và kéo dài ra sát bờ biển hiện nay. Sau nhiều trận bão lớn, rừng bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn hư hại, bị biển lấn đến 20 mét chiều rộng.”

Xác xơ những vùng rừng phòng hộ ven biển Cẩm Xuyên

Nhiều nơi, rừng phi lao chắn sóng đã bị hư hại đến hơn 70%.

Tương tự, xã Cẩm Hòa có hơn 24 ha rừng phi lao ven biển, với chiều dài khoảng 4 km. Tuy nhiên, số cây còn lại sau các đợt bão lũ, triều cường chỉ đạt hơn 30%. Bên cạnh đó, mỗi năm bờ biển còn bị xâm thực từ 1 – 2 mét.

Được biết, khu rừng cây phi lao phòng hộ ven biển này được trồng cách đây hơn 20 năm. Khu rừng có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, giúp chắn sóng, ngăn nước biển xâm nhập mặn, ngăn gió bão, ngăn xói mòn đất đai, bảo vệ cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân của nhiều địa phương.

Xác xơ những vùng rừng phòng hộ ven biển Cẩm Xuyên

Người dân địa phương nỗ lực trồng lại rừng phi lao nhằm phòng chống thiên tai bảo vệ cuộc sống.

Để phục hồi rừng phòng hộ, nhằm phòng chống thiên tai và bảo vệ người dân vùng biển, chính quyền và nhân dân các địa phương đã tổ chức nhiều đợt trồng cây, gây rừng nhưng kết quả chỉ như… "dã tràng xe cát".

Ông Nguyễn Thành Lợi, cán bộ địa chính – xây dựng xã Cẩm Hòa chia sẻ, người dân xã Cẩm Hòa nhiều đợt tổ chức ươm giống, trồng phi lao nhưng cây không sống hoặc không phát triển được. Một phần là do điều kiện khắc nghiệt và một phần khác là kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân còn thấp. Do đó, thời gian gần đây, xã đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí mua cây giống để trồng lại diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn.

"Tính đến nay, Cẩm Hòa đã trồng được khoảng gần 11 nghìn cây phi lao. Hiện xã cũng nhận được thêm 7 nghìn cây giống từ UBND huyện Cẩm Xuyên, người dân đang tiếp tục tiến hành trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, để phủ kín diện tích rừng phòng hộ như trước đây, toàn xã Cẩm Hòa cần trồng ít nhất khoảng 40 nghìn cây trong khi kinh phí của xã còn hạn hẹp, chúng tôi mong muốn sớm nhận được hỗ trợ thêm của các cấp" - ông Lợi thông tin thêm.

Xác xơ những vùng rừng phòng hộ ven biển Cẩm Xuyên

Huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ xã Cẩm Hòa 7.000 cây giống phi lao góp phần khôi phục rừng.

Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT Cẩm Xuyên, cho biết: Trước thực trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban liên quan đánh giá, rà soát để đưa ra biện pháp xử lý. Hiện nay, huyện đã đề nghị UBND tỉnh cung cấp cây giống để trồng bổ sung tại một số điểm sạt lở; xem xét lập các dự án xây dựng kè biển chắn sóng ở những khu xung yếu.

Trước mắt, chúng tôi tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ rừng phòng hộ và tham gia trồng, giữ rừng. Đặc biệt, trích kinh phí, huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ cây giống cho người dân trồng lại rừng. Đồng thời, phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý số diện tích rừng còn lại.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast