Từ lao động tự do thành bà chủ len sợi ở Manchester

Quản lý trong tay một nhà máy sản xuất áo len với doanh thu mỗi năm 1,5 triệu bảng ngay tại trung tâm công nghiệp len sợi của Vương quốc Anh (thành phố Manchester), chị Nguyễn Thị Thanh Hồng là chủ doanh nghiệp hiếm hoi của cộng đồng người Hà Tĩnh trên xứ sở sương mù.

Hiếm hoi là bởi hầu hết người Hà Tĩnh trên đất Anh chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm móng tay (nail), hoặc bảo vệ, phục vụ nhà hàng, bán hàng… thậm chí không ít người còn hành nghề phi pháp như trồng cần sa. Làm ông chủ, bà chủ dường như là một giấc mơ xa vời đối với những người Việt đến Anh theo diện lao động tự do. Chị Hồng đã từng đau đáu với giấc mơ như vậy khi mà cách đây hơn chục năm chị rời quê hương Can Lộc tìm kiếm cơ hội mưu sinh tại trời Âu.

Bà chủ len sợi Nguyễn Thị Thanh Hồng
Bà chủ len sợi Nguyễn Thị Thanh Hồng

Sang Anh sau những năm tháng nhọc nhằn tại Đức, người phụ nữ tuổi Nhâm Tý (1972) mang theo sự rắn rỏi quyết tâm vốn đã thành cung mệnh để dấn thân vào một miền đất mới. Nghề nail, vốn là đặc sản của người Việt trên đất Anh đã giúp chị Hồng từng bước vượt lên để rồi sớm trở thành bà chủ tiệm nail có uy tín trên đất Manchester.

Năm 2008, người phụ nữ này quyết định mua lại nhà máy sản xuất áo len của một ông chủ Ấn Độ. Chị Hồng thừa nhận đó là một quyết định mạo hiểm và đầy tính cạnh tranh vì len sợi là thế mạnh của cộng đồng Trung Đông. Manchester lại là trung tâm len sợi của Vương quốc Anh từ hàng trăm năm qua.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh đã giúp người phụ nữ này tìm ra giải pháp linh hoạt trong điều hành sản xuất. Vợ chồng chị Hồng đã tận dụng rất tốt nguồn lao động dôi dư từ những người thất nghiệp, những người giúp việc tại các gia đình để đảm nhận các phần việc trung gian và mang tính thủ công cao. Để cho ra đời một sản phẩm cuối cùng, nhà máy của chị sẽ phải dệt len sợi trước khi cắt may, đóng gói theo đơn hàng. Trong đó chỉ có khâu đầu và khâu cuối được thực hiện tại nhà máy.

Trao đổi với chúng tôi, bà Alisha một công nhân của chị Hồng đến từ Pakistan nói rằng, Công ty đã giúp bà cảm thấy không bị thừa thãi khi hưởng lương thất nghiệp từ chính phủ.

Chị Hồng tự tin vì áo len là sản phẩm được tiêu thụ quanh năm ở châu Âu
Chị Hồng tự tin vì áo len là sản phẩm được tiêu thụ quanh năm ở châu Âu

Công ty của chị Hồng đã giải quyết việc làm cho gần 50 lao động, với mức thu nhập mỗi tháng từ 1000 - 1200 bảng Anh. Nhờ đảm bảo đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã và thời gian nên số đơn hàng mà Công ty Advance của chị tiếp nhận không ngừng tăng cao. Trung bình mỗi tháng Nhà máy sản xuất từ 18.000 đến 20.000 sản phẩm. Doanh thu năm 2011 đạt 1,5 triệu bảng (tương đương khoảng 50 tỉ VNĐ).

Chị Hồng tự tin vì áo len là sản phẩm được tiêu thụ quanh năm ở châu Âu. Hơn nữa sản phẩm từ nhà máy của chị đã được xuất sang các thị trường khó tính như Pháp, Đức, một số được bán ngay tại Manchester. Đây là sự khẳng định hướng đầu tư đúng đắn trên đất Anh của bà chủ người Hà Tĩnh.

Từ một lao động làm thuê, vươn lên xác lập vai trò của một chủ doanh nghiệp trong xã hội Anh là điều không dễ đối với người lao động Việt Nam.

Cơ sở sản xuất áo len của chị Hồng vẫn còn khiêm tốn so với các nhà máy len sợi ở Manchester nhưng đấy lại là thành quả đáng tự hào, minh chứng cho tinh thần vượt khó của người dân Hà Tĩnh, một tinh thần luôn hướng về phía trước như chính cái tên doanh nghiệp mà bà chủ gửi gắm: Công ty TNHH Advance.

Bradford College – UK

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast