Từ xá tội vong nhân đến thờ cúng tổ tiên và kết nối dòng họ

(Baohatinh.vn) - Rằm tháng bảy, hay còn gọi là lễ vu lan, Tết Trung nguyên từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tín ngưỡng về lễ, tết của người Việt. Rằm tháng bảy, người ta cúng cô hồn nhưng hầu hết, trong mỗi chúng ta, đều hướng lòng mình toàn tâm về những bậc gia tiên đã khuất. Ứng xử với người đã khuất cũng chính là sự quy chiếu tình cảm giữa con người với nhau trong gia đình, họ tộc và làng xóm.

Xá tội vong nhân

Ngày rằm tháng bảy, dân gian thường gọi là ngày xá tội vong nhân. Vậy nguồn gốc của ngày này như thế nào? Năm 1938, học giả Đào Duy Anh cho xuất bản cuốn Việt Nam văn hóa sử cương. Cuốn sách nói rất rõ về ngày rằm tháng bảy: “Những vong hồn không có người tế tự thì phần nhiều thành ác quỷ hay làm hại người ta để bắt người ta cúng cáp. Theo Phật giáo thì những cô hồn ấy phải giam ở địa ngục, cứ mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân thì các cô hồn được thoát ngục. Ngày ấy, tại các chùa, chợ, người ta làm chay để cung cấp đồ ăn và quần áo cho cô hồn”.

tu xa toi vong nhan den tho cung to tien va ket noi dong ho

Mâm cỗ rằm tháng bảy

Sau này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng thống nhất cho rằng, ngày xá tội vong nhân là ngày bắt nguồn từ quan niệm Phật giáo. Tác giả Toan Ánh trong sách Nếp cũ (quyển hạ, Tín ngưỡng Việt Nam) viết: “Tết Trung nguyên nhằm ngày rằm tháng bảy âm lịch. Về tết này, còn có tên gọi là lễ Vu Lan, một lễ của nhà Phật... Theo tín ngưỡng, ta thường cho ngày rằm tháng bảy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ, ngày hôm đó đều được tha tội”. Cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm còn nói rõ: “Rằm tháng bảy, dân cúng cô hồn bằng cháo hoa đổ vào những chiếc lá đa đặt dọc đường đi”.

Như vậy, có thể thấy, bằng cách diễn đạt này hay diễn đạt khác thì rằm tháng bảy đều liên quan đến quan niệm của Phật giáo. Với tính bao dung - một đặc điểm tính cách người Việt, cùng với đó là quan niệm “tam giáo đồng nguyên”, sau này, người Việt đã hướng tới thờ cúng tổ tiên song song với thờ cúng các cô hồn. Về quan niệm trong tín ngưỡng, rất khó để biện giải những chi phối của các tôn giáo khác nhau lên một số ứng xử nhất định trong tục thờ cúng của người Việt vào các ngày lễ tết nói chung, rằm tháng bảy nói riêng. Với ngày rằm tháng bảy, theo tiếng gọi của lòng từ bi, hướng thiện, những cô hồn không nơi nương dựa cần được người cõi giới mở rộng lòng thương, cúng cáp cho đỡ tủi. Bởi thế, từ xa xưa, dầu đời sống khó khăn nhưng người ta đã biết đến cúng cháo hoa và đốt mã. Hình thức này sau này, trong đời sống hiện đại vẫn được duy trì, tuy nhiên, về đốt mã, đã xuất hiện tình trạng thái quá; về cúng cháo hoa, người ta đã thay thế một số thức đóng gói, làm sẵn, hoặc thay bằng gạo và muối.

Cứ theo các nghiên cứu như viện dẫn, có thể hình dung, ngày trước, rằm tháng bảy mang một sắc thái khác ngày hôm nay. Đó là người ta nghĩ nhiều, cúng cáp nhiều ở những nơi ngoài gia đình như chùa chiền, bãi chợ. Âu cũng phải, bởi thời kỳ phong kiến, có giai đoạn Phật giáo rất thịnh hành, hơn nữa đó là những nơi nhiều cô hồn trú ngụ.

Thờ cúng tổ tiên và kết nối dòng họ

Từ cúng cô hồn đến cúng tổ tiên là một chuyển biến đẹp của hình thức tín ngưỡng ngày rằm. Mỗi người Việt hôm nay, dù đi đâu, làm gì cũng hướng lòng mình về tổ tiên với những xúc cảm riêng biệt. Rằm tháng bảy là dịp nhắc nhở mỗi người thực hành đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tự nguyện, tự thân. Cái hay của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ngày rằm là ở chỗ: trước hết, hướng lòng mình tới những người đã khuất có quan hệ tôn ti gần với mình (cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ ), kế đến là các bậc tiền nhân của dòng họ.

tu xa toi vong nhan den tho cung to tien va ket noi dong ho

Mua sắm lễ vật ngày rằm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa trong dân gian. Ảnh: Thu Phương

Chính tế tự của dòng họ là một bước kết nối huyết thống rộng mở và bao dung. Con cháu từ các chi tộc khác nhau, mỗi người một công việc, nơi chốn, song đều hợp nhất hướng về dòng họ để bái tạ trước từ đường, thể hiện lòng biết ơn nguồn cội và mong có thêm sự thanh thản, nhẹ nhõm. Những người xa cách nhau về huyết thống, có thể đã nhiều chi, nhiều đời nhưng nhờ lý lẽ “đồng nguyên” (cùng nguồn gốc) nên gần gũi với nhau, thắt chặt thêm tình thân ái, tương trợ. Chính vì thế mà các quỹ khuyến học dòng họ đã được hình thành để khích lệ việc học của con cháu, nhiều dòng họ nổi tiếng về tinh thần đoàn kết, đùm bọc, trong đó có việc giúp đỡ các thế hệ con cháu, giúp người trong họ khó khăn làm nhà ở, cho vay vốn phát triển sản xuất, chăm lo dạy dỗ cháu con nên người... Sự phát triển của các dòng họ đôi khi tạo nên tính khu biệt, cục bộ, song ở một khía cạnh khác, đó là dịp các dòng họ “nhìn vào nhau” để xây đắp tình đoàn kết, yêu thương và phát triển (tất nhiên, cần loại trừ các hình thức phát triển thiên lệch như đề cao thái quá vật chất). Các dòng họ khác nhau nhưng cùng sinh sống trong một làng, do đó, mỗi dòng họ phát triển, suy đến cùng là một làng phát triển. Dĩ nhiên, sự phát triển này cần chú trọng tính hài hòa, mà trước hết là hài hòa giữa dòng họ này và dòng họ khác.

Ngày trước, các bậc vua quan thường nói “trăm họ” để chỉ dân tộc, điều đó có ý nghĩa nhắc nhở vô cùng quan trọng. Mượn tinh thần đoàn kết của một dòng họ để hướng tới đoàn kết dân tộc - kiểu như một “dòng họ” lớn, thì cũng tương tự như các dòng họ trong một làng hướng tới cái chung của làng mình đang sống. Đó cũng là lẽ phải, là ứng xử thuận tình, bởi ngoài dòng họ còn có quan hệ thân hữu, quan hệ và trách nhiệm “làng xóm với nhau”. Hướng về tổ tiên, dòng họ, về những linh hồn vô danh nhưng cũng phải luôn hướng tình cảm của mình tới cộng đồng rộng lớn là làng xóm, quê hương để xây đắp nơi gốc gác, nơi cư trú của mình ngày càng thêm phát triển... đó cũng là ý nghĩa lớn được suy ra từ các ứng xử vào ngày rằm.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast