Mùa xuân bên mẹ

(Baohatinh.vn) - “Mẹ và em ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe, con đi thời gian ngắn sẽ trở về!”.

Chiến sỹ Vũ Văn Lộc (xóm Yên, Phúc Lộc, Can Lộc) bịn rịn nói lời từ biệt người thân lên đường ra tiền tuyến. Dẫu đứa con thứ hai còn chưa thành hình trong thân thể người vợ và chẳng biết đến bao giờ mới có ngày trở về, nhưng cảnh nước mất, nhà tan vẫn luôn thôi thúc anh. Duy có một điều anh hiểu rất rõ, ở đâu đó trên mảnh đất đang ngày ngày chịu sự giày xéo của chiến tranh, đã có hàng ngàn người mẹ nén nỗi đau tiễn con ra trận.

Bao ngày anh đi là bấy nhiêu thời gian mẹ Trần Thị Đàm đằng đẵng đợi chờ. Nỗi nhớ con hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Như một thói quen, chiều chiều, mẹ lại lặng lẽ ngồi bên cửa ngóng con về. Nhưng đã 44 năm trôi qua, anh chẳng có ngày trở lại.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Phố và Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ LĐ-XH Ngô Thị Tâm Tình.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Phố và Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ LĐ-XH Ngô Thị Tâm Tình.

Mẹ Đàm nay đã bước qua tuổi 94. Từng cơn gió rét mùa đông chốc chốc ùa vào căn phòng khiến thân thể hao gầy của mẹ khẽ run lên. Người mẹ từng kiên cường khi phải hứng chịu 3 nỗi đau lớn trong cuộc đời lúc chồng, con trai và đứa cháu ra đi, nay phải “đầu hàng” trước cái lạnh cuối đông.

Dường như đã quá quen mỗi khi có người đến thăm, mẹ Đàm luôn nói, giọng run run: “Cảm ơn quý cơ quan, cảm ơn các đoàn thể quan tâm đến mẹ”. Mặc tiết trời lạnh giá nhưng mẹ vẫn ngỏ ý muốn được ngồi dậy nói chuyện với mọi người. Nghe chúng tôi mở lời về con trai – liệt sỹ Vũ Văn Lộc, trên khóe mắt nhăn nheo của mẹ xuất hiện những giọt nước mắt. Năm nào cũng vậy, đến dịp lễ tết, các đoàn lãnh đạo thường xuyên lui tới trò chuyện, phần nào bù đắp nỗi trống trải trong lòng mẹ.

Tết đến, xuân về cũng là lúc Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Ngụ (xóm 3, xã Bùi Xá, Đức Thọ) cảm thấy cô đơn nhất. Người con trai duy nhất của mẹ - liệt sỹ Nguyễn Viết Hồng hy sinh năm 1986, trong chuyến bay huấn luyện trên vùng trời Đà Nẵng. Dù đã gần 30 năm kể từ ngày anh Hồng hy sinh nhưng nhắc đến con trai, khuôn mặt mẹ Ngụ lại trở nên rạng rỡ. Nhìn kỷ vật của con, những hồi tưởng về quá khứ, về ký ức đẹp nhất trong cuộc đời như tái hiện trong lòng mẹ. Lắm lúc, nhìn cảnh con cháu nhà người khác sum họp vào ngày lễ, mẹ lặng người nhìn mâm cơm cúng chồng và con trai, rơi nước mắt. Thấu hiểu nỗi lòng mẹ, những người bạn thân của anh Hồng cùng các tổ chức vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên.

Hiện toàn tỉnh chỉ còn 14 Mẹ VNAH còn sống. Năm nào cũng vậy, tỉnh và các ban ngành, đoàn thể đều tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ và các Mẹ VNAH. Bằng tất cả tấm lòng tôn kính, lãnh đạo các cấp luôn động viên, thăm hỏi và tặng quà cho các mẹ, đặc biệt là vào dịp 27/7, 22/12 và Tết Nguyên đán. Nhiều cơ quan, đơn vị đã nhận phụng dưỡng các mẹ đến hết đời.

Lịch sử dân tộc và lòng dân luôn ghi nhớ công lao những người có công với nước và Mẹ VNAH luôn là một tượng đài vĩ đại và bất tử. Trên thế giới có rất nhiều người mẹ, nhưng không một người mẹ nào phải chịu nhiều khổ đau, mất mát, hy sinh như Mẹ VNAH. Những người mẹ mang tên họ không giống nhau, ở mọi miền quê khác nhau, nhưng lại cùng chung một nỗi đau. Không ít mẹ đã “ba lần tiễn con đi”, nhưng vì đồng bào, vì đất nước, quê hương nên các mẹ đã nén chặt nỗi đau. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc đã lấy đi nhiều nước mắt của các mẹ. Và tôi biết, trong những ngày đầu xuân này, ở đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, vẫn còn những người mẹ ngày đêm lặng lẽ ngóng con.

Dù đau đớn, nhưng mẹ Đàm, mẹ Ngụ hay tất cả những Mẹ VNAH trên dải đất hình chữ S vẫn luôn tự hào bởi các con của mẹ đã chiến đấu cho đất nước, cho nhân dân. Được sống và sinh ra giữa thời bình, tôi lại càng biết ơn các mẹ và những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập Tổ quốc. Những người mẹ bình dị với cái tên giản dị nhưng ẩn chứa trong đó là một hình tượng vĩ đại. Tôi chỉ mong cơn gió vô thường sẽ không đến nơi những Mẹ VNAH đang nằm, để tấm thân gầy guộc của các mẹ không phải run lên trong cái lạnh mùa đông; để khi mùa xuân đến, nhiều người con từ khắp mọi miền Tổ quốc được về sưởi ấm trái tim mẹ.

Tự hào và biết ơn các Mẹ VNAH, nhân dân khắp mọi miền đất nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Một ngôi nhà tình nghĩa, một món quà trong ngày lễ tết… dẫu chỉ là niềm an ủi nhỏ nhoi, song, trái tim các mẹ đã được sưởi ấm. Nhưng hơn tất cả những điều ấy, cảnh đất nước không còn lầm than, người dân no đủ, hạnh phúc là mong muốn lớn lao nhất của tất cả mẹ Việt Nam và các Mẹ VNAH. Để những ngày tết, các gia đình Việt lại rộn ràng trong cảnh sum vầy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast