Hơn 10.600 ha lúa xuân bị đạo ôn gây hại: Doanh nghiệp "phủi tay"!

(Baohatinh.vn) - Hơn 10.600 ha lúa xuân nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông thì có đến 84% diện tích là giống Thiên ưu 8 (gần 9.000 ha). Trong khi ngành chuyên môn vẫn chưa hết “choáng” trước diễn biến của bệnh thì doanh nghiệp dường như đứng ngoài cuộc!

hon 10 600 ha lua xuan bi dao on gay hai doanh nghiep phui tay

Hàng ngàn hộ dân “thất thần” vì thất thu ngay trước ngày thu hoạch.

Doanh nghiệp “phủi tay”?

Còn nhớ cách đây khoảng 4-5 năm, khi giống Thiên ưu 8 bắt đầu xuất hiện tại Hà Tĩnh, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương coi đây là “đứa con ưu tú”, cho năng suất cao và kháng được nhiều loại sâu bệnh đặc trưng của Hà Tĩnh như: Đạo ôn, khô vằn, bạc lá... Với lợi thế là “con đẻ” của đơn vị sản xuất giống có uy tín và phát huy được ưu điểm về năng suất trong những năm đầu đưa vào sản xuất, Thiên ưu 8 đã chiếm được niềm tin của nông dân. Từ một vài mô hình sản xuất thử nghiệm, giống lúa thuần này đã dần “cắm rễ” rồi trở thành giống chủ lực trong bộ cơ cấu của hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Ông Nguyễn Bá Trạch - Trưởng thôn Như Nại, xã Xuân Lộc (Can Lộc) cho biết: “Đây là năm thứ 3 tôi làm Thiên ưu 8. Hai năm trước được mùa lắm nên năm nay, tôi vận động bà con xây dựng cánh đồng mẫu với 42 mẫu ruộng. Tôi đã cùng bà con chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, phun thuốc theo hướng dẫn trên bao bì giống nhưng đến nay, 30 sào trổ xong, bông lúa “gục” hẳn, hạt lép và khô trắng, không thể cho thu hoạch. Không chỉ thiệt hại về năng suất và sản lượng, “sự cố” này còn khiến bà con không khỏi hiểu nhầm thôn lấy giống không đảm bảo chất lượng, “lừa” nông dân”.

Điều đáng nói là, trong lúc người nông dân đang “bối rối” và mong muốn có sự chung tay, giải đáp của đơn vị cung ứng thì lại nhận được sự im lặng. Khác với những gì “trống giong, cờ mở” khi mới đến, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương gần như chưa có câu trả lời hay giải thích nào về hiện tượng làm cho gần 9.000 ha (trong số 10.600 ha) bị thiệt hại nặng nề về năng suất. Thậm chí, mới đây, một vị lãnh đạo tại chi nhánh của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh đã “phủi tay” cho rằng, trách nhiệm đó là của ngành chuyên môn!

Tuy nguyên nhân đang phải chờ kết quả phân tích mẫu nhưng bằng cảm quan cũng nhận thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa nguồn gốc chất lượng giống với dịch bệnh. Không phải ngẫu nhiên dịch bệnh phát tán rộng, mức độ gây hại lớn trên Thiên ưu 8 (chiếm 84% tổng diện tích nhiễm bệnh) nếu như “sức khỏe” giống lúa này không có vấn đề. Việc cố tình im lặng chờ cơ quan chức năng là hành động thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp với người nông dân. Đó là chưa nói đến văn hóa đồng hành, sẻ chia của doanh nghiệp trong thời điểm này!

hon 10 600 ha lua xuan bi dao on gay hai doanh nghiep phui tay

Có 9.000 ha lúa xuân bị thiệt hại nặng nề về năng suất

Cơ quan quản lý nhận bài học “đau xót”!

Kết luận cuối cùng về việc bệnh đạo ôn cổ bông gây thiệt hại trên chục nghìn ha lúa xuân vẫn đang được xác định. Theo Sở NN&PTNT, hiện cơ quan này đã gửi mẫu bệnh ra Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Bảo vệ thực vật để phân tích, xác định chủng nấm gây hại. Xét đến cùng, ngành nông nghiệp vẫn “chậm chân” trong công tác chỉ đạo sản xuất. Nhận định thời tiết từ đầu vụ có nhiều bất lợi, thậm chí, đạo ôn trên lá diễn ra cao hơn cùng kỳ gần 2.000 ha, thế nhưng, sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở nhìn chung vẫn “bình bình” khiến người dân nảy sinh tâm lý chủ quan trong phòng trừ sâu bệnh ở kỳ sinh trưởng tiếp theo.

Cách giải thích từ cơ quan bảo vệ thực vật: “Thời kỳ trổ bông gặp thời tiết gió mùa, độ ẩm cao khiến cho mức độ thiệt hại trên giống Thiên ưu 8 càng nghiêm trọng. Khi phát hiện đạo ôn cổ bông thì mọi biện pháp phòng trừ đều vô hiệu hóa”, đã phần nào nói lên điều đó.

hon 10 600 ha lua xuan bi dao on gay hai doanh nghiep phui tay

Thiên ưu 8 có bị đánh bật ra khỏi đồng ruộng Hà Tĩnh hay không còn phải chờ thời gian. Điều quan trọng trước mắt là những giải pháp giải quyết khó khăn cho người dân

Liên quan đến giống Thiên ưu 8, khảo sát mới nhất cho thấy, diện tích trên toàn tỉnh là 18.300 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích và khoảng 40% giống chủ lực. Điều đáng nói, con số thực tế này gấp 4 lần so với lượng giống cung ứng qua quản lý. “Số lượng cung ứng từ công ty và nguồn hỗ trợ quốc gia khoảng 4.000 ha, còn lại là giống do người dân tự sản xuất” - ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

“Lỗ hổng” trong quản lý cơ cấu giống đã vô hình trung làm mất cân bằng cơ cấu diện tích, 40% diện tích tập trung vào một loại giống, còn lại là 6 nhóm giống thuộc bộ giống chủ lực. Hệ lụy là nhiều địa phương mở rộng diện tích lên đến hàng trăm ha trên một cánh đồng, thậm chí là 80-90% diện tích một xã chỉ sử dụng Thiên ưu 8. Cũng phải nói thêm rằng, hiệu ứng đám đông, mở rộng sản xuất một cách tùy tiện mà không quan tâm sự thích ứng của giống đối với vùng sinh thái, chất đất cũng là tác nhân khiến mức độ thiệt hại trầm trọng hơn.

Thiên ưu 8 có bị đánh bật ra khỏi đồng ruộng Hà Tĩnh hay không còn phải chờ thời gian. Điều quan trọng trước mắt là những giải pháp giải quyết khó khăn cho người dân, đặc biệt ngành chuyên môn cần có chiến lược quản lý nhà nước về giống, quy trình kỹ thuật và khuyến nông, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast