Rưng rưng hoa gạo tháng ba

(Baohatinh.vn) - Một sáng tháng ba, thanh minh phơi phới với nắng xuân ngập tràn, cỏ cây chen chúc đua nhau xanh ngút. Trên chuyến tàu thời gian, tôi ngược về quá khứ nhặt những cánh hoa gạo đỏ tươi, ôm kín vào lòng…

Rưng rưng hoa gạo tháng ba

Tháng ba khiến cho cây gạo trở nên rực rỡ và kiêu hãnh nhất. Ảnh minh họa Internet

Lối về ngày ấy hôm nay, bóng dáng cây gạo vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Tháng ba khiến cho cây gạo trở nên rực rỡ và kiêu hãnh nhất. Chi chít trên những cánh tay khẳng khiu là những bông hoa đỏ tươi như muôn vàn đốm lửa. Miền quê vốn thanh bình nay được tô điểm thêm màu đỏ thắm, cảm tưởng đất trời đang hòa quyện rạo rực, bùng cháy, khát khao bất tận.

Bất kể đứa trẻ nhỏ nào núp dưới bóng cây gạo đều thấy mình nhỏ bé, được bảo vệ, chở che. Tuổi thơ của những đứa trẻ quê, tháng ba sang chơi cùng với hoa gạo, mê mẩn từng cánh mềm mượt như nhung, xâu lại thành chuỗi, đội lên đầu làm vương miện. Dấu hài tuổi thơ in đậm bên gốc gạo, bên những mùa tháng ba dấu yêu.

Nét mộc mạc của cây gạo bao đời nay gắn liền với vẻ đẹp thanh bình, êm ả của khắp mọi làng quê Việt Nam. Ít ai biết rằng, hoa gạo còn có tên gọi khác là mộc miên, nhưng mọi người vẫn thường gọi cái tên hoa gạo thân thương, cái tên chỉ nghe thấy đã gợi lên sự no đủ, sum vầy.

Rưng rưng hoa gạo tháng ba

Tuổi thơ của những đứa trẻ quê, tháng ba sang chơi cùng với hoa gạo. Ảnh minh họa Internet

Trên cánh đồng thì con gái, lúa hát bài ngát xanh; bên gốc gạo, các bà, các mẹ vẫn thường hay nghỉ giải lao chốc lát. Tấm áo ướt đẫm mồ hôi màu nâu sòng tựa vào gốc gạo sần sùi, đôi mắt nhìn xa xăm, những lúc đó sao thấy thương quá đỗi người nông dân lam lũ. Có người cả đời chưa bước chân ra khỏi cánh đồng, bao mùa hoa gạo trổ vẫn thủy chung với làng quê.

Gốc gạo là địa điểm thân tình, nương náu của những người lao động nghèo thủ thỉ với nhau. Người đời thường hình dung cây gạo như một người già trầm mặc, lặng yên đứng một nơi chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc sống cần lao, vất vả nhưng đậm đà nghĩa tình quê hồn hậu.

Những người già vẫn thường nhớ tới mùa gạo như bắt đầu một vụ mùa tra hạt. Trong miên man nỗi nhớ tháng ba xưa, văng vẳng bên tai tôi, giọng bà hiền hậu, chậm rãi từng lời một: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Bà tôi đã đi hơn sáu mươi năm cuộc đời với mùa gạo trổ bông, với bao chan chứa kỷ niệm, nghĩa tình. Bây giờ, bà đã trở thành người thiên cổ, chẳng còn ai đọc thơ cho chúng tôi nghe nữa, mỗi mùa hoa gạo về càng làm day dứt nỗi nhớ bà, nhớ quê hương.

Rưng rưng hoa gạo tháng ba

Mùa hoa gạo gọi về vụng dại, yêu thương. Ảnh Internet

Mùa hoa gạo gọi về vụng dại, yêu thương của thời tôi là chàng trai choai choai mới lớn. Hoa gạo giấu sau lưng, ngượng nghịu tôi trao cho người con gái mình thầm thương. Tôi như chàng trai trong truyền thuyết năm nào với tình yêu dang dở nhưng thủy chung, son sắt.

Trời đất chia ly đôi uyên ương khiến chàng trai ở trên trời khóc hết nước mắt, hóa thành mưa rơi xuống nhân gian. Cô gái vì muốn người yêu của mình trên cao thấy được sự chờ đợi chung thủy của mình, bèn xin ông trời hóa dải lụa tình yêu trong tay cô gái thành những bông hoa năm cánh đỏ. Được thỏa nguyện ước mong, cô gái gieo mình chết đi. Người con gái năm nào tôi từng thương giờ đã cách xa tôi nửa vòng trái đất. Tôi nhớ nhung khôn xiết, hằng đêm ôm mộng về những tháng ba với bông hoa gạo nhói ở trong lòng.

Tháng ba bây giờ hoa gạo vẫn rực rỡ. Tôi luyến tiếc nhớ ngày tuổi thơ, nhớ mối tình đầu dang dở. Lối về mùa hoa gạo hôm nay sao mà rưng rưng, bâng khuâng quá đỗi. Tôi như ngây dại giữa tiết trời tháng ba, giữa bạt ngàn sắc đỏ… Hoa gạo ơi, có hiểu nỗi lòng của tôi?

Rưng rưng hoa gạo tháng ba

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast