Giá như...

(Baohatinh.vn) - Tốt nghiệp đại học, H. bắt tay ngay vào thương trường. Mặt hàng nhôm, kính vào thời điểm đó khá ăn khách. Những công trình nho nhỏ, những khoản lời lãi vừa phải nhưng không chịu nhiều chi phí sau thi công đã giúp H. kiếm được số tiền kha khá.

Hình ảnh cậu chàng mới 26, 27 tuổi, trắng trẻo, thư sinh, cưỡi trên chiếc xe máy đắt tiền thể hiện sự thành đạt của tuổi trẻ. Một thời, ở cái vùng quê ven đô mới lên thành phố này, nó là biểu trưng của “con nhà người ta” mà các bậc làm cha, làm mẹ thường đưa ra so bì, dạy dỗ con mình.

Thế nhưng, thay vì bằng lòng với những gì đã có thì cái nông nổi của tuổi trẻ, máu làm giàu cùng chút háo danh đã thôi thúc H. quyết phải “làm ăn lớn”. Vốn liếng ít, hậu thuẫn không, thứ mà nó nhìn thấy duy nhất là mảnh đất mặt tiền mà cả nhà nó đang sinh sống. Vậy là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được H. “ném vào” ngân hàng, nó mở công ty, mua sắm trang thiết bị và cả phương tiện đi lại cho xứng tầm “ông chủ”. Thời gian đầu, công việc có vẻ thuận lợi, doanh thu khá khiến H. luôn bay bổng với cảm xúc thành đạt.

Minh họa của Huy Tùng

Minh họa của Huy Tùng

Tuy nhiên, “to thuyền, lớn sóng”, H. đã không lường trước được những rủi ro trong kinh doanh. Không chuẩn bị tốt cho mình những phương án đối phó nên khi hoạt động SXKD gặp trắc trở, một vài khách hàng chậm trả tiền, vài năm sau, doanh nghiệp của H. đổ vỡ. Phá sản, phương án duy nhất là bán một phần đất để trả nợ. Sau cú sốc đó, H. có dấu hiệu trầm cảm.

Tuy vậy, máu kinh doanh vẫn còn. Và, nó lại tiếp tục thuyết phục bố mẹ thế chấp ngân hàng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lấy vốn đi buôn. Những chuyến hàng quần áo, vải vóc từ các tỉnh phía Bắc được H. đánh về TP Hà Tĩnh liên tục thua lỗ. Máu kinh doanh cộng với chút kinh nghiệm thương trường ít ỏi đã khiến H. ngày càng lún sâu vào thất bát, nợ nần. Và cuối cùng, công cuộc kinh doanh hàng hóa đi vào ngõ cụt. Điệp khúc cũ lặp lại, dịch nhà, bán đất - trả nợ. Từ mảnh đất hơn 600 m2 với ngôi nhà 3 gian rộng rãi, giờ đây, gia đình H. phải dịch về phía góc vườn. Và H. khủng hoảng, trầm cảm thực sự. Nhiều ngày liền, nó ở lì trong nhà. Không nói cười, không giao tiếp với ai. Gương mặt vô hồn, ánh mắt dài dại.

Không ai có thể ngờ rằng, một chàng trai thư sinh, hiền lành như H. lại dám gây ra một vụ cướp. Tháng 8/2014, H. vào cửa hàng vàng bạc đá quý ở xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) giả vờ là khách mua hàng, lấy 6 chỉ vàng đeo vào ngón tay rồi bỏ chạy. Nhưng ngay sau đó, H. đã bị bắt giữ.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì H. có biểu hiện tâm thần. Điều này hoàn toàn hợp lý vì hành vi “cướp” của H. hết sức ngô nghê, đơn giản, biểu hiện của một người có đầu óc không bình thường. Chính chủ tiệm vàng cũng đã có đơn tha tội cho H.

Hiện tại, H. đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Giá như, H. biết lượng sức mình, không quá say sưa với những thành công và tham vọng để rồi đây, cả gia đình vào vòng khổ lụy. Giá như, bố mẹ H. sớm nhận ra sức vóc, bản lĩnh của con để kịp thời ngăn cản, kiềm chế thì nó đã không trượt dài trên con đường kinh doanh thất bại… Tất cả những lời “giá như” đều vô nghĩa. Chỉ mong rằng, các bậc làm cha, làm mẹ, những thanh niên mới lớn biết lấy “chuyện của H.” làm bài học cho mình để cân nhắc, tính toán trước giấc mộng kim tiền.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast