Khắc phục xong tình trạng hằn lún mặt đường trước 30/6

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu trong tháng 6/2015 phải xử lý các điểm mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe có độ sâu từ 2,5cm trở lên.

>> Xuất hiện nhiều "luống khoai" trên dự án giao thông ngàn tỷ

Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe gây ảnh hưởng đến khai thác và an toàn giao thông

Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe gây ảnh hưởng đến khai thác và an toàn giao thông


Chỉ đạo xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ cập nhật và điều chỉnh lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quá trình thi công bê tông nhựa.

Trên cơ sở thực tiễn, các đơn vị nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế để đảm bảo chất lượng công trình, nhưng phải hạ được giá thành, và trong tháng 6/2015 phải xử lý các điểm mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe có độ sâu từ 2,5cm trở lên.

Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị thiết kế phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ đưa ra quy chuẩn, quy trình sửa chữa; Vụ Khoa học công nghệ và Cục Quản lý cây dựng và chất lượng công trình giao thông làm việc cụ thể với cácban quản lý dự án, Sở GTVT, nhà đầu tư, nhà thầu lập biên bản xác định mức độ sửa chữa, thời hạn sửa chữa để khắc phục tình trạng trên trong tháng 6/2015.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe; Vụ An toàn giao thông tăng cường rà soát các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông.

Thanh tra Bộ GTVT khẩn trương thanh tra toàn diện các dự án mở rộng QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, trước mắt là các dự án BOT và các dự án bắt đầu đưa vào khai thác.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, qua công tác khảo sát trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Thanh Hóa có 8/172km mặt đường xuất hiện hằn lún. So với trước đây, tình trạng hằn lún mặt đường đã giảm đi nhiều cả về chiều sâu lẫn mật độ.

Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ quá trình thi công do kết cấu vật liệu chưa phù hợp, tốc độ thảm và lu lèn không đảm bảo quy định.

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Tổ phó Tổ đặc nhiệm xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 (Tổ đặc nhiệm) đánh giá: So với cùng thời điểm của năm 2014, chất lượng bê tông nhựa mặt đường có khả năng chống hằn lún vệt bánh xe được cải thiện rất nhiều, cơ bản chống chịu được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tải trọng nặng, mật độ xe lớn.

Với các dự án đã áp dụng các biện pháp trên, các vị trí xuất hiện hằn lún chỉ chiếm khoảng 3,54% (trước năm 2014 tỷ lệ này khoảng 8-10%) với mức độ hằn lún nhẹ hơn. Nhiều dự án đến nay không xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

Chính vì thế, Tổ đặc nhiệm đề xuất thay thế vật liệu nhựa đường thường dùng hiện nay (có độ kim lún theo tiêu chuẩn bằng 60-70) bằng nhựa đường có nhiệt độ hóa mềm cao hơn, độ kim lún bằng 40-50… Cho phép sử dụng nhựa đường polyme để sản xuất bê tông nhựa để thi công mới, sửa chữa các vị trí hư hỏng do hằn lún.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast