Ngày Xuân tản mạn cổng làng

Đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa làng xã Việt Nam là tính cộng đồng và tính tự trị. Đối với văn hóa làng quê thì sân đình, bến nước, cây đa là những biểu tượng truyền thống mang tính cộng đồng. Còn lũy tre lại là biểu tượng mang tính tự trị. Như vậy có thể thấy cổng làng lại là một biểu tượng truyền thống kết hợp được hai tính chất trên

Cổng làng là một biểu tượng gắn bó với không gian văn hóa làng quê. Cổng làng được ví như con mắt của đời sống

Cổng làng là một biểu tượng gắn bó với không gian văn hóa làng quê. Cổng làng được ví như con mắt của đời sống

Cổng làng được hình thành và xây dựng từ rất sớm và được xây dựng theo nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. Nếu như lũy tre là thứ tường thành kiên cố bảo vệ làng khỏi những tác động từ bên ngoài, thì cánh cổng làng lại là biểu tượng mang tính chiều kích văn hóa sâu sắc của hồn làng, hồn quê. Nơi mở ra mối quan hệ giữa thế giới bên trong làng và ngoài làng. Nó cũng bảo vệ cuộc sống yên vui của mỗi thành viên trong cộng đồng.

Ở miền Bắc, cổng làng bao gồm những cổng trước (cổng tiền) là nơi đón nhận những niềm vui, điều tốt đẹp và chào đón thực khách bốn phương, những người con xa quê, vinh quy về làng. Cổng sau (cổng hậu) là nơi tống tiễn những điều không may, những phiền muộn của người làng. Thế nên, cổng làng vừa gắn bó sâu sắc với đời sống cộng đồng, vừa là biểu tượng văn hoá vững bền trong tâm thức của người dân đất Việt Không quá khi nói rằng, cổng làng là diện mạo, linh hồn, cốt cách của làng quê Việt. Bởi đó là chứng nhân của những cuộc đời của các thế hệ nối tiếp nhau sinh sôi, truyền đời. Nơi ghi dấu bao thăng trầm của cuộc đời, con người và số phận cộng đồng. Nơi tồn tại những lệ làng đã thành nếp quen, được mọi người gìn giữ.

Anh: TL

Anh: TL

Cổng làng luôn là hình ảnh thân quen và thiêng liêng trong những người xa quê, là biểu hiện của tấm thịnh tình chân thật của xóm làng trước khách khứa bốn phương, là nơi lưu giữ muôn đời nét văn hóa Việt.

Ngày nay, cuộc sống đã đổi thay. Phía sau những cánh cổng làng không còn những hủ tục, bất công buồn tủi. Cổng làng là nơi ngồi lại chuyện trò của cô bác sau những buổi lao động thường nhật, là nơi các anh chị thanh niên tập trung để thực hiện một phong trào nào đó, là nơi trẻ con đánh bi đánh đáo những buổi thả trâu trên đồng…

Cùng với sự đổi thay của những con đường cát bụi là hệ thống giao thông được bê tông hóa. Tùy theo vị trí địa lý mà trên hướng đi chính của làng người ta xây cổng làng. Cổng có thể xây bằng xi măng hoặc dựng bằng cột sắt, trên có mái che hoặc không. Cổng làng cũng là nơi để treo các bảng hiệu, chỗ này là làng văn hóa, chỗ kia là xã anh hùng. Không những thế, những khẩu hiệu được treo thường phù hợp với các ngày lễ lớn trong năm, đi khắp các làng, ta đều thấy các khẩu hiệu như: “Sống và học tập theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh", "Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp”, “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng thiên niên kỷ mới"… Tất cả đều mang hơi thở, khí thế của cuộc sống mới. Nơi gieo mầm những khát vọng cuộc đời lớn lao nhưng cũng là nơi phôi thai những tiềm năng cho cuộc sống tương lai.

Xuân về, lòng người náo nức mê say trước những nhịp đập rộn ràng của trái tim cuộc sống. Mỗi người lại chung tay trang trí cho cổng làng những sắc diện mới. Ta lắng nghe dư âm mơ màng của những bình yên sau những cánh cổng làng rất đỗi thân quen và thiêng liêng ấy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast