Sông đợi

Gọi là xóm nhưng thực chất chỉ mươi nóc nhà nằm lưa thưa bên bãi bồi sông Cái. Cái doi cát ăn sát ra sông, nếu không có rặng dừa trồng từ đời nảo đời nào, thì mùa nước về, chỉ còn lại một vùng mênh mông nước. Mà những người dân sống ở đây cũng chỉ tạm bợ non mùa. Họ dựng nhà tạm bợ, trồng cỏ voi nuôi bò, trồng chuối và khoai lang trên cát. Rộ nhất là vụ xuân, con nước sông Cái cạn trong, soi cả từng bóng cá tăm và những viên sỏi nhỏ, cả bãi bồi bắt đầu xanh mát mắt dây khoai.

Cỏ voi xanh, cỏ voi tím um tùm ưa đất, phía sau là tầng lớp chuối tạo thành một dải trù phú, mỡ màng. Đông vui nhất là độ tháng tư, khi khoai bắt đầu thu hoạch, người bên kia sông đi về kĩu kịt quang thúng. Giống khoai miền Trung ngắn ngày, củ nhỏ thon nhưng đỏ au, chắc bột. Mà cũng chỉ giống khoai này mới xoay vần hai vụ, kịp khi con nước đổ về thì trả lại bãi bồi nguyên sơ như cũ.

Bấy giờ vào đầu tháng 9, sông Cái chưa ào lên giận dữ nhưng lòng sông thi thoảng đã lừ lừ bọt đỏ. Những mé nhà tạm chênh vênh trên bãi được chủ tháo dỡ. Nước sông lấn dần vào từng mé cát, mới hôm qua còn nem nép gần những luống khoai đã dỡ củ, một đêm ra đã tràn qua mấy lóng cỏ voi ngân ngấn. Thuyền ông Tám mấy bận qua sông với tạp nham thứ, nào nồi song rổ rá, cuốc rựa mùng màn chuyển dần về xóm mà vẫn thấy chị Tằm bình chân như vại. Ông Tám sốt ruột, “dẹp ba chuyện tầm phào đi bây, đi không nước phả băng không còn một mống bây giờ”.

Ông sốt sắng là do tính cả lo vậy, nhưng cũng áng chừng chị đã quyết. Mà mấy năm rồi, có năm nào chị không trụ lại đâu. Qua mấy ngày nước rút, người trong làng qua sông, thấy tan tác bãi bờ, rác rều hoang hoải và chị ngày càng héo mòn hơn.

- Mày tính ở đây hoài sao Tằm?

- Con còn đợi con Tím…

***

Đất có lề, quê có thói. Đã đành vậy nhưng chị Tằm nào có bụng tranh giành gì. Vậy mà cấm có phiên chợ, buổi làm đồng nào chị được ngẩng mặt. Nội chuyện đi đường vô tình giáp mặt dì ba Lành là chị Tằm lùi tiến đều lưỡng nan. Dì ba không nói không rằng nhưng y chừng khinh thường ra mặt. Mà nào ai đã nói thành tiếng thành lời công khai cho cam, toàn những lời ong tiếng ve, xì xào bàn tán nhưng lại như dao cắt xát vào tim dì ba. Đã là đàn bà, mấy ai chịu cảnh chia chồng cho cam? Cái hạnh phúc nhỏ nhoi được xin của rơi rớt dọc đường đời của chị Tằm lại lại là sự mỉa mai vào nỗi nhọc nhằn hiếm muộn như dì ba. Chuyện chẳng ai hay ai biết, song cái mặt con Tím thì cứ như cắt để qua, rành rành một lẽ. Tránh mười phiên cũng phải chạy chợ một phiên, và dù ủ kỹ con Tím bằng chăn bông trong cái thúng mê, vẫn có bà ác miệng vạch tận mặt buôn lời thẽ thọt:

- Ui cha, tóc quăn heng, da ngăm heng, cái cằm chẻ nữa heng, ghét quá, cứ muốn nhìn à …

- Úi trời, giống ai mà ghét, rõ rõ là…

- Tổ cha bây, chắc giống cha rồi…

-….

-….

Và cái ngày chị Tằm quyết định qua bên kia sông cũng là ngày tơi bời mưa gió. Nước sông Cái ngầu đỏ nhưng năm ấy lại không có lũ về. Con Tím như dải khoai trên cát, vầm vàm, suốt ngày chân trần chạy dọc bãi sông. Mái tóc quăn tít bay ngược chiều gió, nước da đen giòn và đôi mắt tròn lay láy. Nó vẫn thường cố gắng bám trèo lên thân cây chuối chát to, ngóng về phía làng để nhìn khói bếp và thấp thoáng lũ trẻ con chăn bò, thả diều trên cánh đồng bên kia sông. Chị Tằm trồng khoai trên dải cát chung quanh nhà, hầu như không chung đụng gì với người trong làng thế nhưng chị không thể ngăn nổi con Tím.

Nó len lỏi trong từng bãi khoai, tò mò lắng nghe câu chuyện về người đàn ông (mà theo người làng, là cha nó), nghe về những phiên chợ, về cuộc sống bên kia sông. Và nếu như ngày nó mới chào đời, người ta chào đón bằng những kỳ thị, dèm pha thì giờ tất thảy đều xem nó như một mầm khoai, một cây chuối con mới nhú, bụ bẫm và vô tội. Dòng sông thì vẫn như một dải cách biệt đối với chị Tằm. Đêm, nghe tiếng sông trở mình lao xao con nước, tiếng con cuốc ăn đêm vọng lẻ loi, chị càng thao thức nép con Tím chặt hơn. Chị đi cũng vì để cho người ta không khó xử. Ai biết trước chỉ một đêm tối trời lại gieo nhiều nỗi trăn trở lâu dài như thế.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Năm đó khoai được mùa, củ nào củ nấy mẩy căng đỏ lựng. Chị Tằm vừa dỡ khoai, vừa đem xuống sông rửa sạch, cắt lát phơi dọc bãi. Chim bìm bịp chiều chiều kêu não nuột, mọi người bảo nhau năm nay thế nào lũ cũng về sớm. Bởi vậy ai cũng tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi cho lát khoai khô lại, kịp vùi tro cho mùa mưa dầm dề tháng 10 đang đến. Con Tím cũng ăn ngủ trên bãi, đôi lúc chị thấy nó cầm que cây vẽ nghệch ngoạch xuống cát những chữ cái do lũ trẻ bên kia sông dạy. Nó vẫn thường nài nỉ chị:

- Mai mốt má cho con về làng với cha nhé!

- Ai nói với con cha ở làng?

- Không nói đâu. Con muốn về với cha.

- Cha con không ở làng, cha ở trên sông, khi con lớn, cha sẽ về trên sông, bởi vậy má con mình phải ở đây đợi cha

- Không, con biết cha ở làng, con muốn có cha...

Những cơn mưa đầu tiên đã làm bãi bồi trở nên cô quạnh. Người ta còn chặt vội cả những buồng chuối chưa kịp già về ủ, sợ ngập nước lại bỏ không. Đám cỏ voi cũng được tỉa hết ngọn lá, chỉ còn trơ từng lóng thân có thể cam chịu ngập lũ, qua ngày nước lớn, sẽ được cắt dăm gây lại bãi bờ. Chị Tằm chạy đi đi về về giữa bãi khoai và chuối. Chị dự trữ khoai khô, chuối chín, gạo rang và tùm lum thứ có thể.

Ông Tám cám cảnh chở cho chị một xe đẩy đá hộc lượm lặt trên sông để chặn vào các cột nhà. Chị kết bè chuối to và dày đến mức có thể, buộc chặt vào thân cây dừa lão. Hễ nước đến đâu, bè dâng lên đến đó. Cũng bởi lục đục suốt cả ngày nên chị quên bẵng con Tím. Mà hễ có đi đâu, giờ nhập nhoạng là nó cũng về nhà. Chị chạy dọc triền sông, gọi khản giọng và mơ hồ nhận ra nỗi lo sâu xa đã thành hiện thực. Mưa bắt đầu nặng hạt, mặt sông bồn chồn bong bóng nước, đen sánh và đầy rẫy những nỗi nghi ngờ. Mệt nhoài, chị lết thết trở về, trong gian nhà tềnh toành chỉ còn lại tấm áo cũ bạc màu làm tin- tấm áo dù chỉ một lần nhìn qua, đã khắc sâu vào tâm khảm chị. Mưa quất như roi trên từng thân chuối và chị như tàu lá rách tươm qua đêm bão.

Nước lên mỗi lúc một nhanh. Thoáng chốc cả bãi bồi phả liền với sông thành một vùng mênh mông nước. Gỗ củi mục từ thượng nguồn xuôi về vướng vào từng đám chuối, vào thân kèo cột nhà chị từng bè lớn. Càng về nhiều, chúng càng hợp lực theo sức đẩy con nước, xô nghiêng cả mái nhà về một hướng. Nếu không nhờ đám đá tảng đá hộc chèn chân, cơ hồ cả mái nhà sẽ nhẹ bồng như chiếc lá, trôi xuôi theo dòng nước lũ. Chị Tằm chỉ kịp vơ chiếc áo và một vài vật dụng lội tắt ngang ra bè chuối.

Cả bầu trời như chiếc chuông khổng lồ tối mịt, thành ra chị cũng không phân biệt đâu là hướng về làng nữa. Nước lên hơn nửa thân dừa, chiếc bè chuối nhẫn nại chống chịu sự giận dữ để neo lại. Ngày đầu chị còn ăn khoai chín với chuối chín, ngày thứ ba chỉ còn khoai khô và gạo rang. Đến ngày thứ tư, mưa ngớt dần. Nước rút chậm mang theo sự buồn tẻ lan đầy mặt sông. Chị Tằm ngồi co ro trong manh áo mưa tơ tướp, chẳng buồn rời xuồng lần xuống nhà xem còn mất những gì. Nước rút đi tới đâu, tạ tội lại cho bãi bồi lớp lớp phù sa tươi mới. Có lẽ chính cái nghĩa tình nhỏ nhoi ấy mà ngàn đời, dù sông bao phen nhấn chìm mọi thứ, người ta vẫn bám làng, bám sông trong sự vị tha cố hữu.

Khi mùa nắng ấm trở về thì bãi bồi cũng hồi sinh trở lại màu xanh cũ. Năm nay người ta còn trồng cả sắn mì gòn trên lớp đất phù sa mới. Chúng vươn tay lá đỏ son hút mắt và bở tơi kẽ đất báo hiệu một vụ mùa nhiều củ sắn bắp giải no tròn nặng bột. Người làng qua sông vẫn hay bàn tán chung quanh chuyện biến mất của người đàn ông và con Tím. Và cũng từ họ, chị Tằm biết thi thoảng dì ba vẫn thần thờ ngóng qua bên này bãi bồi. Không biết có khi nào dì đã nguôi ngoai chuyện cũ? Bãi bồi vẫn cứ vòng xoay thời vụ và người ta vẫn đôi lúc nhắc về chuyện cũ trong lúc rỗi nhàn.

Họ có quyền bàn cãi và đưa ra những lý luận riêng mình. Chỉ có dòng sông, chứng nhân thầm lặng vẫn im lìm chảy. Chỉ có sông biết rằng con Tím đã đi như thế nào và chính sự chờ đợi, hi vọng sẽ neo hai người đàn bà về một hướng. Và đến một ngày nào đó, nhất định sông không còn là dải ngăn cách nữa và sự vị tha sẽ mang con Tím trở về.

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast