Phục hồi lễ hội dân gian dịp lễ tết

(Baohatinh.vn) - Phục hồi lễ hội dân gian trong dịp lễ tết là yêu cầu cấp thiết không chỉ để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân mà còn góp phần giữ gìn phong tục, tập quán của mỗi làng quê trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay...

Độc đáo lễ hội truyền thống

Theo thống kê của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, Hà Tĩnh có 89 lễ hội dân gian, gồm: lễ hội đền, lễ hội chùa và lễ hội văn hóa khác. Lễ hội ở Hà Tĩnh diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào tháng giêng và tháng 6 âm lịch. “Xuân thu nhị kỳ” - người ta thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân và mùa thu. Đó là thời gian rảnh rỗi, mùa vụ thu hoạch xong, người dân có thể tham gia lễ hội vui vẻ, thoải mái, không phải lo lắng đến công việc.

Lễ rước các đạo sắc của vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Hương Khê. Ảnh: Văn Bảy

Lễ rước các đạo sắc của vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Hương Khê. Ảnh: Văn Bảy

Lễ hội thường gắn với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo ở các đình, đền, chùa, miếu thờ các vị thần, phật, các vị anh hùng dân tộc, Thành hoàng làng... Có những lễ hội chỉ tổ chức vào mùa xuân hoặc diễn ra trong 3 ngày tết, như: hội hát ghẹo ở Mỹ Xuyên (Đức Thọ) và hội chợ phiên hằng năm ở Thịnh Xá (Hương Sơn), hội xuân ở Phú Phong (Hương Khê)... Lại có những lễ hội kéo dài suốt mùa xuân. Đáng kể như lễ hội chùa Hương Tích ở Can Lộc (từ ngày 6 tháng giêng đến 15/3 âm lịch). Đây là lễ hội dài ngày nhất, hình thức kết hợp giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian với sinh hoạt văn hóa như thưởng ngoạn cảnh đẹp, xin xăm, cầu may, cầu phúc...

Một số lễ hội tổ chức vào tháng giêng (âm lịch) như: hội chùa Thiên Tượng (phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh), lễ tổ sư nghề gốm Cẩm Trang (Đức Giang, Vũ Quang), lễ hội tế xuân ở Xuân Lũng (Hương Xuân, Hương Khê), lễ hội đền Thái Yên (Đức Thọ), hội cầu ngư ở Động Gián (Cương Gián, Nghi Xuân), hội chùa Trường Ninh và lễ mừng thọ (Tiên Điền, Nghi Xuân)...

Có thể thấy, cuộc sống càng hiện đại thì văn hóa cổ truyền, nhất là văn hóa tâm linh ngày càng được người dân coi trọng. Khắp nơi, từ đồng bằng đến miền núi cao hay vùng sông nước, biển khơi, đâu đâu cũng có những nghi lễ truyền thống linh thiêng. Lễ hội dân gian là nơi hội tụ sức mạnh của cộng đồng. Đó có thể là cộng đồng làng xã (hội đình Hội Thống - Nghi Xuân; hội làng Trường Lưu - Can Lộc), cộng đồng nghề nghiệp (lễ cắm đáy ở Đan Hải - Xuân Hải, Nghi Xuân); cộng đồng tôn giáo (hội chùa Hương Tích - Can Lộc)...

Một trong những giá trị nổi bật nhất của lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh là hướng về cội nguồn, tri ân người có công với nước trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, khai khẩn đất đai, lập nên làng xã, các ông tổ làng nghề, danh nhân đỗ đạt cao, sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo nên những phong tục, tập quán đẹp… Hiện nay, các địa phương đã duy trì, khôi phục một số lễ hội gắn với ngày giỗ, ngày sinh của các bậc anh hùng như: đền Vua Mai (Mai Phụ, Lộc Hà), đền Hải Khẩu - Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh, Kỳ Anh), đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà), Đô đài Bùi Cầm Hổ (Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh)… Chính vì truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lễ hội bao giờ cũng gắn với hành hương - du lịch. Du khách ngoài việc đi lễ để thể hiện lòng tôn kính còn là dịp thưởng ngoạn cảnh non xanh, nước biếc, trời mây chan hòa, thiên nhiên tươi đẹp trong ngày đầu xuân năm mới và tham gia các hoạt động giải trí, dân gian.

Không chỉ thể hiện tình cảm biết ơn và ngưỡng vọng những người đã có công gìn giữ và xây dựng đất nước, trở về với lễ hội cổ truyền của dân tộc, con người hiện đại được “tắm mình” trong dòng nước mát đầu nguồn của văn hóa dân tộc, tận hưởng những giây phút thiêng liêng, vọng ngưỡng những biểu tượng siêu việt cao cả - chân, thiện, mỹ, được sống những giờ phút giao cảm hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng, để có thể thể hiện tất cả những gì đẹp đẽ nhất của bản thân qua các cuộc thi tài, trình diễn nghệ thuật, cách thức ăn mặc lộng lẫy, khác hẳn ngày thường...

Phần lớn lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh là sản phẩm của xã hội nông nghiệp. Chính vì vậy, rất nhiều lễ hội ra đời phản ánh ước mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền của người dân và hiện nay vẫn được duy trì như: lễ hội cầu ngư của các làng biển Hội Thống, Động Gián (Nghi Xuân), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên); lễ kỳ phúc lục ngoạt (Thạch Trị - Thạch Hà); lễ hội làng mộc Thái Yên (Đức Thọ), làng Thánh thợ rèn Trung Lương (TX Hồng Lĩnh); lễ hội dẫn hoa (Phan Xá - Nghi Xuân) v.v... Các lễ hội này diễn ra chủ yếu vào đầu năm mới, mùa xuân và ngày giỗ các vị tổ sư làng nghề.

Lễ hội cầu ngư ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên).

Lễ hội cầu ngư ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên).

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, nhu cầu về sinh hoạt tinh thần cũng đòi hỏi được nâng lên. Vấn đề bảo tồn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) đang được triển khai có hiệu quả. Khắp các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh, người dân đang góp sức phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, sự mở rộng quy mô thái quá của nhiều lễ hội, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đan xen nhiều mục đích, các hoạt động văn hóa - thể thao thiếu chọn lọc… đang làm xấu đi hình ảnh của lễ hội dân gian truyền thống với những nét đẹp thuần khiết xưa. Khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong lễ hội là hết sức cần thiết.

Nhà văn Phạm Đức Ban - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho rằng: “Kịch bản lễ và hội, trò chơi và thi tài phải trên quan điểm phục hồi nguyên bản. Bên cạnh đó, hệ thống lễ nghi cần tổ chức trang nghiêm, bảo đảm tính thiêng liêng về văn cúng, trang phục, cờ quạt, trang trí bàn thờ, giản đơn nhưng không sơ sài về đồ ăn, thức uống”. Cũng theo nhà văn Phạm Đức Ban, lễ hội dân gian là một di sản văn hóa phi vật thể, có thể sử dụng như một sản phẩm du lịch, như là phương thức tạo ra giá trị vật chất. Lễ hội trong dịp tết cần tránh biến thành một thương phẩm để mưu cầu lợi nhuận, làm biến đổi hình thức biểu hiện, tính chất, mục đích của lễ hội. Đặc biệt, cần chú trọng phục hồi các cuộc thi tài về ẩm thực, về hoạt động nông nghiệp, phục hồi các trò chơi dân gian truyền thống như: đánh đu, cầu Kiều, trèo cột mỡ, cờ thẻ, kéo co… kết hợp trò chơi hiện đại như: leo núi, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông.

Khôi phục lễ hội dân gian truyền thống trong dịp lễ tết không chỉ tạo dựng nhiều sân chơi văn hóa lành mạnh cho người dân mà còn góp phần bảo vệ phong tục tập quán của mỗi làng quê, để mỗi người dân Việt Nam có thể tự hào về cội nguồn của dân tộc, về truyền thống cha ông, trên con đường đổi mới, hội nhập cùng bạn bè quốc tế.

Chủ đề Chào năm mới 2024

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast