Ích Hậu nói không với IR 1820

Từ 40% diện tích là trà xuân sớm, đến nay, xã Ích Hậu (Lộc Hà) đã hoàn toàn loại bỏ giống IR1820 ra khỏi cơ cấu. Kết quả này là tín hiệu đáng mừng cho việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất của vùng cửa biển. Đáng nói hơn, cuộc cách mạng là sự kết tinh sức mạnh của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương với tư duy sản xuất tiến bộ của bà con nông dân…

Từ quyết tâm chính trị

Trước nay, vụ đông xuân, xã Ích Hậu có đến 40% diện tích là trà xuân sớm, chủ yếu là giống IR 1820. Không phải là ngẫu nhiên, vùng đất vùng biển cửa không có nhiều tiềm năng để sản xuất nông nghiệp, lâu nay giống lúa này đã là “cứu cánh” cho bà con nơi đây thoát nghèo, thoát đói. Ông Phan Hoài Thu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để thực hiện chủ trương bỏ trà xuân sớm, xã đã tổ chức họp dân ở từng thôn xóm để nghe nhu cầu, nguyện vọng của bà con, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác cũ. Sau khi nhận được đồng tình, xã đã tổ chức cho từng hộ gia đình ký cam kết thực hiện chuyển đổi cơ cấu, xóa bỏ trà xuân sớm. Cùng với đó, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã trích ngân sách hỗ trợ thêm hơn 33% tiền mua giống lúa và 20% tiền nilong phục vụ chuyển đổi sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Cháu là một trong những nông dân tiên phong xóa bỏ IR 1820
Bà Nguyễn Thị Cháu là một trong những nông dân tiên phong xóa bỏ IR 1820

Ban đầu, định hướng của xã sẽ chuyển đổi 210 ha trà xuân sớm sang sản xuất giống lúa VTNA-2 ở trà xuân muộn. Niềm tin vừa mới được bắt đầu dựng xây thì biến cố lại xảy đến, giống lúa VTNA-2 chỉ đủ cung ứng cho 20 ha, còn 190 ha còn lại phải chuyển đổi sang giống khác. “Không thể mất lòng tin với nhân dân và quan trọng hơn là trách nhiệm lo đủ giống sản xuất, ngăn chặn tình trạng “bước về lối mòn” IR 1820, một lần nữa chúng tôi tổ chức họp dân, lấy ý kiến và thống nhất về giống lúa chuyển đổi. Tính tổng cộng, chúng tôi đã tổ chức 11 lần họp dân và ngân sách phải bỏ ra gần 140 triệu bù giá giống cho bà con nông dân chuyển từ giống VTNA-2 sang TH3-3”, ông Thu chia sẻ thêm.

Cũng phải nói thêm rằng, điều làm nên sự thành công trong công tác chỉ đạo thì bên cạnh sự tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở chính là tinh thần đồng thuận và tiến bộ của bà con xã Ích Hậu. Có những buổi họp đã thu hút đến gần 1.000 người tham gia và đồng tình tuyệt đối với chủ trương mới. Tất nhiên, điều thuận lợi khách quan là bài học vụ đông xuân 2011. Toàn xã có đến 90% diện tích mạ xuân sớm bị chết rét, 10% còn lại cũng èo uột không bén mầm. Nhờ được hỗ trợ từ xã 270 triệu tiền giống xuân muộn, bà con xã Ích Hậu gặt hái được mùa thu hoạch bội thu.

Đến đồng ruộng chuyển mình…

Ông Nguyễn Xuân Quân, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi dẫn chúng tôi đi thị sát khắp ruộng đồng Ích Hậu. Ông khoe rằng, mọi năm thời điểm này mạ xuân sớm đã lên xanh còn năm nay có mỏi mắt tìm cũng không thấy một m2 nào mạ IR1820. “Chính quyền cương quyết đã đành, tất cả là nhờ vào ý thức của bà con nông dân. Bây giờ giống IR 1820 trong dân vẫn còn nhiều nhưng họ tuyệt đối không dùng đến nữa”. Vụ xuân 2013, toàn xã sản xuất 515 ha, trong đó cơ cấu 32% diện tích trà xuân trung với giống chủ lực là Xi23, Xi30, Xi33 còn 68% diện tích còn lại là dành cho trà xuân muộn, gồm: TH3-3, VTNA2, Nếp 98.

Bà Nguyễn Thị Cháu, 70 tuổi, xóm Thống Nhất là thế hệ nông dân gắn bó với giống lúa IR 1820 từ những ngày đầu hoàng kim. Hơn ai hết, đối với người nông dân vùng biển cửa như bà, giống lúa IR 1820 không chỉ đơn thuần là một giống lúa mà còn là một phần của cuộc đời lam lũ. Ấy thế mà, vụ xuân năm nay, chính bà lại là một trong những người tiên phong “nói không với IR 1820”.

Bà Cháu chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm lúa IR 1820 nhưng kể từ bài học lúa chết rét năm ngoái, tôi thấy chủ trương chuyển đổi giống lúa IR 1820 là đúng đắn và phù hợp với thời tiết bây giờ. Năm nay, tôi làm 9 sào ruộng thì chỉ 1 sào là giống X, còn lại là lúa xuân muộn”. Không riêng gì bà Cháu mà tất cả các hộ sản xuất vốn vẫn “chung thủy” với giống cũ IR 1820 nay cũng tự nguyện chuyển đổi.

Bác Nguyễn Xuân Hóa cho biết: “Nếu không có chính sách hỗ trợ thì chúng tôi vẫn tự nguyện bỏ giống IR 1820. Thua mấy vụ liên tiếp đã là một bài học lớn rồi!”.

Nông nghiệp Ích Hậu đã tạo ra bước ngoặt lớn, góp phần thực hiện thành công tiêu chí chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast