Tin đồn "ma thuốc độc" ở Cẩm Xuyên tiếp tục lan rộng

Mặc dù trong y văn không có bất cứ thông tin nào về “ma thuốc độc” nhưng hiện nay khi thời tiết chuyển mùa, nắng nóng trên diện rộng làm cho số người bị cảm cúm tăng cao, nhưng nhiều người do mê tín dị đoan nên đã lấy thuốc của thầy lang để điều trị...

Mới sáng sớm nhưng tại Trạm y tế xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên đã chật ních bệnh nhân. Điều hoàn toàn khác so với những bệnh nhân thường nằm điều trị tại đây là toàn bộ số bệnh nhân này đều đã qua điều trị giải thuốc độc của thầy lang, khi thấy bệnh không chuyển biến, họ mới tìm đến cơ sở y tế để y, bác sỹ xã nhà khám bệnh và điều trị.

Bệnh nhân Trần Huy Diện ở thôn 1, xã Cẩm Thạch bày tỏ: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu thì toàn bộ đều đi vào thầy Long ở Kỳ Bắc để được thầy xem cho có mắc thuốc độc hay không và kết quả là có tới 3 người bị mắc phải lấy thuốc. Uống vào không thấy đỡ mà thậm chí còn mệt hơn nên tôi đã đến trạm xã để được điều trị”.

Dù số người vào viện điều trị nhiều nhưng...
Dù số người vào viện điều trị nhiều nhưng...

Thôn 1, xã Cẩm Thạch có trên 300 hộ dân, có rất nhiều người bị ốm đã tìm đến thầy lang. Nắng nóng với nhiệt độ cao, phổ biến trên 400c, người dân bị cảm cúm, sốt vi rút tăng cao. Lợi dụng vào đó một số kẻ xấu đồn thổi là có "ma thuốc độc", cộng vào đó là một số người quá mê tín dị đoan đã cất công vào Kỳ Anh khám bệnh và đều bị thầy phán mắc thuốc độc phải cắt thuốc giải. Sau khi sắc thuốc uống không lành người dân mới đến trạm y tế. Điều đó, không chỉ gây tốn kém tiền bạc, mất thời gian mà còn khiến cho sự nghi kị lẫn nhau trong cộng đồng dân cư tăng cao.

Tại thôn 1, xã Cẩm Thạch những người bị tình nghi bỏ thuốc là những gia đình bán quán. Khi có dấu hiệu cảm cúm, mệt nhọc người dân thường muốn được ăn hoa quả, bánh kẹo, uống nước ngọt. Và cũng vậy khi thấy đau yếu, kéo nhau vào thầy lang ở Kỳ Anh bị thầy nói mắc thuốc độc và phải lấy thuốc giải độc, mọi người trong thôn đã dồn hết nghi ngờ vào những gia đình này.

Chị Trần Thị Nguyệt ở thôn 1, xã Cẩm Thạch nói: “Trong thôn có 5 hộ gia đình bán quán, trong đó gia đình chị bán lớn hơn và nằm ở vị trí trung tâm nên có số lượng khách hàng mua đông nhất. Khi số nhiều vào Kỳ Anh bị nói mắc ma thuốc độc ngày càng nhiều thì gia đình chị bị nói và nghi ngờ nhiều nhất. Nhiều người đến không ngần ngại chủi những lời thậm tệ nói là chị đã bỏ thuốc độc làm hại gia đình họ. Chị đã nhờ đến thôn can thiệp nhưng không có tác dụng gì cả mà càng bị chửi mắng thậm tệ hơn. Lâu lắm rồi cửa hàng không có khách nhưng điều đó cũng không buồn lắm mà điều chị đau buồn nhất là bị oan, mang tội bỏ thuốc độc, bị mọi người khinh miệt, xa lánh. Chị mong ngành chức năng phải có biện pháp gì đó để trấn an dư luận. Như thôn chị đây thời gian qua chẳng ai làm được việc gì, khi nào cũng bàn tán về thuốc độc và kéo nhau vào Kỳ Anh. Mỗi lần đi mỗi gia đình mất ít nhất 3 trăm ngàn đồng cho việc bốc thuốc và chi phí đi lại. Điều đáng nói nhất là những hộ bị nói mắc ma thuốc độc đều là những hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn”.

... vẫn còn không ít người dân tin vào thầy lang nên sắc thuốc để uống
... vẫn còn không ít người dân tin vào thầy lang nên sắc thuốc để uống

Ngoài xã Cẩm Thạch thì thông tin về mắc “ma thuốc độc” đang lan rộng tại các xã Cẩm Quan, Cẩm Huy, Cẩm Duệ, Cẩm Bình và Thị trấn Cẩm Xuyên nhất là khi thời tiết nắng nóng, số người mắc bệnh tăng cao. Tại những địa phương này, người bị cảm cúm, có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, kém ăn tìm đến các cơ sở y tế rất hạn chế mà chủ yếu là cắt thuốc của thầy lang ở Kỳ Anh. Chính quyền địa phương cũng chỉ biết vận động người dân qua các cuộc họp thôn, xóm. Về phía ngành chuyên môn thì Trung tâm y tế dự phòng huyện đã thành lập đoàn về xã Cẩm Bình để trực tiếp thăm khám một số trường hợp bị thầy lang phán mắc ma thuốc độc.

Bác sỹ Trần Huy Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Sau khi khám chúng tôi thấy rằng những trường hợp bị cho là mắc ma thuốc độc đều là cảm cúm, đau đầu, sổ mũi và suy nhược cơ thể thôi, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng do việc đồn thổi ma thuốc độc nên người dân suy sụp tinh thần, chạy hết nơi này đến nơi khác lấy thuốc giải độc. Việc làm này rất nguy hiểm vì thuốc không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân không tin theo những tin đồn thất thiệt mà phải đến cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh”.

Do chưa nhận thức căn nguyên bệnh tình nên vẫn còn có những người dân đang miệt mài ngồi bên bếp lửa sắc thuốc để uống. Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt để chấm dứt ngay tình trạng mê tín dị đoan này nhằm đảm bảo tình trạng sức khỏe và an ninh trật tự cho người dân. Sự nóng nực của thời tiết đã khiến cho người dân mắc bệnh nhiều thêm nhưng càng nóng bức, oi nghiệt bởi sức nóng của tin đồn “ma thuốc độc”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast