Hà Tĩnh : Giảm hồ sơ dự thi đại học- cao đẳng

Qua gần 1 tháng triển khai thực hiện, đến thời điểm hiện tại Sở GD-ĐT đã hoàn tất việc thu nhận, xử lý hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng cho học sinh THPT trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời gửi về các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Cùng với xu thế chung của các tỉnh phía bắc, năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng của học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh giảm hơn so với những năm trước.

Thầy Phan Đình Lai - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Sở GD-ĐT cho biết: “ Năm nay toàn tỉnh có 34.744 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng ( giảm 7.542 hồ sơ ( 17,83%) so với năm 2011. Nguyên nhân chính của việc giảm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi này phần lớn là nhờ công tác tuyên truyền, phân luồng, hướng nghiệp sau THPT của các nhà trường ngày càng được chú trọng. Theo đó, học sinh và các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình, đặc biệt là việc chọn trường, chọn nghề có cơ sở khoa học, phù hợp với năng lực, sở trường, năng khiếu, sức khoẻ của bản thân học sinh và điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhu cầu của xã hội”.

Việc đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp tại các nhà trường là một trong những nguyên nhân giảm số lượng hồ sơ dự thi ĐH-CĐ

Việc đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp tại các nhà trường là một trong những nguyên nhân giảm số lượng hồ sơ dự thi ĐH-CĐ

Ngoài ra, nguyên nhân của việc giảm hồ sơ năm nay một phần còn nhờ vào chủ trương mới của Bộ về việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển nhiều đợt và kéo dài thời gian xét tuyển cho những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1. Điều đó cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh chỉ cần đăng ký dự thi vào một trường đại học hoặc cao đẳng phù hợp với năng lực của mình và đạt điểm sàn quy định là có cơ hội xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng khác cùng khối thi, trong vùng tuyển phù hợp với quy định của từng trường. Được biết việc giảm hồ sơ thi vào các trường đại học, cao đẳng năm nay là xu thế chung của hầu hết các tỉnh, đặc biệt như Thanh Hoá giảm 11.000 hồ sơ trên tổng số gần 100.000 hồ sơ đăng ký. Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc giảm đáng kể số lượng hồ sơ ảo, giảm áp lực thi cử cho học sinh và sự tốn kém cho nhà nước, cho các bậc phụ huynh.

Dẫu việc đăng ký dự thi vào 2 trường cao đẳng: Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn và Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội cùng 5 ngành của 5 trường ( Ngành khai thác vận tải của cao đẳng Bách nghệ Hà Tây; ngành kinh tế xây dựng của trường cao đẳng CN Quảng Ngãi; Tài chính ngân hàng của Đại học Phú Xuân; Kiến trúc của Đại học Yesin Đà Lạt; QTKD của đại học Thành Tây) của 19 học sinh gặp phải sự cố do các trường bị đình chỉ tuyển sinh. Nhưng Sở cũng đã có thông tin để các thí sinh kịp thời đăng ký lại theo hướng dẫn của Bộ. Và đến thời điểm hiện tại việc học sinh đăng ký dự thi nộp hồ sơ đều đã được thực hiện đúng nguyện vọng.

Cũng theo thống kê của phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Sở GD-ĐT, trong tổng số 34.744 hồ sơ đăng ký dự thi năm nay, hồ sơ khối A vẫn chiếm số lượng lớn nhất với tỷ lệ 52,89%, tiếp đến là khối B, Khối D1, khối C, khối D3, khối A1 và các khối năng khiếu. Nếu xét theo lĩnh vực ngành nghề chủ yếu số hồ sơ đăng ký dự thi bậc cao đẳng chiếm tỷ lệ 21,16%; bậc đại học chiếm 71,55%, trong đó lĩnh vực kinh doanh và quản lý vẫn là những ngành nghề chiếm ưu thế.

Hiệu quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp của tỉnh đã được phản ánh rõ nét qua số lượng hồ sơ của học sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng năm học này. Thế nhưng trong niềm vui ấy, những người làm công tác chuyên môn vẫn còn không ít băn khoăn. Đó là qua công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn mùa thi, qua cảnh báo của Bộ GD-ĐT về những thông tin quan trọng, có tính định hướng như: Sau 4 đến 5 năm nữa sẽ dư thừa nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh và thiếu nhân lực trong các lĩnh vực như: Du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, Công nghệ thông tin...

Nhưng thực tế thông tin đến với học sinh và các bậc phụ huynh vẫn chưa đầy đủ, toàn diện. Vấn đề chọn trường của học sinh vẫn thiên về những trường, mã ngành dễ trúng tuyển hơn là chọn nghề có cơ sở khoa học như đã nói trên. Đó cũng là lý do đòi hỏi các trường THPT, các đoàn thể xã hội cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách mạnh mẽ hơn nữa để vấn đề việc làm sẽ không còn là nỗi ám ảnh của những sinh viên sau khi rời khỏi giảng đường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast