Thơ chữ Hán - cách nhìn thế sự và nỗi đau đời của Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Đại thi hào Nguyễn Du vốn nổi danh thế giới bởi “Truyện Kiều” nhưng bên cạnh đó, mảng thơ chữ Hán được ông sáng tác xuyên suốt gần 30 năm đã khắc họa cuộc đời và tâm tư của một nhà thơ sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Trước thế sự rối ren và sự nổi chìm của số phận, thơ chữ Hán bộc lộ phần sâu kín trong tâm tư, tình cảm của một con người “thương đời” mà không “cứu được đời”...

Thơ chữ Hán - cách nhìn thế sự và nỗi đau đời của Nguyễn Du ảnh 1

Giới trẻ tìm hiểu cuộc đời Nguyễn Du trong phòng truyền thống của Khu di tích Nguyễn Du ở Nghi Xuân

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du dường như không có biên độ về đề tài. Trong suốt những năm tháng tao loạn, trải qua quãng đời bể dâu, gió bụi cho đến những năm ra làm quan với nhà Nguyễn ở Bắc Hà, qua những điều mắt thấy, tai nghe, thông qua tư tưởng nhân đạo và ngòi bút tài hoa, Nguyễn Du đã sáng tác tập Thanh Hiên thi tập.

Bài thơ thứ nhất trong tập thơ này (Quỳnh Hải nguyên tiêu) thể hiện nỗi đau buồn vì hoàn cảnh gia đình tan tác cũng là sự phản ánh xã hội tao loạn lúc bấy giờ: Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán/ Bạch đầu đa hận tuế thời thiên (tạm dịch: Ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác/ Đầu bạc thường bực vì ngày tháng trôi mau). Trong hoàn cảnh từ một cậu ấm bỗng dưng phải phiêu bạt tứ xứ, Nguyễn Du đã sáng tác nhiều bài thơ thể hiện tâm trạng vô vọng, muốn thoát ra khỏi cuộc đời phiền toái, tìm đến nơi non xanh thanh tĩnh, mong làm bạn với cỏ cây, mây nước: Hà năng lạc phát quy lâm khứ/ Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân (tạm dịch: Ước gì có thể gọt tóc vào rừng/ Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây - Than thân); Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại/ Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân (tạm dịch: Ước gì thoát được vòng trần tục/ Ngồi dưới gốc tùng già thú biết bao nhiêu – Sơn thôn).

Nguyễn Du chán chường, thất vọng không chỉ vì sự dở dang của cuộc đời ông mà còn vì bao ngang trái, bất công của một xã hội đang thời hỗn loạn: Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà nợ nước (My trung mạn hứng), Đêm tối sói hổ kiêu ngạo/ Trăng sáng chim hồng, chim nhạn tản tác (Biệt Nguyễn Đại Lang)... Ông bàng hoàng, tiếc nuối không chỉ vì sự đổ vỡ của gia đình, dòng họ mà còn vì cảnh thương hải tang điền của cuộc đời: Nhất tự y thường vô mịch xứ/ Lưỡng đề yên thảo bất thăng bi/ Bách niên đa thiểu thương tâm sự/ Cận nhật Trường An đại dĩ phi (tạm dịch: Từ khi áo xiêm không còn tìm đâu thấy/ Khói trên ngọn cỏ hai bờ sông khiến lòng khôn xiết bi thương/ Trăm năm của cuộc đời biết bao việc thương tâm/ Ngày gần đây Tràng An đã khác xưa nhiều - Giang đình hữu cảm)

Bao trùm Thanh Hiên thi tập là nỗi đau buồn của một con người bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời dâu bể. Tâm hồn Nguyễn Du chìm trong những bàng hoàng, day dứt, sầu muộn mênh mông. Song, chính niềm thương thân ấy đã khơi nguồn cho sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về những mất mát, khổ đau của con người trong thời đại mình.

Với tư chất thông minh và trái tim đầy nhạy cảm, Nguyễn Du có cách cảm nhận rất nhân văn về cuộc đời, số phận và sự tồn tại của mỗi thân phận con người giữa cõi đời chìm nổi. Cách nhìn thế sự và nỗi đau đời, thương đời ấy thể hiện trong suốt tập thơ Nam trung tạp ngâm. Là người tài được vua tin dùng nhưng Nguyễn Du chưa bao giờ lấy sự ân sủng của vua chúa làm niềm vui để quên đi những hoài vọng về quá khứ. Làm quan nhưng ông ít thể hiện tài võ lược mà lại lặng lẽ, thậm chí, có phần biểu hiện của tư tưởng bất đắc dĩ phải chịu cảnh làm quan. Điều này thể hiện khá rõ trong bài Tân thu ngẫu hứng: Thử thân dĩ tác phàn lung vật/ Hà xứ trùng tầm hãn mạn du? (tạm dịch: Thân này đã là vật trong lồng rồi/ Còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa?). Đó chính là biểu hiện của một tư tưởng đầy mâu thuẫn, bởi Nguyễn Du vừa muốn trung thành với nhà Lê, vừa không hợp tác với nhà Tây Sơn, lại bất đắc dĩ phải làm quan cho nhà Nguyễn.

Trong tập này, thơ Nguyễn Du chất chứa những mệt mỏi, chán chường, thất vọng. Ông thất vọng về mình vì đã không giữ vẹn được tấm tình thủy chung với non xanh, với tùng cúc, hươu nai. Ông thất vọng về chốn quan trường vì những tưởng khi nhập thế sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ giúp ích cho đời nhưng cuối cùng cũng chỉ là kẻ bị trói buộc bởi “năm đấu gạo”. Ông giống như một người không muốn trôi theo dòng chảy kia nhưng chẳng thể nào thoát khỏi vòng xoáy dữ dội của nó nên đành chấp nhận. Điều đau xót nhất là khi bước chân vào nẻo thanh vân cũng là khi hoài bão, ước mơ dần nguội tắt. Nhưng cũng chính trong khoảng thời gian này, tác giả Nam trung tạp ngâm bắt đầu có những nhận thức sâu sắc về bản chất xã hội đương thời. Đó không phải là nơi cho những con người có hùng tâm, tráng chí cất cánh bay cao.

Tập thơ thứ ba - Bắc hành tạp lục có số lượng bài lớn, đề tài phong phú, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là tập thơ kết tinh các giá trị nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Hiện thực cuộc sống bi thương trong xã hội phong kiến cả ở nước ta lẫn Trung Hoa thuở ấy, từ cảnh ngộ dâu bể của cô Cầm đánh đàn ở Thăng Long đến nỗi cơ cực của ông già hát rong ở đất Thái Bình (Trung Quốc) đã cho Nguyễn Du thấy thân phận bèo bọt và những bất công mà kiếp người phải chịu. Từ chính cảnh ngộ của mình, ông thông cảm sâu sắc với những phận người nhỏ bé trong xã hội.

Bài thơ Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn ở Long Thành) là một điển hình về nỗi thương đời, thương mình. Với những câu thơ tài hoa, Nguyễn Du khắc họa rõ nét những đổi thay của cả một thời kỳ lịch sử và một đời người, bày tỏ nỗi thương đời và thương mình đến xót xa: Khúc xưa đàn lên từng tiếng mà nước mắt tôi thầm rơi/ Tai lắng nghe mà trong lòng đau xót/ Bỗng sực nhớ chuyện hai mươi năm trước/ Từng thấy cô ta trong bữa tiệc bên hồ Giám/ Thành quách đổi dời, việc người cũng khác/ Bao nơi nương dâu trở thành biển cả/ Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết/ Mà còn sót lại một người trong làng ca múa/ Trăm năm thấm thoát có là bao/ Cảm thương việc cũ, nước mắt thấm áo…

Tư tưởng nhân đạo ấy bao trùm toàn bộ sáng tác trong tập thơ thứ 3 này. Ở Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du thậm chí còn vượt cả không gian, thời gian, vượt cả ranh giới ta, địch để xót thương cho những kẻ chết trận, phơi “xương trắng” nơi Quỷ Môn Quan. Bài thơ Phản chiêu hồn là một ví dụ: Tảo liễm tinh thần phản thái cực/ Thận vật tái phản linh nhân xi/ Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan/ Đại địa xứ xứ giai Mịch La/ Ngư long bất thực, sài hổ thực/ Hồn hề! Hồn hề! Nại hồn hà? (tạm dịch: Hãy sớm thu tinh thần về với thái hư/ Đừng trở lại đây mà người ta mỉa mai/ Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan/ Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La/ Cá rồng không ăn, hùm sói cũng ăn/ Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?).

Nguyễn Du đã vượt qua một số ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn lên khẳng định giá trị tự thân của con người. Thơ ông, nhất là thơ chữ Hán luôn thể hiện sự trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp, khát vọng sống, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Với gia tài thơ chữ Hán của mình, Nguyễn Du đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành tựu của một giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử văn học dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast