Những “khoảng tối” trong đấu thầu qua mạng: Nhiều sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh việc “phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên trong lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng (ĐTQM), công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu của nhiều chủ đầu tư ở Hà Tĩnh thời gian qua còn phát lộ nhiều sai phạm...

Mời thầu kiểu “cài cắm, ấn định nhà thầu”

Tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình Trường Tiểu học xã Hương Minh (Vũ Quang) vào ngày 3/4/2020 do UBND xã Hương Minh làm chủ đầu tư, trong hồ sơ mời thầu, tại chương III, mục 6.3.2. yêu cầu về vị trí đổ các loại vật liệu thải nêu: Có hợp đồng đổ thải hoặc xác nhận được phép đổ thải tại địa phương cho gói thầu đang xét. Trường hợp đi thuê: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo hợp đồng thuê đất. Nếu như bên mời thầu yêu cầu, doanh nghiệp (DN) muốn dự thầu phải “tự” tìm bãi thải vật liệu, đồng thời phải được chính quyền địa phương nơi có bãi thải xác nhận.

Những “khoảng tối” trong đấu thầu qua mạng: Nhiều sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Trong 6 gói thầu do UBND xã Thạch Đài (Thạch Hà) làm chủ đầu tư, thời gian gần đây chỉ duy nhất 1 gói được tổ chức lựa chọn qua mạng (Trong ảnh: thi công đường giao thông liên xã ở Thạch Đài)

Xung quanh kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình Trường Tiểu học xã Hương Minh, ý kiến chuyên gia đấu thầu cho rằng: Như thế này gọi là “cài cắm” trong quá trình mời thầu.

Bởi lẽ, ngoài trái quy định của các cấp về đấu thầu vì đã gây khó khăn, bất lợi cho DN, lẽ ra quá trình thiết kế dự án phải xác định luôn cung đường vận chuyển cũng như vị trí đổ thải. Đằng này, lại đi làm chuyện ngược đời khi bắt DN nếu muốn dự thầu phải đến UBND xã, cũng chính là chủ đầu tư xin xác nhận vị trí đổ thải.

Ông Đ. - giám đốc một công ty xây dựng có trụ sở tại TP Hà Tĩnh phân trần: “ĐTQM là khi mở thầu mới biết danh tính những nhà thầu nào tham gia. Điều này nhằm đảm bảo bí mật hồ sơ, loại bỏ tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”. Theo đó, thông tin nhà thầu tham gia đến trước thời điểm mở thầu được giữ bí mật, không bên nào, kể cả bên mời thầu hay nhà quản trị hệ thống có thể truy cập hay làm rò rỉ ra ngoài. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả DN khi tham gia ĐTQM. Còn với kiểu mời thầu như xã Hương Minh là không đảm bảo tính bí mật, tính bình đẳng cho các DN. Vì, khi nhà thầu đến địa phương xin ký xác nhận bãi thải sẽ lộ danh tính. Và rất có thể từ đó nhà thầu “quân đỏ” (những nhà thầu thân hữu với chủ đầu tư - PV) sẽ đi thương lượng, nhờ can thiệp để nhà thầu “du kích” không tham gia đấu thầu. Nói chung, nhà thầu tự do hay còn gọi là “quân xanh” đi ĐTQM mà bị lộ diện trước lúc dự thầu thì áp lực nhiều vô kể”.

Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển quy định rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu...”.

Quy định là thế, song trên thực tế, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã và đang xem nhẹ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Những “khoảng tối” trong đấu thầu qua mạng: Nhiều sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Dự án nâng cấp các tuyến 2, 3 và 4 đường giao thông nông thôn kết hợp vào các khu sản xuất tập trung xã Sơn Phúc (nay là xã Kim Hoa), do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư

Ngoài việc mời thầu kiểu “cài cắm” trên thì còn muôn hình vạn trạng trong việc mời thầu kiểu “ấn định nhà thầu”. Như tại gói thầu nâng cấp các tuyến 2, 3 và 4 công trình đường giao thông nông thôn kết hợp vào các khu sản xuất tập trung xã Sơn Phúc (nay là xã Kim Hoa), do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư (thời điểm đăng tải ngày 23/10/2019), bên mời thầu là BQL Các dự án Đầu tư và Xây dựng cơ bản huyện Hương Sơn (Ban A).

Trong phần hợp đồng tương tự nêu: “Số lượng hợp đồng tương tự là 2 hợp đồng, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 2,5 tỷ đồng; số lượng hợp đồng ít hơn hoặc nhiều hơn 2. Trong đó, có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 2,5 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng - 5 tỷ đồng”. Rõ ràng, ở phần hợp đồng tương tự trong hồ sơ mời thầu dự án này chưa bằng 30% tổng giá trị gói thầu trên (tổng giá trị gói thầu là hơn 8,4 tỷ đồng). Trong khi Thông tư 03/2015-BKHĐT của Bộ KH&ĐT quy định: “Tương tự về quy mô công việc: Có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét…”.

Còn phần doanh thu yêu cầu: “Doanh thu bình quân hằng năm tối thiểu là 3 tỷ đồng trong vòng 3 năm gần đây”. Trong khi Thông tư 03/2015-BKHĐT yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu bình quân hằng năm bằng giá gói thầu/thời gian thực hiện hợp đồng theo năm (gọi tắt là hệ số k) nhân 1,5 giá gói thầu. Chiếu theo thông tư này thì phần doanh thu yêu cầu của gói thầu trên tối thiểu phải là 12,6 tỷ đồng.

Bất cập chưa dừng lại ở đó khi phần nhân sự chủ chốt Ban A Hương Sơn đã yêu cầu 25 công nhân kỹ thuật, trong khi chẳng có quy định nào cho phép công nhân kỹ thuật có thể thay thế nhân sự chủ chốt. Như vậy, tại hồ sơ mời thầu này, phần năng lực và kinh nghiệm Ban A huyện Hương Sơn đã làm trái quy định với Thông tư 03/2015-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ KH&ĐT.

Chưa hết, phần tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu gói thầu trên, bên mời thầu chỉ nêu chung chung, không có tiêu chí đánh giá hồ sơ cụ thể theo quy định.

Những “khoảng tối” trong đấu thầu qua mạng: Nhiều sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Dự án nâng cấp các tuyến 2, 3 và 4 đường giao thông nông thôn kết hợp vào các khu sản xuất tập trung xã Sơn Phúc (nay là xã Kim Hoa), do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư được đăng tải trên mạng đấu thầu Quốc gia ngày 23/10/2019

Xâu chuỗi các vấn đề liên quan đến việc mời thầu trên, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn: Lý do gì Ban A huyện Hương Sơn đã bất chấp quy định của cấp trên về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho dự án. Phải chăng đã có sự “định hướng nhà thầu” cho dự án trước khi xét thầu!?

Lý giải những nghi vấn này, ông Trần Quốc Pháp - Trưởng ban A Hương Sơn cho biết: “Những tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu như hợp đồng tương tự và doanh thu yêu cầu trong các thông tư, nghị định chỉ là những quy định mang tính tham khảo chứ không phải quy định cứng…”.

Chấm thầu kiểu “thương thảo”

Không thể chơi bài “cài cắm” hoặc “ấn định nhà thầu” trong quá trình xét thầu, khi mở thầu, nhiều chủ đầu tư lại chấm thầu kiểu “thương thảo”, bằng mọi cách loại những nhà thầu đủ điều kiện để cho nhà thầu “thân hữu, quen biết” trúng thầu.

Câu chuyện tại gói thầu nâng cấp cải tạo nhà làm việc Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã và các công trình phụ trợ khác do UBND xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng Nhất Thống (TP Hà Tĩnh) làm tư vấn đấu thầu là một ví dụ. Tại dự án này có 3 nhà thầu tham gia đấu thầu: Công ty CP Xây dựng - Thương mại Thiên Ưng (Công ty Thiên Ưng), Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Kim Thành (Công ty Kim Thành) và Công ty CP An Thịnh (Công ty An Thịnh). Cả 3 DN này đều ở huyện Cẩm Xuyên.

Trong đơn giá dự thầu của Công ty Kim Thành là 2.620.044.206,8 đồng, giảm 9,99%, tương ứng với 290.894.793,2 đồng; Công ty An Thịnh bỏ giá 2.720.619.174,25 đồng, giảm 6,54% tương ứng số tiền 190.319.825,8 đồng.

Thực tế cho thấy, nếu Công ty Kim Thành hoặc Công ty An Thịnh trúng thầu, họ sẽ làm lợi cho ngân sách nhà nước số tiền nhiều trăm triệu đồng. Điều đáng nói, Công ty Thiên Ưng là DN bỏ đơn giá cao nhất 2.903.420.405,97 đồng (giảm 0,258%, tương ứng với 7,5 triệu đồng), lại là đơn vị trúng thầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân “trượt thầu” của Công ty Kim Thành trong dự án này là do “không có bảo lãnh dự thầu”. Đây là điều hết sức phi lý, bởi bảo lãnh dự thầu là điều kiện bắt buộc của các DN trước lúc tham gia đấu thầu.

Những “khoảng tối” trong đấu thầu qua mạng: Nhiều sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu

Đường giao thông liên thôn Liên Hương - Nam Thượng - Bắc Thượng, xã Thạch Đài dự án duy nhất được thực hiện đấu thầu qua mạng ở Thạch Đài trong thời gian gần đây

Còn Công ty An Thịnh bị loại vì “yêu cầu làm rõ, tuy nhiên, sau thời gian hết hạn yêu cầu bổ sung làm rõ, nhà thầu vẫn không đến làm rõ”. DN đi đấu thầu mà khi chủ đầu tư mời đến yêu cầu làm rõ hồ sơ để thương thảo hợp đồng trúng thầu mà không đến là chuyện ngược đời. Đó là chưa kể, nếu không đến thương thảo hợp đồng, nhà thầu sẽ mất hàng trăm triệu đồng tiền bảo lãnh dự thầu và có thể bị cấm tham gia dự thầu các công trình dự án tiếp theo trong 3 năm tại địa phương này.

Nhận định về nghi vấn này, một nhà thầu ở Cẩm Xuyên cho rằng, nhà thầu đi dự thầu mà không có bảo lãnh chẳng khác gì thí sinh đi thi mà không có tên tuổi, giấy báo dự thi. Còn chuyện chủ đầu tư mời đến thương thảo hợp đồng mà không đến thì tham gia dự thầu làm gì.

Điều gì lẩn khuất phía sau những “khoảng tối” trong ĐTQM ở Hà Tĩnh thời gian qua? Thiết nghĩ, cần sự “chung tay” của những người có trách nhiệm để xử lý nghiêm và triệt để đối với các vi phạm kiểu này.

(còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast