Hương Khê chìm trong lũ dữ

Trong những ngày qua, mưa lớn xảy ra trên diện rộng đã gây ngập lụt nặng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 17/22 xã của huyện Hương Khê và 9/12 xã của huyện Vũ Quang bị ngập và cô lập hoàn toàn, hơn 22.000 ngôi nhà của người dân chìm trong biển nước...

Nước ngập tận nóc nhà
Nước ngập tận nóc nhà
Thiệt hại ban đầu ước tỉnh trên 353 tỷ đồng

Theo báo cáo của BCH PCLB tỉnh Hà Tĩnh và tổng hợp của phóng viên, tính đến hết ngày 4-10, toàn tỉnh có 6 người chết và 1 người bị thương; 17.557 hộ bị ngập, trong đó có 1.881 nhà bị sập. Về sản xuất nông nghiệp có 1.708 ha lúa mùa, 2.412 ha ngô đông, 682 ha khoai đông, 31 ha lạc, 1.638 ha rau màu, 332 ha nuôi thủy sản bị ngập; 32.150 con gia cầm, 55 trâu bò bị chết và bị trôi. Mưa lũ cũng làm sạt lở 390.500m3 công trình thủy lợi, 303.500 m3 công trình giao thông; gây ngập và hư hỏng 638 cầu cống, 31 trạm y tế, 71 trường học, 32 trụ sở UBND xã; gãy đổ 1.858 cột điện trung và hạ thế; 144,4km đường dây điện bị đứt. Thiệt hại ban đầu ước tính trên 353 tỷ đồng...

Sáng 4-10, chúng tôi cùng đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dẫn đầu, xuất phát từ thành phố Hà Tĩnh lúc mờ sáng.

Tuyến quốc lộ 15 từ thành phố Hà Tĩnh đi Hương Khê bị chia cắt nhiều đoạn; Tỉnh lộ 5 nối Đức Thọ sang Vũ Quang cũng chìm trong nước nên đoàn phải chạy thẳng lên Hương Sơn, theo đường mòn Hồ Chí Minh mới đến được vùng lũ.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kịp thời thăm hỏi, động viên và chuyển hàng cứu trợ cho người dân

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kịp thời thăm hỏi, động viên và chuyển hàng cứu trợ cho người dân

Sau khi kiểm tra tình hình PCLB ở công trình thủy điện Hố Hô, đoàn đã về các xã ngập sâu để chỉ đạo đối phó lũ, kiểm tra tình hình tránh lũ và thăm hỏi bà con.

Các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương ứng trực, triển khai các phương án bảo vệ đập thủy điện Hố Hô
Các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương ứng trực, triển khai các phương án bảo vệ đập thủy điện Hố Hô

Mưa tầm tã. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, chiếc xuồng máy của Phòng CSGT Đường thủy do Trung tá Lê Đình Thảo cầm lái băng băng trên bể lũ, luồn qua những ngọn cây, chui qua những loạt dây điện là là trên mặt nước đưa chúng tôi qua các xã Phương Điền, Hà Linh rồi về rốn lũ Phương Mỹ.

Tất thảy trường học, trụ sở ủy ban, trạm xá cao tầng trên địa bàn Phương Mỹ đã ngập sâu phân nửa, nhiều đoạn mực nước dâng cao tới 6m. Học sinh đã nghỉ học trước đó một ngày.

Khi chiếc xuồng cao tốc của đoàn cứu hộ men đến, đã có nhiều trẻ em ngồi trên thuyền đợi sẵn. Em Nguyễn Văn Tú, 11 tuổi, ở xóm 5 mếu máo: "Nước lũ lên nhanh, quá các bác ơi. Mấy ngày nay, bố mẹ em đang tập trung vận chuyển đồ đạc, lương thực lên chỗ trú ẩn nên cả nhà chưa nấu một bữa cơm, chỉ ăn mì tôm qua ngày thôi”.

nhận hàng cứu trợ
nhận hàng cứu trợ

Do phải nhịn ăn từ sáng nên khi tiếp nhận thùng mỳ tôm từ tay Chủ tịch UBND tỉnh, cháu Nguyễn Thị Nhật - con chị Lệ ở xóm 5, Phương Mỹ đã mở ngay gói mỳ, rồi giải thích: “Cháu đói quá! Hôm qua tới giờ gia đình cháu đang bận đi sơ tán”.

Chủ tịch Võ Kim Cự cho biết, tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp trong mấy ngày qua và cử nhiều đoàn công tác xuống các vùng trọng điểm lũ lụt để nắm tình hình và tổ chức cứu trợ với phương châm: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và tuyệt đối không để người dân trong vùng lũ phải chịu đói, chịu rét. Theo đó, tỉnh đã huy động 200 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và 10 xuồng cao tốc để giúp đỡ và ứng cứu người dân vùng lũ. Trong 2 ngày qua, huyện Hương Khê và Vũ Quang đã tổ chức di dời 21.000 người dân đến nơi an toàn. Trước đó các địa phương đã chủ động cho bà con sơ tán toàn bộ gia súc, gia cầm lên vùng cao tránh lũ trước khi các vùng này bị chia cắt.

Mênh mông nước bạc

Mênh mông nước bạc

Nhìn những ngôi nhà còn lòi lại phần nóc; những vật dụng như giường tủ, bàn ghế... được chất lên một cái bè tạm bợ, neo lại bên từng lùm cây cạnh các nóc nhà; những người nông dân lam lũ ướt đẫm từ dầu đến chân đang bấp bênh trên những con thuyền ba lá bé tý tẹo kiểm tra đồ đạc, nhà cửa trong mưa lũ... mới cảm thấy hết nỗi vất vả của bà con.

Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ - Nguyễn Hồng Quân cho hay, là xã vùng trũng của huyện Hương Khê lại có sông Ngàn Sâu chảy từ đầu đến cuối xã nên Phương Mỹ luôn hứng chịu lũ nặng nề nhất và cũng chính vì vậy nên người dân đã có “truyền thống” chạy lũ từ hàng trăm năm nay. Tuy vậy, theo kinh nghiệm dân gian của các cụ thì thời gian này không còn lũ lớn nữa nên nhân dân cũng chủ quan; bên cạnh đó, lũ về nhanh và ngập sâu trên diện rộng nên không ít hộ đã bị thiệt hại về đồ đạc, lúa gạo.

Chợ Hôm (Phương Mỹ - Hương Khê) ngập chìm trong nước

Chợ Hôm (Phương Mỹ - Hương Khê) ngập chìm trong nước

Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ: "Trận lũ này tương đương trận lũ năm 2007, loại lũ tần suất 60 năm mới xuất hiện tại địa phương. Xã Phương Mỹ có 631 hộ thì có đến trên 400 hộ ngập sâu trong lũ, trong đó một số xóm như xóm ngập sâu từ 4-5m. Xã đã tổ chức di dời trên 1.000 người ở các Ấp Tiến 1, Ấp Tiến 2, Mỹ Trung, Mỹ Thượng, Mỹ Hạ về các xóm vùng cao an toàn. Hiện tại Phương Mỹ không có tình trạng dân phải chịu đói, chị rét.

Tuy nhiên, theo dự báo, đợt lũ này sẽ kéo dài nên mấy ngày tới chắc chắn nhiều hộ dân sẽ thiếu lương thực. Vì vậy, rất cần được nhận được sự trợ giúp kịp thời của cấp trên".

Chị Hồ Thị Hương, xóm Mỹ Hạ cho biết: “Nhà em ngập gần hết nóc rồi; đồ đạc tư trang, trâu bò, gà lợ... thì mang theo người lên vùng sơ tán; bàn ghế, giường tử neo lại bên nhà; còn một ít lúa không vận chuyển kịp, đưa chất lên chạn, bây giờ cũng ướt hết cả rồi. Lên vùng sơ tán với đủ thư lỉnh kỉnh, chất chội, vất vả lắm! Cứ mưa lũ kéo dài thế này thì khố đến nơi...”.

Không chỉ rốn lũ Phương Mỹ mà nhiều xã khác ở Hương Khê cũng bị ngập sâu từ mấy ngày nay. Nhân dân đang gồng mình chống chọi với lũ từng ngày.

Ông Đinh Hữu Tân-Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, đây là cơn lũ lớn trên diện rộng hiếm gặp từ mấy chục năm nay. Đến ngày 4-10, toàn huyện có 17/22 xã bị ngập, chia cắt, trong đó có 8 xã ngập sâu là Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thủy, Lộc Yên, Gia Phố và Hương Đô. Nhiều nơi trong các xã này ngập đến 3-4 mét; thậm chí Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh có nơi ngập đến gần 5 mét. Huyện Hương Khê đã tổ chức lực lượng “4 tại chỗ” để phòng chống lũ và đã di dời gần 4.000 hộ, tương đương với khoảng trên 15 nghìn người về nơi tránh trú an toàn. Mấy ngày nay huyện đang tập trung ráo riết cho công tác cứu trợ; 6 xuồng liên tục chở mì tôm, nước uống cứu trợ nhân dân, tuyệt đối không để dân thiếu đói, thiếu rét...

Đến sáng 5-10, nước lũ ở Hương Khê vẫn chưa có dấu hiệu rút. Toàn huyện vẫn chìm trong đục ngầu nước lũ. Hàng ngàn hộ dân đang khổ sở chống chọi với lũ.

Cuộc sống của nhiều hộ dân vùng lũ trong những ngày tới sẽ gặp không ít khó khăn. Song, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền các cấp, các ngành chức năng, tin rằng người dân vùng lũ sẽ sớm vượt qua khó khăn để ổn định lại cuộc sống.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách dự phòng 1 tỷ đồng và 10 tấn mì ăn liền hỗ trợ các gia đình vùng lũ đảm bảo lương thực trong vòng 1 tuần; đồng thời chỉ đạo các ngành y tế, giáo dục, điện lực... có nhiệm vụ nắm bắt tình hình và có giải pháp khắc hậu quả sau khi nước rút.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast