Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN

(Baohatinh.vn) - Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) thực sự là động lực phát triển của đất nước, sáng nay (17/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017.

Tham dự hội nghị có khoảng 2.000 đại biểu tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) và đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

chinh phu kien tao moi truong kinh doanh minh bach thuan loi cho dn

Ảnh: VGP

Hoài bão của tiền nhân là cảm hứng cho doanh nhân…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”, chí sĩ Lương Văn Can “Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp, phát triển.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tuy đã làm được nhiều việc, nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của DN. Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất những giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Gỡ khó nhiều, tồn tại không ít

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 (Nghị quyết 35) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc báo cáo về tác động của Nghị quyết 35 đối với cộng đồng DN…

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, 5 nhóm giải pháp chính được đưa ra tại Nghị quyết 35 đã góp phần thực hiện mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Các hành động của bộ máy quản lý được thể hiện bằng 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, giúp đơn giản hóa 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%).

chinh phu kien tao moi truong kinh doanh minh bach thuan loi cho dn

Ảnh: VNE

Kể từ hội nghị Thủ tướng gặp DN tháng 4/2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng DN đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời... (đạt tỷ lệ 77%); số DN thành lập mới đạt mức kỷ lục, 110.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay, tăng 16,2% so với năm 2015.

Dù phần lớn kiến nghị của DN được các bộ, ngành ghi nhận, tháo gỡ, song thực tế vẫn còn nhiều nút thắt thể chế, môi trường kinh doanh vẫn là nỗi ám ảnh với họ.

Dẫn lại kết quả nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, VCCI cho hay, khoảng 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận phải trả các khoản phí không chính thức để hỗ trợ các thủ tục hành chính. Nghĩa là trung bình cứ 3 DN được hỏi thì có 2 DN xác nhận trả “phí bôi trơn”.

Những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất, trong khi sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trên phạm vi địa phương chưa thực sự hiệu quả, cũng là những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

chinh phu kien tao moi truong kinh doanh minh bach thuan loi cho dn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng và Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn nhắc đến vấn đề chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra của ngành thanh tra và ngành kiểm toán như một ví dụ về tồn tại trong sửa đổi thủ tục hành chính. Có DN phản ánh, năm 2016 đã phải tiếp đến 9 đoàn thanh tra, kiểm tra, hay một số cuộc thanh tra còn kéo dài, khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, chất lượng còn chưa cao.

16 ý kiến đối thoại

Hội nghị đã ghi nhận 16 ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các DN, hiệp hội trong và ngoài nước. Các ý kiến tập trung vào các nội dung chính như: Chi phí của DN, cách tận dụng làn sóng FDI, các giải pháp làm tăng tính cạnh tranh của DN Việt, phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ cho các DN chăn nuôi…

chinh phu kien tao moi truong kinh doanh minh bach thuan loi cho dn

Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Zing

Chi phí DN thời gian qua đã giảm nhiều, tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như: cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức…

Để phát triển kinh tế tư nhân, một số ý kiến đề xuất Chính phủ sớm có những nghị định, văn bản để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khoá XII), tạo điều kiện hỗ trợ các DN thuộc khối kinh tế tư nhân hoạt động, phát triển bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ, hỗ trợ lãi suất, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Ngay sau phần phát biểu của DN, các bộ, ngành liên quan đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cộng đồng DN.

“Năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”...

Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

chinh phu kien tao moi truong kinh doanh minh bach thuan loi cho dn

Ảnh: Zing

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản mà DN đang gặp phải. Trước hết, về thể chế chính sách (còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định, quy định chưa sát thực tế); vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà, dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà…; và nhấn mạnh trách nhiệm của bí thư, chủ tịch địa phương, bộ trưởng, trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.

Với tinh thần trao cơ hội, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho DN để “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”, – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast