Ngân hàng đua nhau hạ lãi suất huy động

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khẳng định không phải ai cũng vay được vốn, trong khi các doanh nghiệp khác không dám vay do sợ lãi suất (LS) lại “nhảy múa”.

Ba ngày, hai đợt giảm LS

Ngày 21-2, Eximbank tiếp tục hạ LS huy động thêm lần nữa, đưa LS kỳ hạn 1 tháng xuống mức 6,5%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng LS giảm 0,2%/năm, còn lần lượt 6,6%/năm và 6,8%/năm. Đây là đợt giảm LS thứ hai của Eximbank sau đợt cắt giảm đầu tiên trước đó ba ngày.

Giao dịch tại Ngân hàng ACB
Giao dịch tại Ngân hàng ACB

Trong tuần qua, Sacombank cũng thực hiện hai đợt giảm LS huy động, trong đó đợt hai giảm thêm 0,1%/năm cho các kỳ hạn. Cụ thể, đối với tiền gửi trên 50 triệu đồng, LS kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6,5%/năm, 2 tháng còn 6,6%/năm. Đối với khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn 2 tháng cũng chỉ còn 6,1%/năm.

Techcombank cũng giảm LS kỳ hạn 1 tháng lãnh lãi cuối kỳ còn 6,55%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng LS lần lượt là 6,64%/năm và 6,84%/năm. Theo biểu LS mới tại NH Đông Á, LS các kỳ hạn dưới sáu tháng ở mức 6,7-6,9%/năm. Từ 6-11 tháng LS đồng loạt bằng 7,1%/năm. Kỳ hạn 12 tháng LS là 8%/năm.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết NH đã giảm LS huy động các kỳ hạn dưới sáu tháng với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm. Theo ông Đặng, có nhiều lý do để giảm LS huy động, đó là thanh khoản của các NH dồi dào, LS huy động đang cao hơn LS cho vay vì hiện nay LS cho vay doanh nghiệp chỉ từ 7-10%/năm.

Nhiều NH khác cũng thừa nhận đau đầu với tình trạng “thừa tiền”. Để giải quyết tạm thời đầu ra, nhiều NH phải mua trái phiếu Chính phủ dù LS trái phiếu đã ở mức rất thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết trong tháng 1-2014, cho vay của các NH trên địa bàn đạt 949.000 tỉ đồng, giảm 0,41% so với cuối năm 2013. “Sau tết, thanh khoản của các NH dồi dào trong khi đầu ra lại hạn chế, các NH phải giảm LS huy động để giảm chi phí” - ông Minh nói.

Ngân hàng sợ nợ xấu mới

Dù thừa vốn, nhưng có một thực tế là NH cũng rất thận trọng khi xét duyệt cho vay nhằm tránh phát sinh thêm nợ xấu mới. Ông Nguyễn Hữu Phúc, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Como, cho biết dù LS cho vay đã giảm nhưng không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ nào cũng có thể tiếp cận được.

“Để được vay gần 2 tỉ đồng, ngoài phương án kinh doanh khả thi, chúng tôi cũng phải thế chấp lại chính các máy móc, thiết bị vừa mua. Nếu không có đủ hai điều kiện này thì dù “nhân thân” doanh nghiệp có tốt đến đâu cũng khó vay được” - ông Phúc nói.

Ông Trần Việt Anh, tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cho rằng LS bao nhiêu không phải là vấn đề chính, quan trọng là doanh nghiệp có tìm thấy cơ hội làm ăn và đảm bảo khả năng trả lãi cho NH. Theo ông, chỉ doanh nghiệp nào thật sự làm ăn có hiệu quả, có nơi tiêu thụ ổn định mới nghĩ tới việc đi vay NH.

“NH hoàn toàn không sai khi phải thẩm định thật kỹ các dự án vay vốn. Nhưng nếu vẫn nhìn doanh nghiệp một cách khắt khe và không tìm ra được một cơ chế phù hợp nhằm tạo điều kiện thật sự cho những doanh nghiệp cần vốn để tái tạo sản xuất, mở rộng thị trường thì vốn vẫn sẽ nằm lại NH chứ không thể đến tay doanh nghiệp được” - ông Việt Anh nói.

Ông L.M.C. - phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty QH, chuyên doanh trong lĩnh vực kính xây dựng - nói khó khăn nhất là NH yêu cầu doanh nghiệp phải có lời thì mới được xem xét hồ sơ.

“Ba năm gần đây, doanh nghiệp nào chưa phải... đóng cửa đã thành công rồi, yêu cầu phải có lời chẳng khác gì bắt chẹt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ông nói.

Ông Hồng Việt Tiến, chủ cơ sở doanh nghiệp tư nhân giày dép Việt Tiến, nói: “Không nghĩ tới chuyện vay vốn NH vì đầu ra khó quá, sợ tiền làm ra không đủ trả lãi vay”.

Theo ông Tiến, nhiều bạn hàng của ông cũng chẳng ai dám nghĩ đến việc đi vay NH bởi “sợ lỡ vay được rồi, sau đó NH... buồn buồn lại tăng LS thì càng khổ”.

Theo Tuoitre

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast