Nghề giúp việc... "lên đời"!

(Baohatinh.vn) - Nghề giúp việc gia đình phát triển mạnh là một xu hướng phân công lao động tất yếu trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, sau khi Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình có hiệu lực từ 25/5/2014, thì nghề “ô sin” một bước “lên đời” khi được công nhận là nghề chuyên nghiệp.

Không còn thân phận “kẻ ở”

Vợ chồng là công chức nhà nước, lại không có người thân ở gần nên sau khi sinh con, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (Thạch Châu - Lộc Hà) phải thuê người giúp việc. Chị Hạnh chia sẻ: “Vợ chồng tôi sợ nhất mỗi lần bà giúp việc bị ốm hay xin nghỉ vài hôm. Mọi chuyện trong nhà rối như tơ vò. Để giữ chân người làm, tôi đã “chiều” họ có khi còn hơn cả người nhà”.

Nghề giúp việc... "lên đời"! ảnh 1

Suốt 15 năm giúp việc trong gia đình chị Hải, bà Mận đã trở thành một “quản gia” tận tâm.

Cũng như chị Hạnh, nhiều gia đình hiện nay không thể thiếu người giúp việc. Khi bận rộn với công việc xã hội, có người giúp họ chăm sóc người thân, làm việc nhà, phần nào giảm áp lực cuộc sống. Nếu gặp được người giúp việc ưng ý thì nhiều chủ nhà đối đãi hết mực chu đáo; tình cảm giữa người làm và chủ nhà cũng thân tình.

Bà Lê Thị Mận (52 tuổi, Thạch Đỉnh, Thạch Hà) đến với nghề giúp việc gia đình cũng khá bất ngờ. Năm 1997, trong một lần đến giúp nhà bà con làm mâm cỗ đám cưới, thấy bà cẩn thận, chăm chỉ lại hiền lành nên có lời mời ở lại giúp họ việc nhà. Bản thân bà Mận sức khỏe không được tốt, độc thân, ở quê quanh năm túng bấn. Hơn nữa, cũng muốn có ít vốn tích cóp phòng khi “trái gió, trở trời” lúc về già nên bà đã đồng ý.

Bà tâm sự: “Nghề này làm những việc không tên, tưởng dễ dàng nhưng để trụ với nghề thì không đơn giản. Nghề đòi hỏi sự cẩn thận, sạch sẽ nhưng hơn hết là phải thật thà. Không ít người thấy tiền bạc mà nổi lòng tham, tạo định kiến không tốt về những người làm nghề như chúng tôi”.

Ròng rã hơn 15 năm, bà Mận chỉ giúp việc cho gia đình chị Lê Thị Hải (TP Hà Tĩnh). Dường như, trong gia đình này không hề có khái niệm “người ăn, kẻ ở” mà thay vào đó là một bà “quản gia” rất mực chu toàn, chăm lo cho mỗi thành viên trong gia đình.

Chị Lê Thị Hải chia sẻ: “Con trai đầu của tôi bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm bà Mận giúp tôi các công việc gia đình. Mình quan tâm, coi họ như người nhà thì bù lại họ sẽ dốc sức chăm lo. Nhiều khi con cái quấn bà hơn quấn mẹ nên tôi rất yên tâm”.

Cơ hội chuyên nghiệp hóa

Trong cuộc sống tất bật, con người không có nhiều thời gian dành cho việc nhà. Do vậy, thị trường nghề giúp việc gia đình ngày càng sôi động. Những năm trở lại đây, số lượng phụ nữ nông thôn làm nghề giúp việc gia đình tăng nhanh, góp phần giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định. Mặc dù vậy, nhiều trường hợp, người làm nghề này bị trả lương không tương xứng với sức lao động. Bản thân người giúp việc cũng tự ti về nghề nên thường chọn nơi xa nhà. Ngược lại, cũng do nhận thức lệch lạc, không ít người giúp việc lợi dụng sự phụ thuộc của nhà chủ vào mình nên “làm cao”, đưa ra những đòi hỏi vô lý...

Trước nhu cầu lớn của thị trường cũng như đòi hỏi sự bài bản, chuyên nghiệp từ chính người lao động, từ năm 2010, Hội LHPN Hà Tĩnh đã tổ chức hơn 20 lớp dạy nghề giúp việc gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, tại một số địa phương, các nhóm giúp việc gia đình đã được đào tạo là điểm đến tin cậy của nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng lao động. Chị Nguyễn Thị Thao (Tổ trưởng tổ giúp việc Thịnh Lộc - Lộc Hà) chia sẻ: “Sau khóa đào tạo, chúng tôi được trang bị những kỹ năng cần thiết. Sự tin tưởng của chủ nhà là động lực rất lớn để chúng tôi gắn bó với nghề. Hiện, nhóm giúp việc của tôi gồm 4 người làm theo giờ, ngày; trung bình mỗi tháng, chị em thu nhập 3,5-4 triệu đồng”.

Bà Lê Thị Thanh Tình - Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh (nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Phụ nữ) cho biết: “Nắm bắt nhu cầu thị trường và nguyện vọng của chị em, Hội LHPN đã triển khai đào tạo các kỹ năng giúp việc chung như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, sử dụng các thiết bị hiện đại, chăm sóc trẻ em, người già… và đặc biệt quan tâm đến kỹ năng giao tiếp. Đồng thời hướng dẫn chị em thảo hợp đồng làm việc và hỗ trợ việc quản lý nhóm, tổ hiệu quả”.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nghề giúp việc gia đình. Đây là cơ sở pháp lý để thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, từng bước tiến tới tạo sự bình đẳng trong mối quan hệ khá nhạy cảm này. Ông Nguyễn Tiến Anh – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Dự kiến, đến đầu năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn thiện đề án về đào tạo và phát triển nghề giúp việc gia đình. Theo đó, sẽ xây dựng khung đào tạo hợp lý, lựa chọn đội ngũ giáo viên có chất lượng cũng như liên hệ đầu ra sau đào tạo. Đặc biệt, bám sát Nghị định 27 của Chính phủ, hội sẽ trang bị kỹ hơn cho người lao động về quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp khi tham gia vào môi trường làm việc có quy chuẩn này”.

Nghị định 27/2014/NĐ-CP nêu rõ: Khi có nhu cầu sử dụng người giúp việc: giữa người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng ghi rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc, trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động…; được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết; được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tự mua bảo hiểm…; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi được quy định ít nhất 8 tiếng/ngày.

Ngoài ra, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast