Chống lạm phát: “Bao nhiêu phần trăm không quan trọng”

Những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay đã từng được áp dụng hồi cuối 2008.

Và kết quả đạt được như thế nào chắc đến nay nhiều người vẫn chưa thể quên. Chính vì vậy, trong con mắt nhiều chuyên gia, “vũ khí” chống lạm phát hiện nay hoàn toàn không có gì mới so với 3 năm về trước. Mong chờ từ họ, chính là cách thức thực hiện làm sao để có được kết quả tích cực hơn, và ý nghĩa hơn là tạo được niềm tin trong dân chúng.

Về những vấn đề xoay quanh câu chuyện chống lạm phát năm nay, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: nếu chỉ đưa ra một vài con số rồi bằng mọi cách để đạt được mà quên mất tính ổn định, kiên trì, thì rốt cục vẫn sẽ là con số không tròn trĩnh.

TS. Nguyễn Đình Cung.
TS. Nguyễn Đình Cung.

Ông Cung nói: Hiện nay chúng ta đang phát triển kinh tế thiên về mô hình tăng trưởng, trong lúc đó cách điều hành lại không đồng nhất. Tăng trưởng lại dựa vào đầu tư, trong khi năng suất, hiệu quả thấp mà cứ tiếp tục bơm tiền, chi mạnh cho đầu tư thì tiền cứ “ứ” ra đấy, gây nên lạm phát trong thời gian qua. Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11 với hàng loạt giải pháp thắt chặt đầu tư, kiềm chết lạm phát. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, những giải pháp này đã được thực hiện hồi quý 2-3/2008, tức là giải pháp này không có gì là mới, và hiệu quả như thế nào thì ai cũng đã biết. Để kiềm chế lạm phát, tôi cho rằng thắt chặt tài khóa, giảm bội chi ngân sách là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhưng tôi cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô mới là ưu tiên hàng đầu. Do đó, những giải pháp đưa ra cần phải được thực hiện quyết liệt để làm sao, các chỉ tiêu giảm ở một quy mô nhất định, đủ để tạo ra một niềm tin trong dân chúng, với nghĩa là họ tin rằng, từ đây trở đi sẽ có một thay đổi căn bản so với trước, chứ không chỉ là giảm bội chi ngân sách, giảm lạm phát từ 7% xuống 6%, hay 5%...

Nhưng hiện nay, Chính phủ cũng không thể tìm ra được “vũ khí” nào lợi hại hơn so với những giải pháp đã thực hiện hổi năm 2008?

Đúng vậy, giải pháp tổng thể thì cũng chỉ có thế thôi. Do đó, quan trọng là thực hiện như thế nào. Chúng ta phải tính chuyện ổn định vững chắc lâu dài, không chỉ là 6 tháng, hay một năm như năm 2010 vừa qua.

Trong bối cảnh này thì Nghị quyết 11 là tất yếu, không có lựa chọn khác, nhưng tinh thần của nó không chỉ là ngắn hạn. Nên nhớ, những cân đối kinh tế vĩ mô cần phải luôn luôn giữ ổn định trong một thời gian dài mới là điều kiện cho tăng trưởng bền vững.

Có ý kiến cho rằng, cứ lạm phát là chúng ta lại tính chuyện giảm bội chi nhưng thực tế thì mỗi năm cũng chỉ giảm được 0,5 điểm %. Do vậy năm nay thay vì giảm chi ngân sách, chúng ta nên tăng thu để bù lại và sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng?

Tôi không đồng tình với quan điểm này. Có một số ý kiến cũng đã nói với tôi như vậy. Theo tôi, chủ trương vẫn nên là thắt chặt, giảm bội chi ngân sách bằng cách giảm chi chứ không phải tăng thu, bởi hiện nay tỷ lệ thu của chúng ta hiện nay đã ở mức rất cao so với mức độ phát triển của nền kinh tế. Do đó, giảm bội chi ngân sách, đầu tư công đồng thời với đó là tăng hiệu quả.

Đây là bước khởi đầu, vừa là cốt lõi của quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Nếu không có khởi đầu này thì sẽ khó mà thực hiện được những bước tiếp theo.

Với kinh nghiệm của mình, ông có cho rằng, lạm phát hiện nay có nguồn gốc từ mất cân đối cơ cấu trong nền kinh tế khi mà các tập đoàn, tổng công ty vẫn luôn có “bầu sữa” là ngân sách Nhà nước?

Đúng là lạm phát hiện nay có liên quan từ mô hình tăng trưởng mất cân đối cơ cấu kinh tế. Hiện nay, do lợi nhuận thấp, tích lũy nội bộ không nhiều, cổ phần hóa chậm trễ nên nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chủ yếu là từ hệ thống ngân hàng.

Thế nhưng, một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty cho rằng tăng trưởng của họ không từ vốn ngân sách mà là tư vốn ngân hàng. Theo tôi, nếu lấy nguồn vốn từ ngân hàng thì càng phải giám sát chặt vì hiệu quả của lực lượng này đang có vấn đề, nếu càng rót vốn, dù là qua ngân hàng thì càng làm mất cân đối kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, qua quan sát tôi thấy trong 3 tháng qua, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã phải oằn mình chống chọi với lạm phát cao với vô vàn những hệ quả của nó. Trong bối cảnh đó, tôi thấy động thái chủ đạo vẫn là sản xuất cầm chừng, chịu mức lợi nhuận cầm chừng, thấp hơn kỳ vọng.

Vậy theo ông, lạm phát năm nay sẽ ở mức bao nhiêu?

Bao nhiêu phần trăm không quan trọng, bằng việc những chính sách, biện pháp hợp lý được thực hiện với một quy mô nhất định, rõ ràng, nhất quán, để bắn tín hiệu ra thị trường. Nếu bây giờ tuyên bố 7%, có thể người dân sẽ không tin bằng việc có một giải pháp hợp lý theo đánh giá của thị trường, chứ không phải theo đánh giá của cơ quan quản lý.

Cắt giảm bội chi ngân sách phải ở một mức nào đó đủ để tác động đến thị trường, đủ tác động đến niềm tin thì người ta sẽ có một thay đổi căn bản so với trước. Còn nếu chỉ cắt giảm bội chi 0,5% thì mọi năm vẫn thực hiện rồi. Năm nay cần phải cắt giảm đến vài điểm phần trăm.

Tôi muốn nhấn mạnh là làm sao năm nay phải có sự khác biệt.

Theo VnEconomy.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast