Từng bước nâng cao vị thế của đội ngũ trí thức

Cùng với việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các đề tài, giải pháp KHKT vào sản xuất, đội ngũ trí thức Hà Tĩnh đã xông xáo xâm nhập thực tiễn đời sống hàng ngày để nghiên cứu, lý giải những vấn đề liên quan, giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương...

Xác định việc vận động, tập hợp trí thức là nhiệm vụ trọng tâm, năm qua Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã triển khai nhiều hoạt động tập hợp trí thức để thực hiện các nhiệm vụ Tư vấn, phản biện; ứng dụng chuyển giao công nghệ; tham gia đóng góp vào các chủ trương, chính sách, các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức của tỉnh ngày càng được nâng cao. Đến năm 2012, đội ngũ trí thức Hà Tĩnh đã có 26.827 người có trình độ đại học, 576 thạc sỹ, 31 tiến sỹ, 4 giáo sư, phó giáo sư, đây là nguồn lực hết sức quan trọng và quý giá của tỉnh. Trí thức có mặt hầu hết trong các lĩnh vực, đảm trách những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp.

Điều đáng ghi nhận, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật của Liên hiệp Hội trong thời gian qua không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực. Bản tin “Khoa học và Cuộc sống”, Website http://www.lienket4nha.vn được duy trì thường xuyên với những nội dung phong phú, chất lượng. Bản tin Khoa học công nghệ với nông nghiệp nông thôn mỗi tháng một số gửi miễn phí đến các ngành, các huyện và 262 xã, phường, thị trấn đã kịp thời đưa thông tin về cơ sở, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thực tiễn sản xuất, đời sống của bà con nông dân, được bạn đọc đánh giá tốt. Các hội thành viên phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng phóng sự, tin, bài để tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương, giới thiệu các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng các loại cây, con; tổ chức 20 lớp tập huấn cho bà con nông dân xã Kỳ Nam, Kỳ Bắc huyện Kỳ Anh, xã Thạch Văn huyện Thạch Hà về kỹ thuật trồng rừng ngập mặn, kỹ thuật chăn nuôi, cải tạo đất hoang mạc hoá. Liên hiệp Hội các huyện: Đức Thọ, Thạch Hà, Hương Sơn phối hợp biên soạn và xuất bản Bản tin của huyện. Bản tin Luật gia Hà Tĩnh của Hội Luật gia gửi đến 262 xã, phường, thi trấn, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đông đảo nhân dân.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên chức, quần chúng nhân dân lao động được đẩy mạnh. Ban Tổ chức Hội thi, Cuộc thi của tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã tích cực chỉ đạo, tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng khá sâu rộng, tạo được phong trào thi đua lao động sáng tạo trong công nhân viên chức, lao động, các tầng lớp nhân dân với gần 1000 đề tài, giải pháp tham gia. Ban Tổ chức lựa chọn 95 giải pháp dự thi chung khảo cấp tỉnh, đã trao giải cho 40 giải pháp và chọn một số giải pháp dự thi toàn quốc, trong đó có 08 giải pháp đạt giải (02 giải Nhì, 02 giải Ba và 04 giải khuyến khích). Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phong trào tổ chức Hội thi.

Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ, phẩm chất đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của địa phương
Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ, phẩm chất đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của địa phương

Năm 2012, Liên hiệp Hội tiếp tục thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng ứng dụng giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn tại xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ, đã triển khai thực hiện mô hình trồng, quản lý rừng ngập mặn tại xã Kỳ Nam đạt kết quả tốt. Triển khai dự án nuôi Kỳ Nhông trên cát cho bà con xã Thạch Văn huyện Thạch Hà do Đại sứ quán Úc tài trợ, bước đầu đã đạt được kết quả đáng phấn khởi. Chương trình tư vấn, phản biện “Giám định tác động của chính sách giao, khoán rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý bảo vệ theo Nghị định số 23/2006/NĐ - CP ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh” cũng được triển khai cùng với các dự án trên đã giúp cho người dân và chính quyền địa phương thấy rõ được những hạn chế, thiếu sót, nâng cao được vai trò trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó cũng đã đề xuất được những chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực, giúp cho UBND tỉnh, UBND huyện Kỳ anh và các ngành chức năng thực hiện tốt hơn công tác giao, khoán rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý bảo vệ theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, hưởng ứng phong trào đỡ đầu các đia phương xây dựng Nông thôn mới, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã nhận đỡ đầu xã Kỳ Bắc ( Kỳ Anh) với những cách làm thiết thực như: giúp chính quyền và nhân dân địa phương nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá tại các khu dân cư. Hỗ trợ các thôn trong xã Báo Khoa học và Đời sống, bản tin Khoa học với nhà nông. Triển khai đề tài chăn nuôi cho các hộ dân trong xã với kinh phí gần 300 triệu đồng.

Đánh giá về những kết quả hoạt động của Liên hiệp hội trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Thiều – Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT cho rằng, tuy còn một số thiếu sót, hạn chế trên một số mặt công tác, nhưng đánh giá một cách khách quan, toàn diện, hoạt động của Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức trong năm 2012 có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, có những mặt nổi trội; vai trò, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được nâng cao, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ghi nhận, đánh giá là đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu các Liên hiệp Hội trong cả nước. Tổng kết hoạt động năm 2012, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh đã có 01 tập thể và 10 cá nhân được Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tặng Bằng khen, 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast