Hàng hải Hà Tĩnh - Vươn mình ra biển lớn…

Nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý hoạt động hàng hải ngay khi chuẩn bị đưa cảng Vũng Áng vào khai thác, ngày 13/12/2000, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định thành lập Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh. Trải qua một thập kỷ hình thành và phát triển, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh luôn là cánh tay đắc lực của ngành kinh tế hàng hải tỉnh nhà, là chỗ dựa vững chắc cho các chuyến tàu cập bến, ra khơi an toàn.

Tháng 3 năm 2001, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vỡ òa trong niềm vui lớn khi chào đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng Vũng Áng. “Nhớ buổi ban đầu lưu luyến ấy”, mỗi một cán bộ, công nhân viên ngành Hàng hải Hà Tĩnh hôm nay không khỏi xúc động khi biết, ở thời điểm đó, Cảng vụ chỉ vẻn vẹn 3 cán bộ được điều chuyển từ Công ty Vận tải biển và Thương mại Hà Tĩnh sang nên kinh nghiệm không nhiều, văn phòng làm việc phải đi thuê, còn cơ sở vật chất hầu như không có gì. Vậy nhưng, chỉ trong năm đầu tiên đưa vào khai thác, bến số 1 đã đón 148 lượt tàu với xấp xỉ 40 ngàn tấn hàng hóa thông qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự tham quan tàu World Trader (quốc tịch Panama) nhân dịp tàu vào vận chuyển hàng tại cảng Vũng Áng
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự tham quan tàu World Trader (quốc tịch Panama) nhân dịp tàu vào vận chuyển hàng tại cảng Vũng Áng

Từ một đốm nhỏ, cảng Vũng Áng đã nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng trên bản đồ hàng hải thế giới bằng những lợi thế của riêng mình, đó là một trong những hải cảng có độ sâu tự nhiên tốt nhất Việt Nam, được che chắn bởi những dãy núi vươn dài ra biển. Quan trọng hơn, cảng Vũng Áng có một vị trí rất thuận lợi trong mạng lưới giao thông đường bộ với nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo bằng tuyến QL8A và QL12. Về giao thông hàng hải, cảng Vũng Áng rất gần các tuyến đường chính từ Bắc Á đi Nam Á hay từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương. Một lợi thế không hải cảng nào có được chính là khoảng cách từ bến ra Phao số 0 chỉ hơn 1 hải lý, độ sâu luồng tàu luôn ổn định, vùng quay trở rộng nên giảm thiểu tối đa chi phí cho cả chủ tàu lẫn chủ hàng.

Phát huy lợi thế riêng có mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Vũng Áng, 10 năm qua, với vai trò là cơ quan chủ trì, điều hành phối hợp hoạt động giữa các đơn vị quản lý Nhà nước tại cảng, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã tập trung cải cách hành chính, qua đó, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuống còn 30 phút/lượt đối với tàu nội địa và 40 phút/lượt đối với tàu xuất nhập cảnh. Theo nhiệm vụ của từng cơ quan, công tác kiểm tra tàu được tiến hành độc lập nhưng đều thống nhất quan điểm: không gây phiền hà cho chủ tàu cũng như cản trở hoạt động SX - KD của chủ hàng.

Xác định công tác pháp chế, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt quá trình hoạt động, 10 năm qua, Cảng vụ đã chủ động tham mưu để chính quyền các cấp ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật quan trọng và nhiều chương trình phát triển kinh tế hàng hải như: bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, các Nghị định quản lý cảng biển và luồng hàng hải, chiến lược biển Việt Nam đến 2020. Trên cơ sở quy định pháp luật và tình hình thực tế tại khu vực, Cảng vụ đã ban hành nội quy cảng biển khu vực Hà Tĩnh, đồng thời xây dựng chương trình thử nghiệm cho tàu có trọng tải đến 45 ngàn tấn cập và rời cảng vào ban đêm (từ năm 2009), qua đó, tạo cơ chế thông thoáng cho các đơn vị vận tải lẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bao hơi nguyên khối nặng 320 tấn của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là mã hàng siêu trường, siêu trọng đầu tiên được xếp dỡ thành công tại cảng Vũng Áng vào ngày 21/10 vừa qua
Bao hơi nguyên khối nặng 320 tấn của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là mã hàng siêu trường, siêu trọng đầu tiên được xếp dỡ thành công tại cảng Vũng Áng vào ngày 21/10 vừa qua

Cùng với tham mưu xây dựng chính sách, Cảng vụ đã chú trọng tuyên truyền pháp luật hàng hải cho cán bộ, chủ tàu, bà con ngư dân trong khu vực; tiến hành ký cam kết không đóng đăng đáy đánh bắt thủy, hải sản ảnh hưởng đến an toàn luồng lạch khu vực cảng Xuân Hải (Nghi Xuân). Để đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Cảng vụ luôn yêu cầu chủ tàu phải trang bị các thiết bị bảo đảm hàng hải khi tàu hoạt động trên biển, đồng thời khắc phục các khiếm khuyết trước khi tàu rời bến.

Nằm trong khu vực luôn bị thiên tai, bão lụt hoành hành, từ khi thành lập đến nay, Cảng vụ luôn chú trọng công tác PCLB – TKCN. Hàng năm, ngoài xây dựng các phương án đối phó, đơn vị đã chủ động diễn tập các tình huống, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như: Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển, Công ty CP Cảng… nắm chắc tình hình để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng của các thuyền viên cũng như cơ sở hạ tầng khu vực cảng.

Ấn tượng hơn cả trong chuỗi hoạt động 10 năm qua của ngành hàng hải Hà Tĩnh không chỉ ở số hàng thông qua cảng có lúc vượt 2,5 lần công suất thiết kế (đạt trên 1 triệu tấn/năm) mà còn ở chỗ cảng Vũng Áng đã đón, tiễn thành công tàu Glorious Peony (quốc tịch Panama) - con tàu lớn nhất từ trước đến nay (trọng tải xấp xỉ 50 ngàn tấn, chiều dài tàu gần 200m, chiều rộng 32,3m, chiều cao 22,75m, mớn nước 11,52m) và xếp dỡ thành công khối hàng siêu trường, siêu trọng gồm các thiết bị của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có tổng trọng lượng 1.300 tấn, trong đó riêng 1 bao hơi nguyên khối có kích thước dài 32 m, đường kính rộng 2,9 m, khối lượng lên đến 320 tấn.

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hàng hải, Cảng vụ còn được giao quản lý cơ sở hạ tầng cảng Vũng Áng. Theo đó, ngoài xây dựng cơ chế cho thuê hạ tầng, đơn vị còn tham mưu quy hoạch, đầu tư nâng cấp bến số 1 (từ chỗ chỉ tiếp nhận tàu có trọng tải tối đa 15 ngàn tấn lên 45 ngàn tấn như hiện nay). Năm 2005, Cảng vụ đã tham mưu để UBND tỉnh Hà Tĩnh trình Bộ GTVT đầu tư xây dựng bến số 2. Tháng 6/2010 vừa qua, bến số 2 chính thức đi vào hoạt động với khả năng tiếp nhận cỡ tàu 45 vạn tấn và có năng lực thông qua 860 ngàn tấn hàng hóa/năm. Nếu gộp với công suất thiết kế của bến số 1 (460 ngàn tấn/năm) thì tổng hàng hóa thông qua của Cảng Vũng Áng hiện nay đã đạt 1,32 triệu tấn/năm.

10 năm là quãng thời gian ngắn ngủi đối với sự hình thành một ngành kinh tế còn khá mới mẻ này, nhưng ẩn trong đó là những kỷ niệm vui buồn xen lẫn niềm tự hào trước sự lớn mạnh của hệ thống cảng biển Hà Tĩnh, sự trưởng thành của đội ngũ làm công tác quản lý hàng hải. Những nỗ lực của Cảng vụ trong thập kỷ qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH trên địa bàn. Tính chung, trong 10 năm đó, hai cảng Vũng Áng và Xuân Hải đã đón hơn 5 ngàn lượt tàu các loại, trong đó, hơn 150 lượt tàu có trọng tải trên 30 ngàn DWT với khối lượng hàng hóa thông qua đạt trên 6 triệu tấn, thu ngân sách trên 40 tỷ đồng và nhất là không để xảy ra một sự cố mất an toàn hàng hải.

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, liên tục trong nhiều năm qua, đơn vị nhiều lần được Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc. Những phần thưởng đó là nguồn cổ vũ tinh thần để cán bộ, viên chức Cảng vụ nỗ lực phấn đấu để vượt qua những thách thức phát triển đang chờ phía trước, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2190/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: “Sơn Dương - Vũng Áng là cụm cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Sơn Dương là khu bến chuyên dùng cho tàu 20 - 30 vạn DWT, có bến tổng hợp cho tàu 3 - 5 vạn DWT phục vụ liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu và công nghiệp nặng khác. Vũng Áng là khu bến tổng hợp cho tàu 3 - 5 vạn DWT, có bến chuyên dùng phục vụ nhập than cho nhiệt điện và sản phẩm lỏng cho tổng kho xăng dầu…”.

Từ một tỉnh thuần nông trong những năm cuối thế kỷ 20, đến nay, Hà Tĩnh đang thẳng tiến trên con đường đi tới một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Đồng hành với sự phát triển đó, mỗi cán bộ, viên chức Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh lại lặng thầm trong nắng dãi mưa dầm cho những chuyến tàu cập bến, ra khơi an toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast