Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

(Baohatinh.vn) - Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, vốn đầu tư xây dựng lớn là nguyên nhân chính khiến hàng trăm hộ sản xuất đồ mộc quy mô lớn ở xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) không “mặn mà” chuyển đến Cụm Công nghiệp (CCN) Thái Yên để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Video: Người dân chia sẻ khó khăn khi chuyển đến CCN Thái Yên

Hộ sản xuất không “mặn mà” đầu tư

Dự án “Đầu tư và khai thác hạ tầng CCN Thái Yên phần mở rộng, gắn với phát triển làng nghề truyền thống và du lịch” do Công ty Cổ phần IDI làm chủ đầu tư (xây dựng năm 2016, hoàn thành tháng 6/2018), có quy mô gần 16 ha với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, được chia làm 3 khu A, B, C.

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Cụm Công nghiệp Thái Yên có quy mô gần 16ha.

Đến thời điểm này, hệ thống đường giao thông, đường điện cao áp, cây xanh… đã phủ kín khuôn viên của cụm. Đặc biệt, hệ thống dẫn thải và xử lý nước thải được đầu tư bài bản đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu bức thiết về hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nghề mộc truyền thống.

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động, CCN Thái Yên mới chỉ có 36 cơ sở đầu tư xây dựng xưởng, kinh doanh.

Theo chủ đầu tư, mục tiêu lâu dài của dự án là góp phần giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống Thái Yên gắn với du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các cơ sở sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, có cơ hội hợp tác với các đơn hàng lớn...

Dù vậy, sau hơn 3 năm hoạt động, CCN Thái Yên mới thu hút được 36 hộ vào đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh.

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Dù rất muốn chuyển CCN, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép nên gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Bình Hà, xã Thanh Bình Thịnh) vẫn phải sản xuất tại nhà.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Bình Hà, xã Thanh Bình Thịnh) cho biết: “Khi CCN Thái Yên được quy hoạch, gia đình tôi và nhiều hộ dân làm nghề khác rất vui mừng, mong muốn chuyển đến đây vào những năm tới để thuận tiện cho việc sản xuất. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ gặp khó, giá cả thấp nên gia đình không đủ kinh phí để dịch chuyển”.

Cũng theo bà Hoa, chưa năm nào thị trường đồ gỗ lại ảm đạm như năm nay. Từ đầu năm đến nay, gia đình chỉ mới bán được 5 bộ bàn ghế và 6 bộ tủ, con số này chỉ bằng 1 tháng thời điểm trước dịch (năm 2019). Với tình hình buôn bán này, gia đình rất khó để chuyển đến CCN, dù rất muốn.

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Làng nghề mộc Thái Yên hiện có gần 1.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mộc, nội thất.

Được biết, làng nghề mộc Thái Yên hiện có gần 1.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mộc, nội thất, trong đó có trên 300 cơ sở sản xuất lớn.

Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh Đoàn Ngọc Hường cho biết: “Tiềm năng để phát triển nghề mộc tại CCN Thái Yên là rất lớn. Xã đã nhiều lần vận động các cơ sở sản xuất lớn chuyển đến CCN để có điều kiện mở rộng kinh doanh, tiếp cận các đầu mối lớn. Tuy nhiên, phần lớn người dân đều “ngại” đầu tư do chi phí tốn kém. Hơn nữa, 2 năm trở lại đây, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến việc kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ gặp khó, nên dù CCN rất "tiềm năng” nhưng người dân vẫn không mặn mà đầu tư”.

Cần “cú hích” gỡ khó cho hộ sản xuất

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Mặt bằng mới tại CCN Thái Yên giúp nhiều cơ sở có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Với hạ tầng hiện đại, CCN Thái Yên thực sự là môi trường đầu tư thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc trên địa bàn xã Thanh Bình Thịnh.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ sản xuất, nếu bây giờ chuyển đến CCN, họ phải bỏ ra số tiền khoảng 700 triệu đồng để mua đất và hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc. Đây là số tiền lớn, nhiều gia đình không dám “mạo hiểm” đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đồ gỗ hiện rất “ì ạch”.

Chi phí đầu tư cao, nguồn vốn không có sẵn nên hầu hết các cơ sở sản xuất đồ gỗ ở xã Thanh Bình Thịnh vẫn chọn phương án an toàn là sản xuất tại nhà.

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Mong muốn lớn nhất của gia đình ông Nguyễn Công Quang (thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh) là được chính quyền các cấp hỗ trợ vốn, lãi suất để mở rộng đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Công Quang (thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh) cho biết: “Mong muốn lớn nhất của gia đình và các cơ sở sản xuất đồ mộc trên địa bàn hiện nay là được sự đồng hành, giúp sức của chính quyền các cấp và CCN về hỗ trợ nguồn vốn, giảm giá mua đất và tìm kiếm, kết nối các thị trường tiềm năng để bà con yên tâm mở rộng sản xuất, nhất là mùa sản xuất hàng tết đang đến gần".

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Dù đến nay hạ tầng của CCN Thái Yên đã được đồng bộ nhưng mới chỉ bán được 94 lô đất.

Trưởng Ban quản lý CCN Thái Yên Phan Công Hoàn cho biết, theo quy hoạch, CCN Thái Yên sẽ đáp ứng được 204 vị trí mặt bằng để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của người dân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm hoạt động, đến nay, CCN mới có 94 hộ mua mặt bằng và trong số đó, mới chỉ có 36 hộ xây dựng nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chính khiến người dân không “mặn mà” đầu tư, mở rộng sản xuất tại CCN Thái Yên là do sản phẩm mộc những năm gần đây khó tiêu thụ, lợi nhuận thấp.

Vì sao Cụm Công nghiệp Thái Yên được xây dựng bài bản vẫn chưa “hút” các hộ sản xuất đồ mộc?

Chi phí đầu tư cao nên hầu hết các cơ sở sản xuất đồ gỗ ở xã Thanh Bình Thịnh vẫn chọn phương án sản xuất tại nhà.

Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh Đoàn Ngọc Hường cho biết: “Đồng hành cùng người dân trong việc phát triển nghề mộc, những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng sản xuất; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho người dân; xúc tiến xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”...

Tuy nhiên, để phát triển bền vững nghề mộc trong tương lai, đảm bảo môi trường trong khu dân cư và góp phần đưa CCN Thái Yên trở thành khu sản xuất tập trung, hiện đại của địa phương, chúng tôi rất mong chính quyền các cấp cùng sở, ngành liên quan có các chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất; nhà đầu tư xem xét giảm giá mặt bằng để tạo “cú hích” giúp người dân mạnh dạn “đầu tư lớn”, chuyển đến sản xuất tại CCN”.

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast