Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

(Baohatinh.vn) - Trong 3 ngày liên tiếp, nồng độ mặn tại cống Trung Lương (TX Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) đã đạt 1,6%o. Kịch bản nắng nóng, hạn hán đã bắt đầu với vụ hè thu 2020 tại Hà Tĩnh…

Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

Cống Trung Lương đã đóng chặt vì nồng độ mặn vượt ngưỡng cho phép

Nồng độ mặn đạt 1,6%o, cống Trung Lương đóng chặt…

Thời điểm này, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh bắt đầu mở nước đợt 2, tưới dưỡng cho lúa hè thu vào giai đoạn đẻ nhánh. Cũng từ ngày 8/6, tại cống Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) - “cửa” ngăn mặn, lấy nước ngọt từ sông La đổ về hệ thống sông Nghèn đã bị mặn xâm thực.

Nồng độ mặn tăng dần và đạt ngưỡng cao nhất từ đầu vụ với 1,6%o, vượt 0,32% so với nồng độ cho phép (1,28%o). Tình thế này bắt buộc cửa cống phải đóng chặt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

Nồng độ mặn cao nhất đạt 1,6‰...

Ông Nguyễn Quốc Lợi - Tổ trưởng Tổ quản lý Cống Trung Lương (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) cho biết: “Nước mặn đã bắt đầu xâm nhập tại cống Trung Lương từ tháng 5 và tăng dần nồng độ. Trong suốt 3 ngày liên tiếp (8 - 11/6), cống Trung Lương đóng chặt vì nồng độ mặn “treo” ở quá ngưỡng cho phép.

Trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, cứ 30 phút chúng tôi phải kiểm tra nước một lần, nồng độ mặn đạt mức 1,2%o thì cống đã phải đóng rồi, nếu không thì không thể kịp ngăn mặn xâm nhập”.

Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

Những ngày nắng nóng, các cán bộ phải túc trực, cứ 30 phút lấy mẫu kiểm tra nồng độ mặn một lần

Cống Trung Lương giữ vị trí then chốt, từ đây dòng nước ngọt tỏa về hơn 10.000 ha tưới trên hệ thống sông Nghèn. Vào cao điểm của lấy nước, cống vừa phải thực hiện chức năng ngăn mặn, nhưng vừa phải đảm bảo giữ nước ngọt đủ cao trình (0,3 - 0,5m) để phục vụ tưới. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang khiến cho công tác giữ cống bị đặt vào tình thế khó khăn. Mặn sẽ còn lên cao, khả năng hạn hán “chực chờ”.

Nỗ lực ép nước về đồng ruộng hè thu…

Theo tuyến kênh từ cống Trung Lương, chúng tôi xuôi về Trạm bơm Hạ Eo, thuộc Tổ bơm Yên Phúc, xã Yên Hồ (Đức Thọ).

Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

Trạm bơm Hạ Eo bơm nước tưới với công suất 800 m3/h/máy

Những ngày qua, hai máy bơm liên tục hoạt động với công suất gần 800m3/h/máy để kịp phục vụ cho bà con nông dân tỉa dặm, bón thúc đẻ nhánh. Dự kiến, đợt tưới mới này sẽ còn kéo dài thêm 8 - 10 ngày nữa mới kết thúc.

Ông Trần Công Khanh - Tổ trưởng Tổ bơm Yên Phúc cho biết: “Nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào cống Trung Lương. Chúng tôi tranh thủ thời gian nước sông La chưa căng hạn và mặn xâm nhập, ép nước về phủ hết diện tích (hơn 260 ha). Tuy nhiên, các đợt nắng liên tục, nhiệt độ cao, nước mặt trên đồng ruộng sẽ tụt rất nhanh, gây khó khăn cho công tác điều tiết, nhất là vùng cao cạn”.

Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

Đồng ruộng thiếu đồng nhất, mực nước tụt giảm nhanh trong thời tiết nắng nóng gây khó khăn cho công tác điều tiết nước sản xuất

Theo kịch bản, trong trường hợp nắng hạn kéo dài, mặn xâm nhập cao thì Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh sẽ có phương án bơm tạo nguồn để đẩy nước về các trạm.

Trên hệ thống kênh Linh Cảm, năm nay được bổ sung nguồn nước từ hồ Ngàn Trươi đổ về, giải quyết nhu cầu cấp bách nhất cho các vùng tưới vào giai đoạn dưỡng lúa. Tuyến kênh chính C-0 ăm ắp nước, đẩy xuôi về vùng lúa rộng lớn của Đức Thọ (trên 6.600 ha).

Mặn xâm nhập cống Trung Lương, Hà Tĩnh tập trung ép nước dưỡng lúa

Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi đổ nước về qua kênh Linh Cảm, giúp vùng tưới chủ động nước hè thu 2020

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh Phan Thị Vân Anh cho biết: “Hiện nay, dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang vẫn trong giai đoạn thi công đoạn qua kênh chính Linh Cảm. Từ đầu vụ, công ty đã phối hợp với BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh và Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 lên kịch bản điều tiết, vừa đảm bảo tiến độ thi công vừa phục vụ nước tưới cho trên 26.000 ha vụ hè thu 2020 an toàn, chủ động”.

Theo dự kiến, sau khi dự án hoàn thành, vùng tưới của công ty sẽ được mở rộng và chủ động hơn trong công tác điều tiết nước thủy lợi, nhất là vào mùa khô hạn hè thu.

Trong khi đó, vùng xa kênh tưới, các điểm thuộc vùng tưới của địa phương lại vất vả khi nguồn nước chưa thể đủ để chống chọi với thời tiết khắc nghiệp. Nhiều nơi, mặt ruộng đã bắt đầu khô cạn. Nắng nóng tiêp tục duy trì sẽ dự cảm cho đợt hạn đầu tiên trong vụ hè thu 2020.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast