Tháo rào cản cho y tế ngoài công lập

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có 171 cơ sở y tế ngoài công lập (còn gọi là y tế tư nhân). Thời gian qua, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hệ thống y tế này đã có đóng góp nhất định đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản cần tháo gỡ cho y tế ngoài công lập.

Nhiều… rào cản

Có thể nói, trong một thời gian khá dài, hệ thống y tế ngoài công lập tại Hà Tĩnh được đối xử như “đứa con rơi’. Hầu hết các phòng khám đều gặp rất nhiều khó khăn trong làm thủ tục hành chính; thiếu sự hướng dẫn, hỗ trợ. Cũng chính vì thế nên không ít phòng khám ngoài công lập hoạt động đối phó với ngành chức năng.

Bác sỹ Đặng Huy Hoàng - chủ phòng khám Hồng Hà tại TX Hồng Lĩnh chia sẻ: “Cùng chung nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng trong khi chúng tôi phải tự bỏ hoàn toàn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị thì lại không được cập nhật các văn bản pháp quy, nhất là đối với các yêu cầu về đào tạo. Các hội nghị, hội thảo về y tế cũng chưa bao giờ được tham dự để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm… Chúng tôi chạy theo nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân một cách “cô lập”. Vì vậy, đã nẩy sinh những bất cập lẽ ra có thể tránh được (như mua máy chất lượng tốt nhưng cũ nên không còn chứng từ về nguồn gốc xuất xứ, sai quy định của Bộ Y tế)…

Tháo rào cản cho y tế ngoài công lập ảnh 1

Phòng khám Đa khoa bác sỹ Toản phục vụ từ 50 đến 100 lượt bệnh nhân/ngày.

Các phòng khám ngoài công lập còn phải đối mặt với nhiều bất cập khác như: rườm rà trong thủ tục hành chính, bất cập trong một số quy định... Đặc biệt là quy định về giá ngoại kiểm. Bác sỹ Nguyễn Phi Hùng - Phòng khám Tâm An (TP Hà Tĩnh) bức xúc: “Quy định giá ngoại kiểm về xét nghiệm quá bất hợp lý. Chẳng hạn, xét nghiệm nước tiểu, giá ngoại kiểm 1 năm còn cao hơn, thậm chí là gấp đôi trị giá của thiết bị xét nghiệm đó. Một điều vô lý nữa là các phòng khám không được hiệp thương về giá cả với cơ sở ngoại kiểm mà phải tuân thủ quy định vùng, khu vực và giá của đơn vị thực hiện ngoại kiểm đó. Nếu phòng khám không thực hiện ngoại kiểm thì sẽ vi phạm các quy định trong hành nghề…!”.

Những khó khăn nói trên chính là rào cản đối với sự phát triển y tế tư nhân trong thời gian qua. Đó cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của các phòng khám ngoài công lập. Năm 2014, ngành Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra 74 cơ sở thì có đến 21 cơ sở bị xử phạt, trong đó, có 5 phòng khám đa khoa, 14 phòng khám chuyên khoa.

Lỗi mà các phòng khám ngoài công lập thường mắc là: nhân viên không có chứng chỉ hành nghề; trang phục không đúng quy định, không có biển tên; không đăng ký bổ sung danh sách hành nghề; trang thiết bị không có hồ sơ, nguồn gốc; máy xét nghiệm chưa được ngoại kiểm; hồ sơ tại cơ sở không đầy đủ; hiểu biết những quy định của pháp luật về hành nghề khám chữa bệnh ngoài công lập của một bộ phận chủ cơ sở, người hành nghề còn hạn chế…

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

Mặc dù chưa có đánh giá chính thức về hiệu quả của hoạt động y tế ngoài công lập nhưng chúng ta cần phải ghi nhận một cách khách quan là hệ thống y tế ngoài công lập đã có những đóng góp nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, hoạt động hành nghề y ngoài công lập đã có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, chia sẻ trách nhiệm KCB và giảm tải cho các cơ sở công lập.

Đến thời điểm này, Sở Y tế đã cấp 2.553 chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động cho 170 cơ sở. Toàn tỉnh có 517 người hành nghề y ngoài công lập.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Gần đây, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị về hoạt động KCB ngoài công lập nhằm khẳng định lại vai trò quan trọng của hệ thống y tế này, đồng thời, thể hiện rõ quan điểm tạo điều kiện cho y tế ngoài công lập phát triển, cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở KCB công lập, để người dân ngày càng có thêm nhiều cơ hội được lựa chọn các dịch vụ y tế tiện lợi theo nhu cầu.

Ngành Y tế cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở hành nghề đúng quy định của pháp luật và cam kết bảo hộ trong quá trình tranh chấp; hàng năm sẽ tổng kết, đánh giá chất lượng và khen thưởng. Đối với các phòng khám, phải tuân thủ đúng luật KCB và phạm vi hành nghề được cấp phép; không ngừng nâng cao chất lượng KCB, tận tình phục vụ người dân; đồng thời, phải tham gia đào tạo theo đúng quy định; thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và nghĩa vụ đối với Nhà nước trong đóng nộp thuế… Đặc biệt, phải luôn chú trọng trau dồi y đức, đặt lợi ích người bệnh lên trên hết vì nghề y là nghề đặc thù, liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast