Cần sớm có giải pháp tổng thể về bảo vệ, sử dụng rừng

Chiều 27/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tổ chức buổi làm việc với các ngành, đơn vị liên quan để nghe tình hình phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh có 362.603 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 60,17% diện tích đất tự nhiên. Hiện, công tác quy hoạch lại 3 loại rừng giai đoạn 2009- 2020, đề án trồng cây phân tán, quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010 – 2020 đã hoàn thành và triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, sau 12 năm thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, toàn tỉnh đã trồng được 76.296 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 56.749 ha, trồng rừng phòng hộ - đặc dụng 19.547 ha; bình quân mỗi năm trồng được 6-8 triệu cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh rừng 137.572 lượt ha và khoán bảo vệ rừng 609.065 lượt ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Kinh tế rừng phát triển chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; hiệu quả mang lại từ rừng còn thấp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Kinh tế rừng phát triển chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; hiệu quả mang lại từ rừng còn thấp

Một số loại cây lâm nghiệp có giá trị môi trường và kinh tế cao như: keo, cây cao su… Bình quân, mỗi năm khai thác được 160.000 m3 gỗ rừng trồng và gỗ tự nhiên cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2011 và xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 đang được sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Riêng đối với năm 2011, các đơn vị xây dựng xong hồ sơ thiết kế. Dự kiến đến hết tháng 6, công tác phê duyệt hồ sơ lâm sinh sẽ được hoàn thành; công tác đẩy mạnh phát triển cao su tiểu điền đã được Sở NN&PTNT xây dựng đề cương và dự toán lập đề án “Phát triển cao su tiểu điền cấp tỉnh giai đoạn 2011- 2020". Đồng thời, đã chuyển đổi khoảng 2.100 ha đất tự nhiên sang trồng cây cao su trong năm 2010 và hiện đã kiểm tra thẩm định thêm 1.056 ha.

Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT cũng đưa ra những đề xuất về phương án trồng rừng thay thế khu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ra khỏi mục đích lâm nghiệp; xây dựng đề án quỹ bảo vệ và phát triển rừng; kiện toàn, sắp xếp các BQL rừng phòng hộ; bán đấu giá cây đứng…

Các ý kiến của đại biểu xoay quanh các vấn đề về phương án bảo vệ, quản lý và phát triển rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng rừng tự nhiên; cơ chế cho nhiệm vụ phát triển cao su tiểu điền; liên kết trồng cây cao su; thủ tục về đấu thầu giá cây đứng…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao những kết quả mà ngành NN&PTNT đạt được trong thời gian qua. Hiện nay, độ che phủ rừng của tỉnh ta đạt 52%, là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng vào loại nhất cả nước. Tuy nhiên, kinh tế rừng phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; hiệu quả mang lại từ rừng còn thấp. Đặc biệt, vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian gần đây còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Để khai thác một cách triệt để lợi thế về quỹ đất rừng sản xuất và phát huy chức năng phòng hộ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu Sở NN& PTNT chủ trì nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tổng thể về bảo vệ, sử dụng rừng; đánh giá cao su tiểu điền, liên kết trồng cao su; thống nhất công tác đấu giá cây đứng; PCCC rừng. UBND tỉnh giao Sở Tài chính và Tài nguyên - Môi trường phối hợp thực hiện, chú trọng giá đất nông nghiệp; giá bồi thường tài sản trên đất… báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/7.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast