Nỗ lực giải bài toán ngập lụt cho thành phố Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Người dân Thành Sen hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh ngập chìm trong biển nước mỗi khi có mưa lớn trong nhiều giờ. Ngập lụt không chỉ gây bất tiện khi tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Để giúp TP. Hà Tĩnh giải bài toán khó này, dự án IWMC cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp.

no luc giai bai toan ngap lut cho thanh pho ha tinh

Nhiều tuyến đường ở TP. Hà Tĩnh luôn bị ngập nặng khi có mưa to. (Ảnh chụp ngày 8/11/2016, tại đường Nguyễn Công Trứ).

Mưa to là ngập

Mới chỉ hơn 3 tháng bước vào mùa mưa nhưng người dân TP Hà Tĩnh đã phải đón 4 lần ngập lụt (từ trung tuần tháng 9 đến cuối tháng 11). Riêng trận mưa lớn từ ngày 13 - 16/10 vừa qua đã khiến TP Hà Tĩnh ngập sâu. Một số điểm như: đoạn đường Trần Phú từ ngã ba Phan Đình Phùng đến ngã tư Vũ Quang, đoạn đường phía Tây Bệnh viện Đa khoa tỉnh... chỉ sau 1 giờ mưa lớn đã ngập đến 0,4m. Ở những khu vực như: đường Nguyễn Du, Lê Ninh, Xô viết Nghệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông (từ điểm giao QL1 đến điểm giao đường Lê Ninh); đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Biểu, Lê Duẩn, khu vực quanh chợ TP Hà Tĩnh, khu đô thị Sông Đà… cứ mưa lớn trong nhiều giờ là xảy ra úng ngập.

Tình trạng ngập lụt thường xuyên diễn ra đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, phát triển KT-XH của hàng chục nghìn người dân sinh sống và làm việc tại TP Hà Tĩnh. Bà Lê Thị Hà (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi khi nghe đài báo có mưa lớn là gia đình tôi lại lo ngay ngáy. Như đợt mưa lũ từ 13 - 16/10, đêm 13, cả xóm tôi phải thức trắng để canh lũ vào nhà. Khổ nhất là dãy nhà trọ phía sau, nước ngập ướt hết đồ đạc. Không ai nghĩ rằng, giữa thành phố mà nước lũ ngập như ở huyện miền núi Hương Khê”.

Theo các nhà quản lý, tình trạng ngập úng diễn ra thời gian qua tại TP Hà Tĩnh nguyên nhân chính là do mưa lớn kèm theo hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, việc đấu nối giữa hệ thống mới và cũ chưa đồng bộ, các hồ điều hòa chưa phát huy hiệu quả. Số liệu từ Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh cho biết, toàn thành phố hiện có 60 km mương chính (mật độ 8,3 km/km2, thấp hơn nhiều so với quy định chung) và hơn 40 km chiều dài các tuyến mương nhỏ nằm trong khu vực dân cư. Hệ thống thoát nước này chỉ bao phủ 57% khu vực thành phố, lại hoạt động yếu kém do không được duy tu, bảo dưỡng và quá tải do tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Ông Trần Đức Thiên - Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Ngoài yếu tố khách quan từ biến đổi khí hậu, vấn đề hệ thống kênh mương bị lấn chiếm, bồi lấp, thậm chí bị “xóa sổ” đã khiến tình hình ngập trở nên trầm trọng hơn. Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, quy hoạch các khu đô thị mới (khu đô thị Sông Đà, khu đô thị Bắc Nguyễn Du...) chưa có định hướng phát triển bền vững cũng là một trong những tác nhân gây ngập lụt”.

Nỗ lực triển khai các giải pháp

Với hiện trạng hệ thống thoát nước còn thiếu và yếu như hiện nay, TP Hà Tĩnh sẽ khó thoát khỏi tình trạng ngập úng. Để giúp thành phố giải bài toán ngập úng, dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (IWMC) đã tiến hành các nghiên cứu và đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho thành phố trong điều kiện hiện tại cũng như bối cảnh biến đổi khí hậu.

no luc giai bai toan ngap lut cho thanh pho ha tinh

Nhân dân phường Bắc Hà triển khai khơi thông cống rãnh, làm sạch ngõ xóm tại ngõ 18, đường Xuân Diệu

Ông Lê Tiến Minh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án SRDP - IWMC cho biết: “Dự án đã tiến hành nghiên cứu, phân tích các tác động của biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa của TP Hà Tĩnh, từ đó, xây dựng các kịch bản cũng như tư vấn kỹ thuật về mô hình thủy lực, thủy văn lưu vực sông Rào Cái và mô hình thoát nước tại TP Hà Tĩnh. Đặc biệt, thông qua các giải pháp công trình và phi công trình, dự án sẽ hỗ trợ chính quyền và nhân dân TP Hà Tĩnh giải quyết vấn nạn ngập lụt cục bộ như hiện nay”.

Một trong những giải pháp công trình mà dự án ưu tiên triển khai như: xây dựng hồ điều hòa Đập Bợt (Thạch Quý) và hồ điều hòa Bến Đá (Thạch Đồng); nâng cấp tuyến kênh thoát nước phía Tây TP Hà Tĩnh; xây dựng cống Đập Hầu (xã Thạch Trung). Ngoài ra, dự án cũng đề xuất ưu tiên xây dựng trạm bơm số 2 (từ cống Đập Bợt ra sông Rào Cái) và trạm bơm số 3 từ cống Vạn Hạnh ra sông Cày nhằm kiểm soát vị trí cuối tuyến T4.

Dự án cũng sẽ triển khai các giải pháp phi công trình như: xây dựng vườn ươm và trồng rừng ngập mặn tại xã Thạch Môn; quy hoạch công viên rừng ngập mặn (khu vực bãi lầy dọc sông Rào Cái đoạn từ cầu Hộ Độ đến cầu Cửa Sót - Thạch Đỉnh); xây dựng quỹ tín dụng xanh nhằm mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thân thiện với môi trường, làm tăng khả năng thấm của bề mặt khi xảy ra mưa, giảm tải áp lực lên hệ thống thoát nước...

“Chính quyền và nhân dân TP Hà Tĩnh kỳ vọng những lợi ích mà dự án mang lại, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, nhất là cảnh quan, môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần giúp TP Hà Tĩnh phát triển đô thị hiện đại, thân thiện môi trường và tìm kiếm giải pháp thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với chiến lược quốc gia và chiến lược tăng trưởng xanh” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Lê Quang Đức nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh:

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, việc xả lũ tại hồ Kẻ Gỗ và hồ Bộc Nguyên được giám sát, tính toán chặt chẽ nhằm hạn chế ngập lụt vùng hạ du. Vấn đề ngập lụt ở TP Hà Tĩnh chủ yếu liên quan đến yếu tố cơ sở hạ tầng, bởi các hồ chứa chưa xả thì thành phố đã ngập nên hầu như không liên quan đến việc xả lũ tại các hồ chứa mà đơn vị quản lý. Trong 2 đợt mưa lũ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh vừa qua, đợt I (từ ngày 13/10 - 16/10), hồ Kẻ Gỗ chỉ xả tràn khi đã hết mưa với lưu lượng chỉ 45 m3/giây. Đợt II (từ ngày 31/10 - 2/11), hồ Kẻ Gỗ phát lệnh xả tràn từ chiều 1/11 với lưu lượng 300 m3/giây, một số địa phương chịu ảnh trong đợt này như Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh... còn TP Hà Tĩnh không hề bị ảnh hưởng.

Ông Trần Đức Thiên - Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND TP. Hà Tĩnh:

Một trong những nguyên nhân không nhỏ gây ngập úng trên địa bàn thành phố là ở ý thức của người dân. Việc tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa lên mương thoát nước; xả rác vô tư của người dân cũng vô tình bịt những lỗ thoát nước trên các tuyến đường. Trong quá trình xây dựng, vận chuyển các vật liệu như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống. Đặc biệt, một số hộ còn xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến bít đường ống làm cho tình trạng tiêu thoát nước khó khăn.

Ông Hoàng Lê Trang - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng Hà Tĩnh:

Hiện nay, ở lưu vực Hà Huy Tập, Đại Nài và một phần của Nam Hà đang chảy theo kênh tiêu T18 ra cống Đập Cót. Một phần của Hà Huy Tập, Nam Hà, Bắc Hà, Tân Giang, Thạch Quý chảy về sông Cụt. Một phần của Bắc Hà, Nguyễn Du chảy về cống Vạn Hạnh đổ ra sông Cày. Phần lưu vực Trần Phú, Thạch Linh đổ ra sông Cầu Đông. Trên các hướng thoát này do việc đấu nối các tuyến cống thiếu hoặc chưa hợp lý, tốc độ phát triển nhanh của đô thị hóa, quy hoạch không đồng bộ hệ thống tiêu thoát nước, dẫn đến ngập lụt cục bộ trên một số tuyến đường như: Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Phan Đình Phùng, Nguyễn Biểu, Vũ Quang...

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast