Làm sao để trẻ không nói tục?

(Baohatinh.vn) - Khi đi trên đường, đến những điểm công cộng hay tán gẫu với bạn bè, vô tình chúng ta nghe thấy không ít lời nói tục, chửi bậy từ người lớn. Nhưng, chính người lớn cũng đang “giật mình” trước cảnh tượng những em bé ở lứa tuổi mầm non, bi bô tập nói cũng thốt ra những lời tương tự.

lam sao de tre khong noi tuc

Ảnh minh họa từ internet

Anh Nguyễn Chí Linh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) vẫn chưa hết ngỡ ngàng bởi một lần đứa con trai 4 tuổi đi chơi, khi vấp phải một vũng nước, cu Bi không tự nhận ra lỗi do mình thiếu quan sát mà cáu kỉnh, buông ngay một câu: “M… ướt hết quần rồi!”. Bác Nguyễn Thị Hoài (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) bày tỏ lo lắng: “Tôi có cháu gái lên 3 tuổi. Sau mỗi ngày cháu đến trường, tối đến, tôi đều dành thời gian tâm sự, lắng nghe cháu kể chuyện một ngày trên lớp. Thế nhưng, thời gian gần đây, tôi phát hiện ra trong câu chuyện cháu kể đều thể hiện tính ngang tàng, xen vào những từ nói tục. Thậm chí, khi nói về bạn, cháu đã bắt đầu so sánh “đồ con này”, “đồ con kia”, thậm chí, nó còn nói những lời tục hơn... Tôi rất buồn”.

Ngạc nhiên hơn, khi chúng tôi gõ tìm kiếm cụm từ “Trẻ em nói tục, chửi bậy” trên Google thì chỉ chưa đầy 7 giây đem về khoảng 182.000 kết quả. Điều đó cho thấy, thực trạng đáng buồn này đang diễn ra khá nhiều và được xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính trẻ nhỏ không hiểu hết ý nghĩa của các câu nói tục, chửi bậy bởi đây là hành vi bắt chước từ người lớn. Theo cô Trần Thị Thương - giáo viên Trường Mầm non Đại Nài (TP Hà Tĩnh): “Trẻ có thể bắt đầu nói tục, chửi bậy ngay từ khi mới bắt đầu học nói. Nguyên nhân có thể là vô tình nghe ai đó nói ra một từ tục, chửi bậy và trẻ bắt chước. Lúc này, trẻ nói tục, chửi bậy chỉ với mục đích “thử nghiệm” sự phong phú của từ ngữ, các bé muốn biết những từ mà mình vừa học được để sử dụng làm gì, chứ thực chất trẻ không hề hiểu nghĩa của các từ mình nói là xấu, bậy. Vì vậy, khi phát hiện trẻ nói tục, người lớn không nên cổ vũ mà ngược lại phải dạy dỗ trẻ nghiêm khắc để tránh hình thành thói quen xấu. Đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ nói tục thay vì nổi nóng, quát mắng. Nhắc nhở để trẻ hiểu đó là những từ ngữ không được sử dụng, nói như vậy là xấu và mọi người sẽ chê cười”.

Thực tế hiện nay, trẻ lứa tuổi mầm non tiếp cận với internet khá sớm, phần lớn là từ điện thoại thông minh. Chính điều này đã vô tình khiến trẻ sớm tiếp cận với nguồn ngôn ngữ thiếu lành mạnh từ những video clip trên mạng. Điều này đặt ra những vấn đề trong cách quan tâm, nuôi dạy trẻ của các phụ huynh. Muốn trẻ ngoan, học được những điều hay, điều tốt thì chính cha mẹ cần xây dựng môi trường sống trong sạch, làm gương cho con cái và phải kiểm soát tốt hành vi của con. Đồng thời, tích cực phối hợp với nhà trường trong giáo dục, dạy dỗ các con, nhất là những thời điểm khi con đang tập nói và giao tiếp.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast