Đảng phải luôn đặt lợi ích của dân lên trên hết

Trải qua 83 năm chiến đấu, trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò vị trí của mình trong lòng dân tộc Việt Nam. Từ khi giành được độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam đã tin cậy và trao quyền lãnh đạo đất nước cho Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và ngày nay đang thực hiện sự nghiệp đổi mơi đạt được những thành tựu to lớn. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Thời sự - suy nghĩ

Khi cuộc khủng hoảng diễn ra ở các nước XHCN, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ; đứng trước nguy cơ kẻ thù bên ngoài tìm cách can thiệp, phá hoại, những kẻ cơ hội bên trong đòi đa nguyên đa đảng, tình hình KT-XH hết sức khó khăn, lạm phát “phi mã”…, thế mà vào thời điểm đó, nhân dân Việt Nam vẫn đồng tình với việc đưa vào Hiến pháp Điều 4 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng luôn thực hiện đầy đủ những quy định được ghi trong Hiến pháp về vị trí và vai trò của mình. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Trong tình hình hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, với thông tin đa dạng, nhiều chiều, do chưa thấy hết đầy đủ bản chất của chủ nghĩa tư bản về tự do, dân chủ; cộng với tình hình thực tế trong Đảng đang diễn ra những tiêu cực mà “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” như Nghị quyết Hội nghị T.Ư4 (khóa XI) đã chỉ ra, làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân giảm sút niềm tin đối với Đảng, lo lắng trước sự phát triển của đất nước . Lợi dụng tình hình này, những phần tử cơ hội chính trị hòng nhen nhóm động cơ chống Đảng, lợi dụng nhân dịp đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đòi xóa bỏ Điều 4. Đó là một việc làm không thể chấp nhận được.

Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ thể hiện ở câu chữ ghi trong Điều 4, mà nội dung của bản dự thảo đã thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng ta về vai trò làm chủ của nhân dân, về nhà nước pháp quyền XHCN, về con đường phát triển của đất nước phù hợp với mục tiêu cách mạng mà biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã và đang phấn đấu.

Trước trách nhiệm mà lịch sử và nhân dân giao phó, với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng ta cũng đã nhìn thấy những “hạn chế”, “yếu kém”, “khuyết điểm” và đang đề ra những biện pháp “cấp bách” để chỉnh đốn mình. Nghị quyết Hội nghị T.Ư4 đã chỉ rõ tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “sự phai nhạt lý tưởng”, “chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ cơ hội”, “tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”, “đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm”, “thiếu những cơ chế chính sách đồng bộ, khoa học để chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, thực dụng phát triển”… Điều này làm cho nhân dân phân tâm, lo lắng. Nhưng điều mừng là Đảng đã nhìn thấy và đề ra những biện pháp chỉnh đốn nghiêm túc. Lịch sử cách mạng cho thấy và nhân dân ta cũng đã hiểu rõ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh những thành tựu to lớn, thì Đảng cũng không tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra và nêu cách khắc phục chính bằng tấm gương của Người và hàng loạt tác phẩm như “Sửa đổi lề lối làm việc” (năm 1947), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) và trong rất nhiều bài viết, bài nói khác. Làm theo Bác, Đảng ta luôn lấy việc tự chỉnh đốn, tự phê bình và phê bình làm giải pháp hàng đầu. Đây cũng là vũ khí sắc bén của toàn Đảng cũng như mọi cán bộ, đảng viên trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Đây cũng chính là sức mạnh nội lực mang tính quy luật mà chỉ có được ở một đảng chân chính; đến kẻ thù và các thế lực phản động cũng phải thừa nhận: “Chẳng ai có thể đánh bại được những người cộng sản ngoài chính họ”.

Không ai hiểu Đảng ta bằng nhân dân ta, ngay từ khi mới ra đời cho đến suốt quá trình đấu tranh cách mạng, đứng trước bao thử thách, thậm chí trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”, nhân dân vẫn một lòng đi theo Đảng và Đảng đã trở thành ngọn cờ tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi rõ vai trò lãnh đạo của Đảng ở Điều 4 là một sự hiển nhiên. Chỉ có điều, nhân dân mong muốn rằng, với vai trò của một Đảng cầm quyền, Đảng phải luôn luôn tâm niệm: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền lợi đều của dân”. Phải kiên định và luôn tìm tòi sáng tạo trên con đường thực hiện sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN với mục tiêu, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phải luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu; phải thực sự “gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”. Cán bộ, đảng viên của Đảng phải thường xuyên tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; nâng cao trình độ mặt mọi để đủ sức và đủ uy tín đảm đương trọng trách Đảng và nhân dân giao phó, củng cố được niềm tin đối với nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast