Dịch lợn tại xanh ở Cẩm Bình: Bài học cho sự chủ quan!

Phát hiện lợn bị bệnh, người dân thôn Đông Trung ( Cẩm Bình) bỏ tiền mời "thú y làng” về chữa trị cả tuần không được mới hớt hải báo lên chính quyền địa phương. Đến lúc này thì đàn lợn bị mắc bệnh tai xanh cả thôn lên đến hàng trăm con của 20 hộ chăn nuôi. Chỉ vì sự thiếu kinh nghiệm về dịch bệnh, tin tưởng vào "thú y làng”, chủ quan trong công tác phòng chống dịch dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi “tiền mất, tật mang”.

Dịch lan nhanh, do chủ quan.

Chúng tôi về thôn Đông Trung ( Cẩm Bình) khi chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng dập dịch lợn tai xanh. Mọi ngõ ngách các nẻo đường đều được phủ trắng vôi bột, lập chốt canh gác, phun hóa chất tiêu động khử trùng. Ông Nguyễn Văn Duẩn - trưởng thôn Đông Trung đang chỉ đạo các hộ chăn nuôi kiểm đếm số lợn bị bệnh chuẩn bị đưa đi tiêu hủy, cho biết: Hiện, cả thôn có hơn 200 con bị mắc bệnh tại xanh của 20 hộ chăn nuôi trên tổng đàn cả thôn 747 con.

Qua tìm hiểu, đàn lợn 2 tháng tuổi của gia đình ông Trần Viết Duyên ở thôn Đông Trung có biểu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn từ ngày 11 - 3. Ông Duyên cho biết: Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện ở một vài con với triệu chứng trên, sau đó lan sang cả lứa lợn vừa mới bắt về được 20 ngày tuổi và chẳng mấy chốc đàn lợn 15 con của gia đình cũng mắc bệnh. Gia đình vội mời thú y “làng” về chữa trị cho đàn lợn hơn một tuần nhưng vẫn không khỏi. Lúc này, tôi mới hớt hải lên báo với chính quyền địa phương. Thú y xã xuống kiểm tra và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với bệnh tai xanh ở lợn. Ngay sau đó, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành tiêu hủy đàn lợn 15 con lợn mắc bệnh của gia đình, nhằm khống chế không cho dịch bệnh lan rộng.

Thu gom lợn bị bệnh tai xanh tại thôn Đông Trung đưa đi tiêu hủy

Thu gom lợn bị bệnh tai xanh tại thôn Đông Trung đưa đi tiêu hủy

Tuy nhiên, ngày 19-3, chỉ khi chính quyền thông báo về tình hình bệnh tai xanh ở lợn thì nhiều người chăn nuôi ở trong thôn mới biết đàn lợn của mình cũng bị mắc bệnh trên. Tiến hành rà soát, dịch lợn tai xanh đã lây lan sang 20 hộ chăn nuôi với hơn 200 con bị mắc bệnh. Trong đó, có nhiều hộ dịch bệnh xuất hiện từ lâu nhưng không báo lên chính quyền địa phương mà tự mua thuốc về điều trị hoặc mời thú y “làng” về chữa.

Nhằm khống chế không để dịch lan ra diện rộng, ngay sau đó huyện Cẩm Xuyên đã cấp 50 lít hóa chất, 4 tấn vôi bột và 2000 liều vắc - xin tai xanh ở lợn cho địa phương. Ông Duẩn cho biết thêm: Thôn Đông Trung có tổng đàn lợn khá lớn 747 con, bình quân mỗi hộ nuôi từ 15- 35 con. Trước mắt, thôn tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh nói trên. Số lợn còn lại, sẽ tiến hành tiêm vacxin tai xanh phòng bệnh và tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, xã tập trung chỉ đạo mọi nguồn lực tổ chức phun hóa chất, tiêu độc khử trùng các khu vực chuồng trại; tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch cho người dân. Đặc biệt, nghiêm cấm các hộ mua bán, vận chuyển giết mổ lợn vào ra địa bàn có dịch; lập chốt canh gác; kịp thời tiêm vắc xin phòng dịch cho số gia súc còn lại.

“Tiền mất, tật mang”

Cẩm Bình là xã có truyền thống về chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Song, qua đợt dịch tại xanh này mới thấy người dân chăn nuôi ở đây còn quá chủ quan về công tác phòng chống dịch bệnh. Dường như họ còn mơ hồ, thiếu kinh nghiệm về chẩn đoán dịch bệnh trong chăn nuôi.

Qua tìm hiểu, dịch tai xanh làn rộng trên địa bàn thôn Đông Trung là do nhiều hộ dân không báo với thú y xã mà mời thú y “làng” về chữa trị. Gia đình ông Duyên cho hay: Từ trước đến nay khi đàn gia súc, gia cầm của gia đình bị bệnh là mời ngay thú y tư nhân ở trong xã về chữa trị. Lần này cũng vậy, mời thú y này về nhưng chạy chữa cả tuần mà đàn lợn vẫn không khỏi bệnh. Cho đến giờ, gia đình ông cũng không hề biết tay thú y kia chữa bệnh cho đàn lợn bằng loại thuốc gì?!. Trở trêu hơn, gia đình anh Đặng Thế Truyền mới vay tiền mua được đàn lợn 8 con khoảng 3 tháng tuổi. Phát hiện lợn bị ốm, chán ăn vợ chồng anh cũng mời thú y tư nhân ở xã Cẩm Thạch về chữa trị. Theo vợ anh Truyền, sau khi “bắt” bệnh thú y “phán” đàn lợn của chị bị bệnh thương hàn, dịch tả và cho thuốc điều trị. Bỏ ra gần 2,5 triệu đồng tiền mua thuốc mà gần một tuần bệnh sau đàn lợn vấn thế. Đến khi chính quyền địa phương đến kiểm tra và đưa đàn lợn bị mắc bệnh tai xanh đi tiêu hủy tôi mới ngớ người. Đúng là “tiền mất, tật mang”!

Dịch lợn tại xanh ở Cẩm Bình: Bài học cho sự chủ quan! ảnh 2

Đàn lợn của gia đình anh Đặng Thế Truyền sau nhiều ngày nhờ "thú y làng" điều trị nhưng vẫn không khỏi, buộc phải tiêu hủy.

Khác với các hộ chăn nuôi trên, anh Đặng Thế Huy - một chủ hộ chăn nuôi có đàn lợn 23 con bị mắc bệnh vừa tiêu hủy cho biết: “ Thấy lợn bị bệnh, tôi ra Cơ cở buôn bán thức ăn gia súc, gia cầm ở phường Thạch Linh ( T.P Hà Tĩnh) mua thuốc. Sau khi nghe triệu chứng của đàn lợn chủ cửa hàng bán cho tôi một số loài thuốc đem về nhà tự tiêm. Tiêm hết lại mua, đến 3 lần mà bệnh của đàn lợn của tôi vẫn không có biến chuyển. Tính ra, tôi mất 1,5 triệu tiền thuốc mà vẫn “công cốc”. Kiểm tra những lọ thuốc của anh Huy mua về tiêm thì thấy trong đó khuyến cáo chữa bệnh đau bụng; viêm nhiễm ngoài da cho gia súc.

Có thể nói, dịch bệnh tai xanh ở lợn xẩy ra trên địa bàn thôn Đông Trung xã Cẩm Bình trước hết vẫn là do sự chủ quan của người chăn nuôi. Người dân lại luôn “tin tưởng” vào trình độ của thú y tư nhân và các cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm kiêm cả dịch vụ thú y. Theo đó, ngoài yếu kém về trình độ chuyên môn thì những thú y này có thể lợi dụng sự “lơ mơ” của người chăn nuôi về dịch bệnh để trục lợi. Vô hình chung kéo dài thời gian làm dịch phát bệnh và lây lan. Trong khi đó bệnh tai xanh là loại bệnh nguy hiểm, lây lan và nhanh gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Sự chủ quan phòng bệnh cho gia súc ở thôn Đông Trung xã Cẩm Bình cũng là bài học chung cho những hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, chính quyền địa phương cùng với ngành chuyên môn cần tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ về dịch bệnh cho người chăn nuôi. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt công tác quản lý, phát hiện xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở hoạt động dich vụ thú ý trái phép, tránh thiệt hại thêm cho người chăn nuôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast