Người biểu tình Hong Kong ra điều kiện đàm phán với chính quyền

Theo đó, chính quyền Hong Kong cần phải gửi báo cáo thể hiện đúng những yêu sách của người biểu tình đến Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, thông tin trên được một thủ lĩnh biểu tình đưa ra ngày 28/10 trong một bức thư ngỏ gửi Chánh văn phòng Đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam và nhấn mạnh nếu không làm được điều này thì người biểu tình muốn được gặp trực tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Bloomberg khẳng định, bức thư gửi bà Carrie Lam đánh dấu nỗ lực của sinh viên nhằm giành lại được thế chủ động sau khi phải hoãn việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến liên quan đến phong trào biểu tình.

Người biểu tình Hong Kong tại quận Mong Kok (Ảnh AP)

Người biểu tình Hong Kong tại quận Mong Kok (Ảnh AP)

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa người biểu tình và chính quyền Hong Kong ngày 21/10 đã không thể đưa ra một giải pháp tức thời dù bà Carrie Lam đã đề xuất gửi một báo cáo về tình hình biểu tình đến Bắc Kinh.

“Chúng tôi cho rằng, đề xuất của chính quyền về việc gửi một báo cáo đến Chính phủ Trung Quốc về phản ứng của người biểu tình là một bước tiến lớn”, anh Alex Chow, thủ lĩnh biểu tình tuyên bố ngày 28/10.

Tuy nhiên, anh Chow nhấn mạnh, người biểu tình muốn “giải thích tình hình cụ thể tại Hong Kong” với ông Lý Khắc Cường nếu chính quyền Hong Kong không thể làm được điều này.

Liên đoàn Sinh viên Hong Kong cho biết, trong báo cáo của mình chính quyền Hong Kong nên thêm vào yêu cầu của sinh viên biểu tình rằng Trung Quốc cần phải xem xét lại quyết định đưa ra ngày 31/8 về quy trình bầu cử lãnh đạo Hong Kong vào năm 2017.

Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng cần phải thiết lập một cơ chế đối thoại nhằm xem xét việc cải cách bầu cử trong đó cho phép tự ứng cử và bầu cử trực tiếp các đại biểu của Đặc khu Hành chính.

“Sẽ không có các cuộc đối thoại trong tương lai nếu chính quyền Hong Kong không chấp thuận những điều kiện trên hoặc đưa ra những giải pháp có thể chấp nhận được”, anh Chow nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó.

Trong khi đó, Trung Quốc không hề tỏ thái độ nhân nhượng trước người biểu tình. Không lâu sau khi sinh viên biểu tình gửi bức thư ngỏ nói trên, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngăn chặn “mọi sự can thiệp bên ngoài” vào tình hình Hong Kong.

Tân Hoa xã dẫn một tuyên bố tại phiên họp toàn thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ Ủy ban Thường vụ của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) ngày 28/10 đã bỏ phiếu về việc loại bỏ đại biểu Hong Kong James Tien khỏi CPPCC.

Phát biểu trên Đài Phát thanh Truyền hình Hong Kong Ủy viên Thường vụ CPPCC Chan Wing-kee cùng ngày cho biết việc bỏ phiếu này bắt nguồn từ việc ông Tien kêu gọi Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh nên xem xét từ chức.

Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình tụ tập tại đường Harcourt tại quận Admiralty để đánh dấu một tháng kể từ khi cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay để giải tán họ ngày 28/9.

Vào lúc 5h57 chiều 28/10, những người biểu tình đã giương ô trong vòng 87 giây trong yên lặng. Thủ lĩnh biểu tình cho biết mỗi giây đó biểu trưng cho một lần cảnh sát sử dụng hơi cay xịt vào họ.

Những người tổ chức lễ kỷ niệm đã chiếu lại những hình ảnh hỗn loạn ngày 28/9, trong khi người biểu tình giương cao những chiếc điện thoại di động và hát vang những bài hát đã trở nên quen thuộc đối với họ.

Trong tuyên bố của mình ngày 28/10, Hiệp hội Luật sư Hong Kong bày tỏ lo ngại rằng những người biểu tình và những nhóm chống biểu tình có thể hành động “quá khích và vi phạm pháp luật và lợi dụng quyết định của tòa án như một công cụ để mặc cả về chính trị” khiến Hong Kong phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn và không tuân thủ pháp luật./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast