Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các vườn cam Hà Tĩnh đã vào mùa thu hoạch. Cam đầu mùa mức giá phổ biến từ 12.000 - 25.000 đồng/kg, một số loại đặc biệt có giá cao hơn.

Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Thời điểm này, nhiều quầy hàng bán cam trên các tuyến đường ở TP Hà Tĩnh nhập về số lượng lớn mỗi ngày.

Theo ghi nhận, giá cam trên thị trường được chia nhiều loại khác nhau. Cam bán đại trà ở chợ có giá khoảng 12.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi ở các cửa hàng có thương hiệu, siêu thị là 35.000 - 45.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Mơ - tiểu thương bán cam tại khu vực chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Chúng tôi bắt đầu bán cam tại TP Hà Tĩnh khoảng gần 1 tháng nay. Trung bình mỗi ngày, tôi thuê xe chở 5 tạ cam từ Hương Khê xuống. Cam vừa hái được bán với giá 15.000 đồng/kg, nếu không bán hết thì hôm sau “rớt” xuống khoảng 12.000 đồng/kg. Hiện đang là đầu mùa vụ, giá cam thường thấp hơn cuối vụ; còn so với mấy năm gần đây thì giá cam năm nay cơ bản ổn định”.

Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Cam bán tại chợ dân sinh có giá 12.000 - 25.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, cam hái từ những trang trại trồng theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap, được dán tem nhãn có giá từ 30.000 đồng/kg trở lên và chủ yếu bán tại các cửa hàng lớn vì cam tại chợ bán theo mặt bằng chung, những loại giá cao sẽ khó bán.

Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Cam ở các cửa hàng có thương hiệu được bán với giá 35.000 – 45.000 đồng/kg.

“Cam ở chợ thời điểm này chủ yếu được nhập từ các xã của huyện Hương Khê, Can Lộc. Giá cao nhất cũng chỉ 25.000 đồng/kg, trung bình là 15.000 đồng/kg; còn một số loại mẫu mã hơi xấu, quả nhỏ thì 10.000 đồng/kg. Cam vào mùa giá rẻ, khách hàng thường mua số lượng lớn nên mỗi ngày tôi bán đến 3 tạ” - bà Trần Thị Nhàn, tiểu thương bán cam ở chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ.

Tại các vựa cam lớn của tỉnh như: Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang..., các chủ nhà vườn cho biết, thời điểm này đang là đầu mùa cam chín, lượng cam đưa ra thị trường chưa phải là cao điểm nhưng cũng thỏa sức đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

HTX Nông nghiệp Khe Mây Long Nhâm đã bán gần 40 tấn cam với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Khe Mây Long Nhâm (xã Hương Đô, Hương Khê) cho biết: “HTX có 29 hộ với tổng diện tích trồng cam khoảng 100 ha. Năm nay, có 70 ha cho thu hoạch với năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với năm ngoái. Đến thời điểm này, chúng tôi đã bán khoảng gần 40 tấn cam chín sớm, đa phần là thương lái vào tại vườn để mua. Nhờ chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, cam được dán tem nhãn nên giá bán ra khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg”.

Tại “thủ phủ” cam Thượng Lộc (Can Lộc), các trang trại cam cũng đang vào dịp thu hái để đưa ra thị trường. Năm nay, toàn xã có khoảng 2.300 tấn cam xuất bán ra thị trường. Ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Toàn xã có khoảng 260 ha cam, năm nay sản lượng cao hơn 10-15% so với năm ngoái. Hiện các trang trại cũng đã hái bán nhưng giá cam đầu mùa chưa cao. Giá cam chanh bán tại vườn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, cam giòn 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đến dịp gần tết, cam sẽ có giá cao hơn”.

Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Cam của các trang trại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán trên 30.000 đồng/kg.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Hà Tĩnh hiện có hơn 7.700 ha trồng cam, trong đó cam chanh 6.257 ha. Sản lượng cam chanh toàn tỉnh năm nay uớc đạt gần 58.000 tấn. Cam được thu hoạch và bán ra thị trường từ nay tới Tết Nguyên đán.

Cam Hà Tĩnh đầu vụ giá ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Cam đạt năng suất cao nên các nhà vườn có nguồn thu nhập khá. Ảnh Văn Chung

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho hay, nhằm hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ cam, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp như: chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng…

Đặc biệt là kết nối các nhà phân phối lớn, siêu thị khảo sát, tìm hiểu để đưa sản phẩm cam vào các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử để tập huấn cho bà con đưa sản phẩm cam bán trên các sàn thương mại điện tử. Cùng đó, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị quảng bá, kết nối cung cầu, tiêu thụ cam năm 2021.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast