Bước đột phá văn hóa - du lịch Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Năm 2014, Hà Tĩnh đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, văn hóa, du lịch đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, khơi thông mạch nguồn văn hóa truyền thống trước thềm năm mới.

Sự trỗi dậy của văn hóa Hồng Lam

Trước thềm năm mới, cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh được đón nhận nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, các sự kiện của ngành VH-TT&DL đã để lại những dư vị ngọt ngào trong tâm thức bạn bè trong nước và quốc tế. Năm qua, tỉnh ta đón nhận thêm 2 di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia là Ngã ba Đồng Lộc và Khu di tích Hương Đô (trong hệ thống di tích đường Trường Sơn); 2 di tích được công nhận cấp quốc gia là Bãi Cọi - Phôi Phối (Xuân Viên, Nghi Xuân) và lũy đá cổ ở Kỳ Lạc (Kỳ Anh). Đến nay, toàn tỉnh có 2 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 74 di tích quốc gia, 367 di tích cấp tỉnh.

Dân ca ví, giặm - bản sắc người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm - bản sắc người Xứ Nghệ

Sự kiện đáng chú ý nhất trên lĩnh vực văn hóa tỉnh nhà năm 2014 đó là vào lúc 23h10’ (giờ Việt Nam) ngày 27/11, tại Thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ DSVH phi vật thể, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này đã góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của DSVH phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện đánh giá: Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam khi một loại hình dân ca ở các làng quê 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, làm nón, chèo thuyền, kéo lưới, ru con... được UNESCO vinh danh.

Ngay sau sự kiện này, ngành VH-TT&DL đã triển khai xây dựng chương trình hành động, tăng cường các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền di sản này đến với muôn người. Chính sự kiện dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh đã mở ra cơ hội để Hà Tĩnh quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch quốc tế, thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm trên mảnh đất miền Trung giàu truyền thống văn vật.

Du lịch khởi sắc

Cùng với các sự kiện nổi bật của lĩnh vực văn hóa, năm 2014, hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc. Ngay từ đầu năm, ngành đã tổ chức thành công lễ khai trương Tuần văn hóa du lịch chùa Hương mở đầu năm du lịch 2014; khai trương du lịch biển Thiên Cầm; mở rộng kết nối du lịch với các tỉnh, TP Hồ chí Minh; tổ chức nhiều đoàn công tác ra nước ngoài, khảo sát, ký kết, khai trương nhiều tour, tuyến du lịch với các nước bạn Thái Lan, Lào, Myanmar. Hiệp hội Du lịch kết nối với các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Sông Nghèn… nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế, phát triển văn hóa - du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn).

Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn).

Bên cạnh củng cố hạ tầng du lịch, Sở VH-TT&DL tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng mới một số tour, tuyến nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, nhất là 9 tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng đường 8 và 12 để thu hút du khách đến với Hà Tĩnh. Thực hiện Kế hoạch 75 của UBND tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng sản phẩm du lịch được cải thiện đáng kể. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... từng bước được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 131 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng, trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao,... các nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 5.000 phòng. Năm 2014, Hà Tĩnh đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế 16.250 lượt, khách nội địa hơn 1.298.000 lượt (tăng hơn 20% so với năm 2013).

Trên tinh thần chủ động tăng cường kết nối, phát triển du lịch các nước trong khối ASEAN và khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây, ngành Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; tham gia lễ hội văn hóa du lịch trong nước và quốc tế; phối hợp tổ chức lễ hội ẩm thực các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của nông thôn mới Hà Tĩnh với sự tham gia của các nước bạn Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc; tổ chức lễ hội du lịch văn hóa, du lịch biển, hội chợ du lịch quốc tế và tham gia hội chợ hàng hóa chất lượng cao của 4 nước Thái Lan - Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan); hợp tác du lịch giữa Lào - Thái Lan - Việt Nam tại tỉnh Bưng Càn thuộc Đông bắc Thái Lan; ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa chính quyền 3 tỉnh Hà Tĩnh - Khăm Muộn - Nakhon Phanom.

Cùng với phát triển mạng lưới tour, tuyến du lịch trong nước, ngành phối hợp với Công ty Lữ hành du lịch quốc tế Tân Hồng, Công ty Lữ hành Green sea tour khai trương các tuyến du lịch Hà Tĩnh - Sakon Nakhon; Hà Tĩnh - Bưng Càn; Hà Tĩnh - Noọng Khai. Thông qua các tour, tuyến quốc tế, tỉnh đã đón hàng chục đoàn với hơn 1.500 du khách đến từ các tỉnh Đông bắc Thái Lan.

Năm 2014 khép lại với những dư vị ngọt ngào. Đặc biệt, những sự kiện nổi bật trên lĩnh vực văn hóa - du lịch đã góp phần tạo bước đột phá để Hà Tĩnh phát triển bền vững gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dải đất Lam Hồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast