Khoa học công nghệ - đòn bẩy cho sự phát triển của Mitraco Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong xu thế phát triển hiện nay, đầu tư vào khoa học công nghệ là yêu cầu số 1, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng cạnh tranh và chất lượng hàng hóa của mình thì phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ trên tất cả các lĩnh vực SXKD”- Bí thư Đảng ủỵ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) Dương Tất Thắng khẳng định.

Cải tiến công nghệ khai thác, chế biến sâu khoáng sản

Nghề khai thác khoáng sản từng ở giai đoạn “hoàng kim”, khi mảnh đất tưởng chỉ có “khô cằn sỏi đá” lại chiếm giữ trong lòng đất khối lượng quặng giá trị. Tiền thân là doanh nghiệp khai thác, chế biến titan, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Mitraco trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện khai thác quặng titan. Từ những ngày đầu chinh phục thiên nhiên, doanh nghiệp này đã đầu tư máy móc hiện đại, tập trung cao cho công tác thăm dò để đạt mục đích cao nhất là tăng năng suất, sản lượng nhưng vẫn đảm bảo công tác bảo vệ, tái tạo môi trường sau khai thác. Dần dần, không chỉ có titan, công ty đã tận thu được nhiều khoáng vật nặng có giá trị cao hơn như: zircon, monazit, thạch anh, mangan...

Kể cả về sau này, khi trữ lượng khai thác bị thu hẹp, hàm lượng quặng đầu vào giảm đáng kể thì Mitraco vẫn “trụ vững” giữa “cơn cuồng phong”. Ông Dương Tất Thắng cho biết: “BCH Đảng bộ tập trung chỉ đạo đầu tư đúng mức về đổi mới công nghệ khai thác, du nhập các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm chế biến quặng theo hướng sâu hơn, tinh hơn. Theo đó, chúng tôi đã thực hiện thành công đề án khai thác tuyển quặng nghèo hàm lượng thấp từ 0,5-1%”.

Khoa học công nghệ - đòn bẩy cho sự phát triển của Mitraco Hà Tĩnh ảnh 1

Để đón đầu nền sản xuất lớn theo chuỗi giá trị, Tổng Công ty KS&TM đã đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến thực phẩm với dây chuyền công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Những đột phá đó là cải tiến chế biến zircon siêu mịn để xuất khẩu, các nhà máy chế biến các sản phẩm titan, rutile, nâng cấp chế biến thạch cao tại Lào, đầu tư thiết bị bốc dỡ tại cảng Vũng Áng... Những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty được đền đáp khi thị trường khai thác khoáng sản cả nước xuống thấp thì tốc độ tăng trưởng hàng năm của đơn vị vẫn đạt từ 10-15%, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

Ông Võ Hữu Linh - Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Zircon cho biết: “Với việc đổi mới công nghệ sấy than thay dầu, việc đầu tư đồng bộ đã giúp chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện, giảm 70% chi phí đầu vào của sản phẩm”. Bước sang năm thứ 13, xí nghiệp vẫn là “chim đầu đàn” trong việc ứng dụng công nghệ chế biến sâu zircon của cả nước.

Tiên phong chinh phục công nghệ sinh học

Cách đây ít năm, hình ảnh vị Tổng Giám đốc trẻ tuổi “khăn gói” sang nước bạn để học cách làm rau, củ, quả công nghệ cao trên cát khiến không ít người thán phục. Thán phục bởi tâm huyết tri ân lại miền đất cát đã trao tặng con người món quà quý. Nhưng hơn hết thảy là ý chí chinh phục thiên nhiên, ý chí biến những công trình nghiên cứu thành sản phẩm của xã hội không bao giờ ngơi nghỉ của một doanh nghiệp đầu tàu.

Từ Dong Shan đến Thạch Văn, lần đầu tiên sau hàng trăm năm, miền cát bạc vươn dậy những mầm sống. Lần đầu tiên, người Hà Tĩnh tiếp cận hệ thống tưới hiện đại, phù hợp với vùng cát ven biển và Mitraco cũng trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện thành công dự án sản xuất rau, củ, quả bằng công nghệ sinh học. Hiện tại, dự án này đã được nhân rộng trên toàn tỉnh với 200 ha, trong đó, một số sản phẩm đã tạo được thương hiệu như: củ cải lớn, củ cải nhỏ, cải bắp, dưa hấu, hành…

Khoa học công nghệ - đòn bẩy cho sự phát triển của Mitraco Hà Tĩnh ảnh 2

Những mầm xanh tách hạt nảy mầm trên vùng cát bạc sau khai thác khoáng sản

Bà Trần Thị Hoa (xã Thạch Văn - Thạch Hà) cho biết: “Trước đây, tôi chỉ làm 2 vụ lúa vì vào mùa hè, thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm. Từ ngày tham gia dự án, gia đình tôi có thu nhập thường xuyên. Điều quan trọng, dự án đã giúp người dân địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để tạo ra sản phẩm lớn cũng như sản xuất theo nhu cầu thị trường”.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường bất ổn, không ít “đại gia” quay trở lại tìm đến nông nghiệp làm “bến đỗ”, thì việc Mitraco dịch chuyển dần sang lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là tất yếu. Quá trình tái cấu trúc này đã được BCH Đảng bộ hoạch định chiến lược cả chục năm trước khi quyết định đưa Tổng Công ty “lấn sân” sang nuôi lợn siêu nạc và trở thành đơn vị chăn nuôi lớn nhất Hà Tĩnh cũng như có tầm ảnh hưởng toàn khu vực.

Từ những thành công có được, Mitraco được tỉnh “chọn mặt gửi vàng” nắm vị trí chủ lực xây dựng đề án phát triển chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp hiện đại, sạch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, tổng đàn nái đạt gần 7.500 con; 79 trại vệ tinh quy mô lớn 300-1.000 con; 39 tổ hợp tác, 575 hộ quy mô nhỏ liên kết sản xuất. Thông qua việc hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, Tổng Công ty là đầu chuỗi trong việc dẫn dắt, làm cầu nối giữa bà con nông dân với thị trường. Từ đó, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao hiệu quả, hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch và quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng.

Mới đây, sự góp mặt của Tổng Công ty với dự án sản xuất bò thịt chất lượng cao đã tạo luồng gió mới nơi đất nghèo Hà Tĩnh. Tương lai không xa, đây là nguồn cung cấp bò nái chất lượng cao cho bà con nông dân nhằm cải tạo đàn bò địa phương. Đón đầu dự định lớn, Tổng Công ty đã đầu tư gần 30 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu tại Nhà máy Chế biến thực phẩm ở KKT Vũng Áng

Để nâng cao năng lực điều hành, Tổng Công ty đã ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế vào công tác quản lý. Bên cạnh phần mềm công nghệ thông tin về kế toán, nông nghiệp Edenerth, điều hành tác nghiệp điện tử thì đến nay, hệ thống quản lý chất lượng, môi trường theo tiêu chuẩn ISO, quản lý chất lượng VietGap cho rau - củ - quả tích hợp tốt, có hiệu lực cao. Kiểm soát quá trình SXKD chính là xây dựng ý thức nghiêm túc thực hiện các quy trình công nghệ, đảm bảo thân thiện với môi trường và ngày càng phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast