“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

(Baohatinh.vn) - Chuẩn mực của người phụ nữ thời phong kiến là “Tứ đức”: công, dung, ngôn, hạnh. Những chuẩn mực đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, phụ nữ Hà Tĩnh đã cùng phụ nữ cả nước nhanh chóng đón bắt và tạo ra cơ hội cho chính bản thân, gia đình, hài hòa nét đẹp truyền thống và hiện đại.

“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

Vẻ đẹp người phụ nữ xưa. Ảnh tư liệu từ Hanoimoi

Công nghệ 4.0 bùng nổ vào đầu thế kỷ XXI đã tạo ra làn sóng mạnh mẽ, bao phủ và làm chuyển biến tích cực mọi lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ số, với sự hỗ trợ đắc lực của Internet đã cho ra đời các thiết bị công nghệ thông minh, các phần mềm ứng dụng tạo ra nhiều tiện ích cho đời sống xã hội. Với đức tính hay lam hay làm, thông minh, sáng tạo, phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng học hỏi, tìm tòi, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất và đời sống.

Nhờ đi đầu áp dụng CNTT trong tín dụng và giao dịch, ngành ngân hàng đã mang đến tiện ích cho hàng chục triệu người dùng và mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế. Việc một người bán rau, bán thịt ở chợ có tài khoản ngân hàng để khách hàng trả tiền bằng cách chuyển khoản không còn chuyện lạ. Việc chuyển tiền qua tài khoản hằng ngày, hằng giờ còn góp phần giảm giao dịch tiền mặt, mục đích hướng tới của Chính phủ.

“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ online.

Tại các phòng giao dịch, chi nhánh, các nữ nhân viên ngân hàng đã thành thục các thao tác của công nghệ số. Vietcombank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc sử dụng ngân hàng số. Đây là dịch vụ ngân hàng 24/7 giúp khách hàng thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ nơi đâu, dựa trên kết nối Internet.

Bà Nguyễn Thị Mai Thúy - Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: Vietcombank Hà Tĩnh có 151 cán bộ, nhân viên, trong đó, gần 60% là nữ, chủ yếu ở bộ phận giao dịch. Chị em đã nhanh chóng nắm bắt các phần mềm để hướng dẫn cài đặt, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong giao dịch ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào một cách nhanh chóng.

Đối với ngành giáo dục, cuộc cách mạng 4.0 nổ ra trên toàn cầu, mọi người kết nối với nhau thông qua Internet, do đó, quá trình trao đổi, tiếp cận, phổ cập tri thức mới giữa giáo viên và học sinh càng được chú trọng. Các thiết bị thông minh, chủ yếu là smartphone, máy tính… đã giúp giáo viên rút ngắn khoảng cách tiếp cận tri thức mới với người học.

Đặc biệt, tính năng Zoom (phòng họp mặt) của phần mềm Google Meet, Zoom, VooV Meeting... đã phát huy tác dụng trong dạy và học trực tuyến thời kỳ dịch bệnh hơn 2 năm qua. Để đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến, các cô giáo đã nhanh chóng tìm ra phương pháp quản lý lớp học, đổi mới phương thức truyền đạt để không bị đứt quãng việc học của học sinh, tạo hứng khởi cho các em. Các ứng dụng phần mềm đã hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy, nhất là bộ môn Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý...

“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

Các giáo viên Trường Tiểu học Thạch Liên (Thạch Hà) đã thành thạo trong ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác học liệu điện tử.

Cô Nguyễn Thị Mai (Trường THPT Nguyễn Đình Liễn - Cẩm Xuyên) đã tiên phong áp dụng nhiều phần mềm trong giảng dạy môn Địa lý như: PowerPoint; ActivInspire, ứng dụng Google Earth, ứng dụng Adobe Presenter… khiến những giờ học thêm hấp dẫn, cuốn hút, nâng cao chất lượng giáo dục, giúp nhiều em trở thành học sinh giỏi tỉnh.

Công nghệ 4.0 trong ngành y tế đặc biệt quan trọng và cần thiết, không chỉ hỗ trợ y, bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh mà còn giúp người dân phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe. Công nghệ 4.0 trong y tế thông qua trí tuệ nhân tạo AI giúp các y, bác sĩ dễ dàng thu thập và xử lý dữ liệu, hỗ trợ chẩn đoán, nghiên cứu, đưa ra phương pháp, phác đồ điều trị cho từng trường hợp cụ thể. Rõ nét nhất là trong hơn 2 năm dịch bệnh xảy ra, các phần mềm ứng dụng đã hỗ trợ đắc lực trong việc khai báo y tế, truy xuất nguồn lây, khám bệnh trực tuyến tại nhà…

Các app “Sổ sức khỏe điện tử”, “PC-COVID” nhanh chóng được triển khai. Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc quản lý người bệnh bằng “Sổ sức khỏe điện tử”, PC-COVID, cài đặt phần mềm VssID (bảo hiểm y tế)... Có được kết quả này phải kể đến công việc thầm lặng và bền bỉ của đội ngũ cán bộ ngành y, cán bộ BHXH, trong đó đa phần là nữ. Họ không chỉ lấy mẫu, truy vết, điều trị bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân thông thường mà còn phải thu thập thông tin, dữ liệu để có sự quản lý thống nhất trong toàn ngành, liên kết với hệ thống dữ liệu quốc gia.

“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

Nữ công BHXH hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID.

Thời đại công nghệ số, việc các bà, các chị nông dân trồng cam, bưởi, thanh long, các chủ cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản thành lập chuỗi cửa hàng, cung ứng tận tay khách hàng, trích xuất nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng… đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đây cũng là lý do khiến bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (Hương Khê), cam Thượng Lộc (Can Lộc), rượu nhung Hương Luật (Hương Sơn) và rất nhiều sản phẩm OCOP có mặt trên các kệ hàng của cả nước với lượng tiêu thụ rất mạnh.

Thương mại điện tử lên ngôi, trong dịch bệnh, chợ online được chị em phụ nữ sử dụng như một cứu cánh. Mua bán qua mạng, chỉ cần một cú nhấp chuột, một dòng tin nhắn, một video, một biểu tượng like… trên các tài khoản mạng xã hội là người bán, kẻ mua có thể trao đổi như ngoài chợ. Nhiều bà, nhiều chị dùng hết lời hay ý đẹp để quảng bá nghề nghiệp, sản phẩm, từ nông lâm, thủy hải sản, cho đến quần áo, giày dép… bằng livestream trên Facebook, hoặc trong các nhóm hội Zalo. Giữ chữ tín, tôn trọng và chiều lòng khách hàng, nhiều người mang về khoản doanh thu không hề nhỏ.

Dù hội nhập với xã hội hiện đại nhưng đa số phụ nữ hiện nay không mất đi vẻ đẹp truyền thống của “tứ đức”. Trái lại, ứng dụng CNTT, nhiều chị em đã sáng tạo không ngừng, làm đẹp bản thân và gia đình, xây dựng cơ quan, công sở văn minh, làng xóm tươi đẹp, lan tỏa, gìn giữ các di sản văn hóa. Điển hình là các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, ca trù, chèo Kiều, các chương trình biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, trung tâm văn hóa - truyền thông các huyện, thị, thành.

“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

Các thành viên nữ của CLB Dân ca ví, giặm xã Tân Lộc, Lộc Hà trong tiết mục “Giao duyên phường Vải” tại Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2020.

Họ sáng tác, tập luyện, biểu diễn và phát đi trên sóng truyền hình, các trang Fanpage thu hút lượng người xem và tương tác không hề nhỏ. Các cuộc thi áo dài qua ảnh, các sáng tác thơ, nhạc của chị em được lan tỏa qua các trang mạng xã hội nhân lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghệ 4.0.

Tận dụng mạng xã hội, nhiều chị em đã giới thiệu các địa chỉ du lịch, danh lam thắng cảnh, đặc sản của quê hương, đất nước, góp phần nhân lên tình yêu Tổ quốc và thu hút khách du lịch. Các kỹ năng tề gia nội trợ, nữ công gia chánh, cách chăm sóc trẻ em, người già, những hình ảnh kết nối tình thân gia đình, những thành công trong sự nghiệp và cuộc sống được chia sẻ đã nhân lên cái hay, cái đẹp của phụ nữ Việt Nam, dân tộc Việt Nam, góp phần hoàn thiện phẩm chất người phụ nữ trong thời đại mới.

“Tứ đức” của người phụ nữ Hà Tĩnh thời đại 4.0

Tận dụng mạng xã hội, nhiều chị em đã tổ chức chụp ảnh, giới thiệu các địa chỉ du lịch, danh lam thắng cảnh, đặc sản của quê hương.

Phụ nữ thời 4.0 còn làm đậm nét hơn tấm lòng nhân ái bao dung của người phụ nữ Việt Nam khi lập ra các trang Facebook giới thiệu các địa chỉ tình thương, chia sẻ những cảnh đời éo le để thu hút đông đảo người tham gia làm việc thiện, cứu giúp nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, chia sẻ cơm áo với đồng bào khi thiên tai, lũ lụt, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19... Thông qua sự kết nối của các nhà báo nữ Báo Hà Tĩnh, Hội Phụ nữ Hà Tĩnh tại Cộng hòa Liên bang Đức với 65 hội viên đã đồng lòng đóng góp gửi tặng quà cho phụ nữ nghèo và các hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết đến xuân về với số tiền trong 5 năm qua gần 350 triệu đồng.

Thời nào cũng vậy, nhờ phát huy những phẩm chất: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và chuẩn mực “tứ đức” do Hội LHPN Việt Nam khởi xướng: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng đón bắt cuộc cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội, những giá trị cho bản thân và cộng đồng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast